Quảng Trị: Gần nửa tỷ đồng ủng hộ chương trình "Sóng và máy tính cho em"
Th.tư, 13/10/2021, 13:55 Lượt xem: 7704

Thông qua kênh đầu mối tiếp nhận là Sở GD&ĐT, tỉnh Quảng Trị đã vận động được gần nửa tỷ đồng tiền mặt, cùng sim, tài khoản học tập… để hỗ trợ học trực tuyến. 

 

Cán bộ, viên chức của Sở GD&ĐT Quảng Trị tham gia ủng chương trình "Sóng và máy tính cho em".

 

Hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBND tỉnh Quảng Trị kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân… chung tay ủng hộ chương trình bằng tiền mặt hoặc hiện vật thông qua đầu mối liên hệ tiếp nhận là Sở GD&ĐT Quảng Trị.

 

Hiện Sở GD&ĐT đã tiếp nhận gần 500 triệu đồng từ nhiều đơn vị, cá nhân; cùng 1.000 bộ KIT trị giá 200 triệu đồng... và 2 triệu tài khoản học tập và truy cập Internet ủng hộ cho chương trình.

 

Riêng tại buổi lễ phát động ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Sở GD&ĐT tổ chức vào sáng 12/10 đã nhận được hơn 17 triệu đồng từ các cán bộ, công viên chức, người lao động trong ngành giáo dục.

 

Theo mục tiêu đặt ra, trong năm 2021, tỉnh Quảng Trị dự kiến huy động 1.000 máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

 

Sau đó, từ năm 2022 - 2023, tỉnh tiếp tục phát động chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng đến mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được trang bị máy tính để học trực tuyến.

 

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã có thư ngỏ gửi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh Quảng Trị… tham gia ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

 

Theo đó, thời gian qua, trên địa bàn Quảng Trị, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Để duy trì hoạt động dạy học với phương châm “ngừng đến trường, không ngừng học”, tỉnh phải tổ chức đan xen các phương án dạy học trực tuyến và qua truyền hình tại một số khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội.

 

Tuy nhiên, do địa phương còn khó khăn nên có rất đông học sinh, nhất là ở khu vực thuộc 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa không có khả năng mua trang thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến.

 

Thống kê ban đầu, trên địa bàn tỉnh có gần 32% học sinh thiếu thiết bị học tập trực tuyến, làm đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dạy và học.