Mỗi năm, phụ huynh phải chi trung bình 1000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa
Th.năm, 13/09/2018, 10:27 Lượt xem: 2189

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, hiện nay cử tri hết sức bức xúc liên quan tới vấn đề sách giáo khoa sử dụng một lần.

Cụ thể, tổng doanh thu của nhà xuất bản giáo dục năm 2015 là 1.041 tỷ đồng, 2016 là 1.147 tỷ, 2017 là 1.203 tỷ đồng và đặc biệt theo thống kê năm 2016 số lượng sách giáo khoa phát hành của nhà xuất bản giáo dục chiếm tới 56,4% toàn ngành xuất bản, 2017 con số này là 50,4% toàn ngành xuất bản. Đây mới chỉ là sách giáo khoa, chưa nói đến sách tham khảo.

Cử tri phản đối việc sử dụng sách giáo khoa một lần vì rất lãng phí, ví dụ năm 2018-2019 nhà xuất bản đưa ra thị trường 100 triệu bản sách giáo khoa và 100 triệu bản sách này sang năm sẽ hoàn toàn không được sử dụng, có thể chỉ sử dụng để bán đồng nát.

“Mỗi năm phụ huynh phải chi tính trung bình là 1 nghìn tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Ví dụ cấp tiểu học ít nhất là 6 cuốn, mỗi cuốn giá từ 45-78 nghìn đồng và cấp trung học cơ sở từ 7-13 cuốn, mỗi cuốn 97-144 nghìn đồng. Quyển sách đó chỉ sử dụng một lần là do có phần bài tập đi kèm, học sinh làm luôn vào đó còn không có nội dung gì hơn, sang năm tái bản vẫn như vậy” ”, bà Hải cho biết.

Cho biết đây là vấn đề này cử tri đã đeo đuổi nói rất nhiều, bản thân mình cũng đã đề xuất với bộ trưởng khóa trước và bộ trưởng khóa này rất nhiều lần, Trưởng ban Dân nguyện mong muốn nhân dịp sửa đổi Luật Giáo dục thì quan tâm tới ý kiến kiến nghị của cử tri với việc sử dụng sách giáo khoa một lần là rất lãng phí.

Bên cạnh đó, bà Hải cho rằng, Điều 100 Luật Giáo dục nêu rõ: Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học.

Thế nhưng, bà Hải cho hay, trên mạng đưa tin Hà Tĩnh đã dùng 100% sách công nghệ giáo dục, vậy là đã trở thành đại trà, không còn thực nghiệm nữa.


Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên thảo luận (ảnh: quochoi.vn)

“Ngày hôm qua từ 5-7g tối tôi đi tìm mua quyển sách này ở tất cả các hiệu sách trên địa bàn Hà Nội để tìm hiểu xem cụ thể như thế nào, xem cử tri phản ánh có đúng không nhưng không thể mua được”, bà Hải nói.

Vậy sách thực nghiệm như thế này nếu phụ huynh học sinh muốn học cùng con mình thì mua ở đâu, hay chương trình này độc quyền nên không biết mua ở đâu? Việc cung cấp loại sách này có mang tính chất độc quyền hay không, ngược lại vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, đó là độc quyền của Nhà xuất bản giáo dục.

“Tôi đề nghị phải bổ sung thêm vào Điều 79 và Điều 87 về quyền của cha mẹ và quyền của học sinh. Trong các quy định liên quan đến quyền của người học và quyền của cha mẹ thì cần phải được biết chương trình sẽ dạy cho con mình như thế nào và chương trình này phải cần công khai”, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵđồng tình với ý kiến của Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cho rằng không thể có sách giáo khoa mà lại do nhà trường tự chọn sách giáo khoa, một môn học có nhiều loại sách giáo khoa, như thế xảy ra tiêu cực rất lớn.

“Tôi đề nghị nhất thiết phải thống nhất một loại sách giáo khoa. Cả nước phải thống nhất một loại sách giáo khoa chứ không phải trường thích chọn loại sách giáo khoa nào thì chọn, địa phương nào thích chọn sách giáo khoa nào thì chọn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phương Thảo - Nguyễn Lực (Theo báo phapluatxahoi.vn)