Đừng bắt hổ, voi, chim, cá... tất cả đều cùng phải thi leo cây!
Th.ba, 02/10/2018, 14:34 Lượt xem: 4836

Đứa trẻ nào cũng có bản năng ham học, thích mày mò và khám phá, háo hức với cái mới, cái khó, cái lạ. Ngày đầu tiên cắp sách đến trường đứa trẻ nào chẳng tò mò, vui sướng. Nhưng rồi niềm vui sướng cũng dễ phai nhạt đi. Ngày ngày các con gò lưng đeo những chiếc ba lô nặng trĩu, rồi những buổi học thêm, phụ đạo…, rồi những ước mơ của bố, của mẹ đè nặng lên vai con.

Chính người lớn làm các con trở thành chán nản, rồi lại la mắng: tại sao trẻ con lười!

Một người bạn của con mình kể, cháu "thù" môn toán. Các con của cô may hơn cháu vì cô không giỏi toán. Còn bố cháu là một giáo viên toán giỏi. Bố cháu kì vọng cháu cũng phải trở nên thật giỏi. Từ khi cháu còn học tiểu học, bố đã cặm cụi tự làm một cái bảng đen đóng lên tường, rồi tối nào cũng bắt cháu học, toàn toán nâng cao cô ạ.

Ác mộng của đời cháu đó cô. Bố đập bàn, la hét mỗi khi cháu làm tính sai. “Giời ơi, dễ thế mà con không làm ra à? Con với cái. Ăn cơm hay ăn gì mà kém thế hả con?”.

Mỗi lần nhìn thấy một bài toán khó không làm được, hai mắt cháu lại hoa lên, tai ù đi, tay run rẩy, bao nhiêu chất xám trong đầu bay hết sạch. Bố lại quát to ầm ầm, còn lấy roi vụt vào tay con. Cứ gặp một bài toán khó cháu lại trở thành nỗi thất vọng tràn trề của bố.

Bố còn lùng mua về cho cháu hàng chục cuốn sách nâng cao, sách bồi dưỡng, thậm chí cả “Bộ đề thi học sinh giỏi toàn quốc” các năm. Ngày nào cũng phải ngồi tính tính toán toán hệt như những con robot. Toán làm cháu mệt mỏi và căng thẳng. Nỗi hoảng sợ ám ảnh cháu đến tận giờ. Nhồi nhiều lắm, nhưng tới giờ này, bộ nhớ của cháu về môn toán hoàn toàn là một tập rỗng.

Tội nghiệp!

Mỗi đứa trẻ sinh ra vốn đã khác nhau từ chiều cao, cân nặng, màu da cho tới bộ gen. Và mỗi đứa trẻ cũng phát triển theo những lộ trình khác nhau, chẳng đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Không thể áp đặt chúng trong cùng một khuôn giống nhau, ví như cùng một cách học, cùng một phương pháp giáo dục, một đề thi…

Thực ra, tất cả môn học hoặc ngành nghề đều cần đến toán học. Học toán không phải để giải bài tập, tìm ra đáp số, để lấy điểm 9, 10 cho cha mẹ vui lòng mà học toán chính là rèn kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề, nền tảng giúp trẻ thành công trong cuộc sống.

Tôi nhớ có lần, một thầy ở trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM kể cho tôi nghe, hồi ở Việt Nam con trai thầy cũng là một trong những học sinh sợ môn toán và cậu luôn tin rằng mình không có năng khiếu toán học. Mãi tới khi đi du học, qua một đất nước khác, được tiếp xúc với phương pháp dạy toán hoàn toàn khác, cậu mới được đánh thức tiềm năng toán ẩn trong mình. Rồi thích, rồi đam mê, rồi cống hiến cả đời mình cho toán học. Giờ đây cậu đã trở thành một giáo sư toán học với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, điều mà trước đây cậu chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Cách dạy toán trong nhà trường hiện nay còn nguyên tắc, cứng nhắc. Trẻ phải học thuộc nhiều công thức, thuộc lòng bảng cửu chương và luyện tập tính nhẩm, nhớ các định nghĩa, các tính chất, các định lý và các hệ quả một cách máy móc. Thêm vào đó rất nhiều những dạng bài khô cứng, có sẵn, nhàm chán, lượng kiến thức quá nhiều.

Nếu bạn tới các trung tâm dạy toán theo phương pháp mới của nước ngoài bạn sẽ thấy tụi trẻ được theo học kiểu giảng dạy cá nhân hóa. Mỗi bé được theo một kế hoạch học tập riêng biệt. Học sinh khá giỏi sẽ được tiếp xúc với nhiều thách thức toán học hơn, những bạn học sinh tiếp thu chậm hơn sẽ được giáo viên chỉ dạy nhiệt tình để không cảm thấy quá đuối sức hoặc mặc cảm.

Các giáo viên ở trung tâm sẽ chú trọng vào việc dạy trẻ hiểu rõ bản chất của toán học, hình thành cách phân tích, tư duy để tìm ra trọng tâm của vấn đề và cách thức giải quyết vấn đề, biết giải thích về cách làm của mình thay vì tập trung vào việc hình thành phản xạ với các con số và phép tính như các phương pháp khác. Học toán rất vui vẻ và hào hứng. Tiết học không chỉ có bảng đen và những lời trách mắng, mà dùng rất nhiều giáo cụ trực quan hấp dẫn và gần gũi với thực tế. Bởi vì, trẻ em học tư duy trừu tượng thông qua tư duy cụ thể, trẻ em học tư duy qua đôi tay mà.

Các mẹ ạ, đừng chê trẻ lười học, phải thông cảm cho con cái chúng ta. Nếu trẻ chán học, thì lỗi tại chúng ta đấy. Đừng bắt hổ, voi, chim, cá... tất cả đều cùng phải thi leo cây!

Tất cả mọi đứa trẻ trên thế giới đều thông minh, nhưng nếu bạn đánh giá sự thông minh của một con cá qua khả năng leo cây thì cả đời nó tin rằng mình là con cá ngốc nghếch, Albert Einsteins.

(Theo Kinh tế sài gòn)