Những bà mẹ có suy nghĩ khác người để con theo đuổi đam mê
Th.tư, 12/09/2018, 09:08 Lượt xem: 2226

Có con đang học lớp 9, chị Hoàng Mai Huệ (Thanh Xuân, Hà Nội) khá lo lắng khi suốt những năm THCS con luôn ở trong nhóm top cuối của lớp. Con không hào hứng với việc học. Con sợ những bài tập Toán, con ghét Văn, con không thể hiểu các phương trình hóa học, con dốt đặc Lý… Nói chung, việc học ở nhà và việc ngồi học ở lớp không khác gì tra tấn với con. Trước kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội vô cùng căng thẳng, do gia đình có điều kiện nên chị Huệ cũng xác định sẽ cho con học trường tư chứ biết sức của con không thể chen chân vào trường công lập.

Mới đây, con nằng nặc xin mẹ không thi vào lớp 10 mà sẽ đi học nghề đầu bếp ngay sau khi kết thúc lớp 9. Chị Huệ cho biết, con khá đam mê công việc nấu ăn và mơ ước sau này sẽ theo đuổi nghề đầu bếp. Việc con không học THPT mà đi học nghề khiến chị khá băn khoăn. Bởi, giờ tốt nghiệp THPT chẳng khác gì phổ cập. Nếu không có bằng THPT, chị lo sau này con sẽ tự ti và mất nhiều cơ hội.

Thế nhưng, tính đi tính lại, nếu cứ ép một đứa trẻ tuổi teen ghét đi học đến trường thì con sẽ chống đối. Chị biết ở vào tuổi này con chưa trưởng thành nên đã chỉ cho con tất cả những cái được và mất khi con không học THPT mà đi học nghề. Chị cũng khuyên con rằng thời gian học THPT là tháng ngày đẹp nhất của tuổi học sinh, con sẽ có nhiều kỷ niệm rất vui, nếu không học thì thật đáng tiếc. Còn nếu con quyết định đi theo con đường con chọn thì con sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thời điểm này, chị vẫn cho con thời gian suy nghĩ về lựa chọn của mình. Song song, chị tìm trường nghề phù hợp để con có thể theo học. “Có nhiều cách để con trưởng thành. Thay vì 3 năm học THPT với đủ kiến thức sách vở thì con được trải nghiệm thực tế rất thực, là nguyên liệu nấu ăn, văn hóa ẩm thực, công thức các món. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm cho con người thầy có tâm và nhân cách tốt để dẫn con vào nghề một cách tốt nhất, say mê nhất. Lúc đó, con biết muốn đi xa hơn thì cần học thêm những gì, có thể là học bổ túc, học tiếng Anh…”, chị Huệ chia sẻ.

Quan điểm của chị Huệ là: Tôi tôn trọng niềm đam mê và yêu thích của con. Bởi tôi biết, nếu ép con theo ý muốn của bố mẹ thì việc học của con cũng không có kết quả gì. Quan trọng là sau này con được làm nghề con yêu thích và kiếm được đồng tiền nuôi sống bản thân. Để có quyết định này, tôi cũng phải đấu tranh với bản thân rất nhiều bởi bố mẹ nào cũng muốn con học hành đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, con có cuộc sống của con và con phải được quyết định những việc liên quan đến tương lai của con.

Giống như con chị Huệ, con chị Đặng Minh Huyền (Q.Hà Đông, Hà Nội) cũng không có khả năng học và coi việc học như… cực hình. Chị Huyền từng thuê gia sư, giáo viên để kèm con nhưng nhận thức của con hạn chế nên con vẫn luôn “đội sổ” ở lớp. Biết nhận thức của con có hạn nên chị Huyền sớm xác định đường hướng cho con trong tương lai. 

“Tôi biết, dù có cố thì sức của con vẫn không thể thi vào lớp 10 công lập. Tôi tự nguyện cho con đứng ngoài cuộc đua căng thẳng này để cả mẹ và con không bị áp lực. Tôi xác định sẽ cho con học nghề hướng dẫn viên du lịch ở trường trung cấp. Trước đó, tôi đã quan sát và thấy rằng con rất hợp với công việc này. Con hiểu biết lịch sử, có khả năng thuyết trình. Quan điểm của tôi là con không học được thì không nên ép con và cha mẹ nên chấp nhận con với những khả năng riêng của con. Con làm nghề con thích, con sẽ cảm thấy hạnh phúc. Đó là điều quan trọng nhất mà cha mẹ nên tạo điều kiện cho con”, chị Huyền cho biết. 

 Nhật Minh (Theo phunuvietnam.vn)