Tổng hợp những nhận định của các GS-TS. cùng thầy, cô giáo nổi tiếng về đề thi THPT Quốc gia: Nhiều người bật khóc, 'bất lực' khi ngồi giải
Th.hai, 02/07/2018, 11:36 Lượt xem: 2181

Môn Toán: Học sinh than khó, giáo sư “đầu hàng”, giáo viên bật khóc khi làm!

Đề dài, phức tạp, không thể hoàn thành trong vòng 90 phút - đó là nhận định chung của nhiều giáo sư, nhà giáo về đề Toán kì thi THPT Quốc gia năm nay.

Không chỉ các thí sinh than khó phải “lụi” cả 20 câu cuối, ngay cả với các giáo sư, tiến sĩ Toán học cũng gặp không ít khó khăn khi giải đề. Thậm chí có người còn “chịu thua” với độ khó và độ dài của đề thi này.

Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Việt Hưng (Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) thẳng thắng chia sẻ góc nhìn của mình về đề thi Toán năm nay:

“Đề thi gồm 50 câu, được làm trong 90 phút không kể thời gian phát đề. Nghĩa là, nếu muốn làm bài thi trọn vẹn, trung bình mỗi câu phải làm trong 1 phút 48 giây. Nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay nhiều môn đều gây khó, không thể đạt điểm cao. Dù không thể đặt đồng hồ để tính giờ, tôi nghiêm chỉnh thừa nhận rằng, 90 phút không đủ cho tôi làm 50 câu của đề thi. Tôi cũng không tin rằng có thầy cô giáo dạy Toán THPT nào có thể giải kịp 50 câu của đề Toán trong vòng 90 phút. Có rất nhiều câu đòi hỏi phải tính toán trong 10 đến 15 phút.

Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng.

Lâu nay, dư luận lên án thi trắc nghiệm Toán ghê quá. Kỳ thi năm ngoái lại dễ, khiến cho 30 điểm vẫn trượt Đại học phòng cháy chữa cháy. Có lẽ vì thế, năm nay Bộ GD-ĐT chỉ đạo ra đề thật khó. Nhưng bản chất cái khó của đề năm nay nằm ở phần tự luận còn rơi rớt lại, tuy học trò không phải trình bày lời giải.

Cái dở của trắc nghiệm vẫn còn đó. Học trò không cần và do đó sẽ không biết cách trình bày bài giải, không rèn rũa cách suy luận, chỉ cắm cổ tính cho thật nhanh; người khoanh kết quả đúng chưa chắc là người giải đúng.

Đề thi này khó, nhưng sẽ không phân loại được học trò. Năm nay, dự kiến điểm đỗ vào đại học sẽ thấp. Học trò rất vững vàng về kiến thức có lẽ chỉ được chừng 5,5-6 điểm Toán.”

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Toán học - Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Toulouse, Pháp) từng giành Huy chương vàng Toán quốc tế (IMO) cho rằng mình không thể hoàn thành hết đề thi này chỉ trong 90 phút.

“Tôi là người vẫn còn biết giải các bài toán phổ thông thuộc loại khó, các bài thi toán quốc tế IMO nói chung, tôi vẫn giải được trong thời gian quy định. Thế nhưng, khi một người nhờ tôi xem 5 câu trong đề thi toán THPT 2018 mã đề 120 (cụ thể là các câu 38, 44, 45, 48, 49), tôi mất gần một tiếng để giải 4 trong số 5 câu đó.

Còn câu cuối cùng (số 45 về một phương trình phi tuyến với biến số phức) thì 'khóc thét', không thể giải nổi trong vòng một giờ tiếp theo” - Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Còn Tiến sĩ Trần Nam Dũng chuyên ngành Toán - Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Huy chương bạc Olympic Toán quốc tế 1883 mất tới 30 phút mà chỉ giải được 3/5 câu khó nhất của đề. Thậm chí Tiến sĩ Dũng còn “chịu thua” 1 câu và bỏ luôn câu còn lại bởi “quá ngán”!

Tiến sĩ nêu quan điểm của mình: “Những câu này không phù hợp để đưa vào đề thi trắc nghiệm. Nếu là bài tự luận, đề cũng cần chia nhỏ thành nhiều bước để hướng dẫn, không thì quá khó. Hai bài khó chịu nhất là mặt cầu và đồ thị hàm bậc 4”

Cũng bàn đề thi Toán, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đã “bật khóc” trên trang cá nhân và làm cộng đồng mạng “dậy sóng” mấy ngày qua. Cụ thể, thầy cho biết mình đã thử giải đề Toán THPT Quốc gia trong vòng 90 phút nhưng khi hết giờ thầy vẫn còn 5 câu chưa kịp giải. Ngay sau đó bài đăng của thầy nhanh chóng nhận được nhiều cư dân mạng chia sẻ và ủng hộ.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội

“Sau khi kết thúc thời gian thi môn Toán THPT quốc gia, tôi đã làm mã đề 106. Tôi trừ 35 phút cho 35 câu đầu vì các đề thi tương tự tôi làm hết các câu trong khoảng thời gian đó. Từ câu 36 đến 40, tôi mất 30 phút, trong đó có câu mất 5 phút, có câu mất 10 phút.

Tôi tiếp tục làm từ câu 41 đến câu 45 trong trạng thái rất căng thẳng và mất 30 phút. Làm xong câu 45 thì đã hết thời gian. Nhìn 5 câu toán còn lại, tôi bật khóc vì thương các em, thế hệ học sinh lứa 2000. Tôi là giáo viên đã va chạm nhiều với đề thi mà còn trải qua cảm xúc này, không biết các em ở lứa tuổi 18 sẽ nghĩ như thế nào?

Tôi thương các em đã quần quật cả năm trời nhưng đề Toán làm khó các em quá. Đề thi dài, nhiều câu như bài tự luận ngày xưa, làm hùng hục cũng mất 10 phút mới xong. Đề dài thì không tuyển được người giỏi. Học sinh nếu mất 45-60 phút cho 30 câu đầu, chỉ có thể là… Tôn Ngộ Không mới “quật” được 15 câu tiếp theo trong khoảng hơn 30 phút còn lại.” - Một đoạn trong bài post

Môn Ngữ Văn: Đề hay, khai thác được tiềm năng của thí sinh

Khác với đề Toán, đề Ngữ Văn năm nay được đánh giá khá hay, trội hơn năm trước về các tiêu chí: đánh giá phân loại, kiểm tra kiến thức cũng như thể hiện được đặc trưng của bộ môn không quá sà đà giáo điều, khó hiểu. Nhiều học sinh nhận xét đề Văn nằm trong vùng kiến thức đã được học, ôn tập nhưng bên cạnh đó cũng có không ít các bạn cho rằng đề khó, quá trừu tượng.

Dưới đây là một số ý kiến từ các giáo viên nhận định về đề Văn thi THPT Quốc gia năm nay:

Cô giáo Bùi Thu Hằng, tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn (Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng, câu trúc đề thi bám sát đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố. Phần Đọc hiểu đảm bảo các yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung “đánh thức tiềm lực” đất nước gần như xuyên suốt yêu cầu của đề văn, trừ câu 2 phần nghị luận văn học. Đây là vấn đề rất sâu sắc, mới mẻ, với học sinh thì ngay bản thân vấn đề đưa ra với các em đã có tính phân loại. Vấn đề tiềm lực nói ở đây không chỉ chỉ là vật chất như khoáng sản, châu báu, rừng đại ngàn, phù sa… mà còn là vấn đề tiềm lực con người, tiềm lực trí tuệ.

“Tôi ấn tượng với câu hỏi số 4 phần Đọc hiểu và câu số 1 phần Làm văn. Đây là 2 câu hỏi có tính phân hóa rất rõ, đòi hỏi chính kiến, quan điểm học sinh rất rõ ràng, suy nghĩ sâu sắc mới có thể trả lời tốt câu hỏi này”.

Thầy Phan Trắc Thúc Định, giáo viênTrường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) đánh giá, câu nghị luận văn học nhìn qua thì khá gọn gàng, rõ ràng, mạch lạc. “Tuy nhiên theo như đánh giá của tôi thì khá dài, yêu cầu học sinh phải tổng hợp kiến thức rất rõ của 2 bài lớp 11 và 12. Đặc biệt đề yêu cầu học sinh vận dụng các thao tác rất rõ như phân tích; so sánh; bàn luận nhận xét đánh giá vấn đề. Nếu học sinh chủ động được kiến thức và bám sát thao tác lập luận mới có thể đạt được điểm cao. Với đề thi này, tôi cho phổ điểm môn Văn sẽ không cao hơn năm trước”.

Môn Anh: Cải thiện tính phân hóa, bám sát nội dung

Cũng như đề Văn, bài thi Anh Văn năm nay có tính phân hóa tốt hơn năm trước, đa phần các câu hỏi bám sát nội dung đã giảng dạy và ôn tập. Nhiều thí sinh cho biết đề Anh năm nay có phần “dễ thở” hơn nhưng vì phân loại hơi khá cao nên chỉ chắc chắn từ 50 - 60%.

Đề thi môn tiếng Anh THPT quốc gia 2018.

Đề thi môn tiếng Anh THPT quốc gia 2018.

Cô Cao Thùy Dương, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Tây Hồ cho rằng, đề tiếng Anh năm nay nội dung bám sát chương trình lớp 11, 12, trong đó có 20% chương trình lớp 11, còn lại là lớp 12.

“Đề có độ phân hoá cao hơn năm trước, nội dung thông hiểu bình thường chiếm khoảng 50%. Với mức độ như vậy, tỷ lệ học sinh đại trà có thể đạt từ 4-5 điểm, học sinh khá hơn có thể đạt 7 điểm. Tuy nhiên, điểm 8-9 là khá khó, điểm 10 rất khó”, cô Dương nói.

So với đề thi minh họa thì đề này không đánh đố học sinh, khá gần với kiến thức học sinh trong trường phổ thông. Đề không có nhiều từ mới, nhưng có một số đáp án gần nhau nên học sinh cần phải tư duy để đưa ra đáp án đúng cho riêng mình. Bên cạnh đó, các câu “cụm động từ’” có thể khiến nhiều học sinh bị mất điểm”, cô Dương nhận xét.

Bài thi KHXH: Học thuộc thôi là chưa đủ, cần nhiều tư duy

3 Bài thi tổ hợp Xã Hội nhìn chung vừa sức với các thí sinh, mức độ phân hóa phù hợp, bám sát nội dung và hình thức như đề minh họa tuy nhiên bài thi GDCD có nhiều tình huống dài, phức tạp đòi hỏi thí sinh phải tư duy mới có thể chọn được đáp án chính xác. Riêng môn Lịch sử không chỉ dừng lại ở việc phải học thuộc lòng mà thí sinh cần phải xâu chuỗi logic các sự kiện để tìm được đáp án, ở bài thi Địa lý lại không gây cho thí sinh quá nhiều khó khăn, nhiều thí sinh cho biết chỉ cần nắm vững kĩ năng đọc Atlat là có thể đạt 7 điểm.

Theo cô Nguyễn Thị Mai Anh (giáo viên Trường THPT Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội), đề thi môn Giáo dục công dân, kỳ thi THPT quốc gia 2018 có cấu trúc bám sát đề thi tham khảo của Bộ đã công bố về các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

“Theo tôi, đề Giáo dục công dân năm nay hay, đảm bảo đánh giá năng lực hiểu biết của thí sinh thông qua các tình huống thực tiễn cuộc sống mà đề đưa ra.
Với cách ra đề cũng sẽ tác động rất nhiều với học sinh trong việc học và với thầy cô là việc dạy, trước yêu cầu đổi mới nội dung chương trình. Học sinh sẽ phát huy tư duy cá nhân, không phải nhớ nhiều nội dung lý thuyết. Giáo viên cũng sẽ phải thực sự biến mỗi giờ lên lớp thực sự hấp dẫn học sinh bằng những trải nghiệm, sáng tạo”- cô Mai Anh chia sẻ.

Bạn Trần Thuỳ Linh (12 chuyên Sử - THPT chuyên Lê Hồng Phong): “Nếu chỉ học thuộc thì không thể đạt điểm cao, nhiều câu vận dụng đòi hỏi suy luận và nắm được mạch kiến thức xuyên suốt. Nhiều câu hỏi khiến học sinh lớp chuyên phải phân vân.”

Bài thi KHTN: Dài và khó

Ở khối KHTN cả ba bài thi đều khá dài và khó, theo các giáo viên dự đoán năm nay điểm chuẩn các trường y hay kĩ thuật sẽ giảm bởi phần nhiều các sĩ tử đạt ở mức điểm trung bình, từ mức điểm 7, 8 trở lên thì khá ít.

Nhìn chung đề hóa khó, lượng kiến thức 11 trong bài liên quan đến Muối và hidroxit lưỡng tính, aixt, hidrocacbon. Trong khi đó, kiến thức lớp 12 rải từ đầu đến cuối. Với đề hóa này học sinh muốn đạt được điểm phải có thời gian ôn luyện nhiều. So với năm ngoái, đề năm nay khó hơn ở những phần toán, nó phức tạp.

“Vì thế, phổ điểm 9,10 không nhiều. Học sinh có học lực khá có thể đạt được điểm 6. Còn đề đạt điểm 7 đòi hỏi các em phải thật giỏi. Rõ ràng đề thi này có sự phân hóa mạnh. Những em không chọn môn hóa để xét vào khối B hoặc khối học có môn hóa thì chỉ cần đủ điểm để xét tốt nghiệp không bàn. Nhưng những em xét vào Trường Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Bách Khoa thì môn hóa phải 8 trở lên. Nhưng với đề này không phải dễ để đạt điểm 8″thầy Huỳnh Thanh Phú Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM cho biết.

“Đề thi môn Sinh quá dài và khó”, đó là lời nhận xét của cô Lê Cẩm Bình, giáo viên môn Sinh học, trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM.

Theo cô Bình, đề dài quá, cho quá nhiều câu đếm ý nên thí sinh sẽ không thể làm kịp. Đề có 40 câu nhưng có đến 20 câu đếm thi đúng là quá sức với các em. Cứ một câu như thế sẽ có rất nhiều ý, bắt buộc thí sinh phải đếm xem có bao nhiêu ý đúng, bao nhiêu ý sai, nếu đếm thiếu thì xem như câu đó sai.

Năm nay đề thi có phần kiến thức của 20 bài đầu tiên lớp 11. Cô Bình cho biết đề thi năm nay phân hóa cao, khó đạt điểm 9, 10.

Đánh giá về đề thi môn lý, thầy Lê Thanh Nghị, giáo viên trường THPT Đào Duy Anh, TP.HCM, đề năm nay tính toán nhiều, nếu học sinh không nắm vững kiến thức lớp 11 khó có thể làm được bài. Đề có 8 câu lớp 11 trong đó có những câu hỏi về lý thuyết, đơn vị, công thức, một số bài khác thì tập trung vào bài tập, có câu đưa thực hành thí nghiệm của lớp 11 vào.

Thầy Nghị cho biết kiến thức 12 trong đề thi tập trung vào điện xoay chiều và đây cũng là những câu khó. “Trước câu 20, những học sinh trung bình sẽ làm được. Từ câu 21, học sinh phải có học lực khá mới có thể làm. Càng về sau, độ khó của các câu hỏi càng tăng. Phổ điểm năm nay chủ yếu 6-7, còn điểm 3,4,5 dành cho khối giáo dục thường xuyên và dân lập.”

Lê Huy (Theo saostar.vn)