Những thay đổi lớn trong tuyển sinh đại học 2022
Th.năm, 21/04/2022, 14:28 Lượt xem: 12549

Thông tin các em học sinh cần biết: Dự thảo tuyển sinh đại học năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố có 3 thay đổi lớn: thời gian đăng ký xét tuyển sinh, việc xét tuyển sớm và các quy định về điểm ưu tiên khu vực.

 

Đăng ký xét tuyển sau kỳ thi tốt nghiệp THPT

 

Năm nay, các em có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học sau khi đã thi tốt nghiệp, thậm chí khi đã biết điểm. Các năm trước, thí sinh đăng ký nguyện vọng cùng lúc với đăng ký thi tốt nghiệp THPT và được điều chỉnh lại sau khi biết điểm thi. Thay đổi này nhằm giúp các em tránh việc điều chỉnh, tốn thời gian và chi phí. Học sinh sẽ sắp xếp thứ tự nguyện vọng hợp lý hơn từ kết quả tốt nghiệp và tìm hiểu kỹ các ngành, trường. 


 

Hai nguồn đăng ký xét tuyển bao gồm Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Cổng dịch vụ công quốc gia - theo kế hoạch chung. Thí sinh vẫn được đăng ký nguyện vọng không hạn chế số lượng vào nhiều ngành, nhiều trường; được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cao - thấp. Lưu ý rằng, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Thí sinh có thể Đăng ký xét tuyển sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: TTXVN


 

Thí sinh không xác nhận nhập học sớm

 

Các trường đại học gần đây đã áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh (ngoài việc xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp). Do đó, nhiều thí sinh được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển trước khi biết điểm thi tốt nghiệp và có thể xác nhận nhập học sớm. 


 

Tuy nhiên, năm nay, các trường đại học không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình chung của Bộ GD&ĐT. Lý do là vì thí sinh chưa có điểm thi tốt nghiệp (điều kiện cần để tốt nghiệp THPT). Các trường chỉ được phép công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.


 

Thí sinh dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm (có thể đã đủ điều kiện trúng tuyển) vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ; và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất. Việc đăng ký tất cả nguyện vọng bằng mọi phương thức - kể cả xét tuyển - lên hệ thống nhằm mục đích giảm thiểu thí sinh ảo. Những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển sẽ được tự động loại bỏ khỏi danh sách.

ĐHQGHN là một trong những trường sử dụng phương thức xét tuyển sớm bằng bài thi Đánh giá năng lực. Ảnh: vnu.edu.vn


 

Thí sinh không được cộng điểm ưu tiên khu vực nếu xét tuyển lại

Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến giữ nguyên mức điểm cộng ưu tiên khu vực để xét tuyển đại học, cụ thể

  • Thí sinh khu vực 1 (KV1) được cộng 0,75 điểm
  • Khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) được cộng 0,5 điểm
  •  Khu vực 2 (KV2) được cộng 0,25 điểm


 

Dự thảo đề xuất ý kiến về việc điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng vào năm thí sinh tốt nghiệp THPT. Thí sinh thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học - cao đẳng đã tốt nghiệp từ những năm trước sẽ không được cộng điểm. Những đối tượng chính sách (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật) vẫn được cộng từ 1 đến 2 điểm, không phụ thuộc vào năm thí sinh tốt nghiệp.


 

Những điểm mới trên sẽ có hiệu lực khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh năm 2022, dự kiến vào tháng 6. Hiện Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến qua mạng để thông qua dự thảo, hạn chót là ngày 31/5. Bạn có thể xem toàn bộ dự thảo tại Dự thảo quy chế tuyển sinh 2022.

Dương Tâm-  Vnexpress.vn