4 “bí quyết” để có giờ dạy Tiếng Anh thành công
Th.tư, 31/10/2018, 10:07 Lượt xem: 3997

1. Kiểm tra bài cũ

Thông thường vào đầu tiết học, giáo viên kiểm tra bài cũ nhưng theo tôi, không cần thiết phải kiểm tra bài cũ vào đầu giờ học mà có thể kiểm tra bằng nhiều cách khác nhau và bất cứ lúc nào trong giờ học.

2. Mở bài

Để có được một giờ dạy Tiếng Anh thành công, ngay ở hoạt động đầu tiên của một giờ dạy là bước mở bài, giáo viên cần tạo ra bầu không khí học tập thuận lợi cả về mặt tâm lý lẫn nội dung cho hoạt động dạy học tiếp theo.

Những hoạt động này tuy rất ngắn (khoảng 5-7 phút) nhưng vô cùng quan trọng, vì vậy ở phần mở bài giáo viên nên tự thiết lập những tình huống phù hợp, gần gũi có liên quan đến bài mới qua các hoạt động sử dụng tranh ảnh, vật thật, hỏi những kiến thức cũ có liên quan đến bài mới, liên hệ đến thực tế của chính bản thân học sinh.

Ở phần này, các trò chơi có tính tương tác cao như trò chơi ô chữ, các câu đố vui là hoàn toàn phù hợp.

3. Giới thiệu ngữ liệu mới

Giới thiệu ngữ liệu mới là làm rõ nghĩa, cách phát âm, cấu trúc hình thái và cách dùng của một mục dạy nào đó trong một ngữ cảnh nhất định.

Mục dạy có thể là các mẫu lời nói, từ vựng hay ngữ pháp hoặc một nội dung chủ điểm nào đó thường được giới thiệu thông qua bài hội thoại hay bài khoá hoặc những tình huống có sự hỗ trợ của dụng cụ trực quan.

Với phương pháp dạy học mới, công việc giới thiệu ngữ liệu mới không thuần túy chỉ là việc giải thích nghĩa của từ mới, các quy tắc ngữ pháp và các mẫu câu.

Ở phần này, giáo viên phải làm rõ cách sử dụng các mẫu câu hoặc từ mới trong ngữ cảnh.

Một đặc điểm nổi bật của phương pháp mới trong việc giới thiệu ngữ liệu là phương pháp mới rất chú trọng đến việc phải làm sao cho học sinh tiếp thu bài học không chỉ qua nghe thụ động mà còn được vận động trí óc, chủ động tham gia vào quá trình của hoạt động này qua nhiều hoạt động ngôn ngữ khác.

Giới thiệu ngữ liệu có thể tạo dựng bởi nhiều tình huống khác nhau như:

• Sử dụng đồ vật thật trong lớp, trong trường.

• Dùng những câu chuyện có thật, các hiện tượng thật trong thực tế.

• Sử dụng tranh ảnh, đồ dùng trực quan, bảng biểu, bản đồ, bản tin, báo chí.

• Sử dụng ngôn ngữ học sinh đã biết, bài hội thoại ngắn, tiếng mẹ đẻ

4. Luyện tập và củng cố

Giáo viên hướng dẫn học sinh củng cố, khắc sâu những kiến thức đã học thông qua hoạt động thực hành luyện tập có tính tổng hợp, nâng cao theo những hình thức khác nhau.

Cuối cùng, trên cơ sở đối chiếu với mục tiêu bài học, giáo viên đưa ra một số câu hỏi, bài tập và tổ chức cho học sinh tự đánh giá về kết quả học tập của bản thân và của bạn.

Sau đó, giáo viên đánh giá, tổng kết về kết quả giờ học và hướng dẫn học sinh luyện tập, củng cố bài cũ và chuẩn bị cho bài mới.

Đổi mới phương pháp dạy học là vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng vì nó giúp cho học sinh lĩnh hội được kiến thức một cách dễ dàng qua từng cử chỉ, động tác, tranh ảnh, vật thật. Qua đó, các em có thể hiểu bài học ngay tại lớp và có thể áp dụng trong đời sống thực tế một cách có hiệu quả. Như vậy khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học môn Tiếng anh người giáo viên cần phải:

+ Sử dụng một cách triệt để đồ dùng dạy học hiện có.

+ Thường xuyên đầu tư cho việc soạn giảng nhất là thiết lập, tạo dựng mọi tình huống để dẫn dắt vào bài, thu hút được đông đảo học sinh tham gia và hăng hái phát biều ý kiến trong giờ học một cách tích cực.

+ Thường xuyên đầu tư cho việc soạn giảng nhất là thiết lập, tạo dựng mọi tình huống để dẫn dắt vào bài, thu hút được đông đảo học sinh tham gia và hăng hái phát biều ý kiến trong giờ học một cách tích cực.

+ Thường xuyên động viên, khuyến khích học sinh yếu – kém bằng nhiều thủ thuật phù hợp.

+ Thường xuyên ứng dụng CNTT để có nhiều tranh ảnh sinh động, phù hợp với nội dung bài, thu hút học sinh tham gia xây dựng bài học một cách năng động, sáng tạo, tuy nhiên tránh lạm dụng CNTT để trình chiếu những tranh ảnh không liên quan đến nội dung bài học.

 

Một giờ học tốt là phải phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học nhằm nâng cao tri thức, bồi dưỡng năng lực hợp tác, năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn, bồi dưỡng phương pháp tự học, tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, đem lại hứng thú học tập cho người học.
Ngoài những yêu cầu có tính chất truyền thống như: Bám sát mục tiêu giáo dục, nội dung dạy học, đặc trưng môn học; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh thì một giờ học phải có được sự kết hợp giữa học tập cá thể (hình thức học cá nhân) với học tập hợp tác (hình thức học theo nhóm, theo lớp);
Chú trọng kết hợp học với hành, nâng cao tri thức với rèn luyện các kỹ năng, gắn với thực tiễn cuộc sống; phát huy thế mạnh của các phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại; các phương tiện, thiết bị dạy học và những ứng dụng của công nghệ thông tin…;
Chú trọng cả hoạt động đánh giá của GV và tự đánh giá của học sinh. 

Theo Nguyễn Lan Hương
Tiếng nói giáo viên