Tiếng Anh liên kết trong trường học: Chất lượng vẫn bỏ ngỏ
Th.năm, 06/12/2018, 08:57 Lượt xem: 14616

Ép khéo học liên kết?

Năm 2012, mô hình liên kết đào tạo giữa các trường công lập với các trung tâm ngoại ngữ là điểm mới trong kế hoạch về nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên của thủ đô. Đến nay, việc triển khai mô hình này đã được phổ biến ở nhiều quận huyện, nhất là ở khu vực nội thành. Ở nhiều địa phương khác, việc dạy tiếng Anh liên kết trong các trường học cũng đã được triển khai trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, kêu gọi tự nguyện hay vận động, “ép khéo” học sinh theo học chương trình này vẫn còn là vấn đề đáng bàn. Bởi hầu hết các trường hiện nay đều sắp xếp lịch học môn học này vào giờ học chính khóa, xen kẽ với các tiết học khác. Nghĩa là, nếu như học sinh không có nhu cầu học thì sẽ phải bố trí em đó lên thư viện đọc sách hoặc ngồi riêng ở các phòng chức năng khác trong trường. 

Theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội, trường tự sắp xếp thời khóa biểu, chương trình học. Việc sắp xếp tiếng Anh liên kết vào giờ chính khóa như vậy không trái quy định của Sở. Tuy nhiên, tâm lý chung của phụ huynh là không muốn con phải “lẻ loi”, khác các bạn học nên dù còn băn khoăn về hiệu quả của chương trình này, một số phụ huynh vẫn đăng ký cho con học. 

Về mức học phí mỗi trường thu không giống nhau do các trung tâm tiếng Anh liên kết là khác nhau, mức chiết khấu cho mỗi trường khác nhau… Tuy nhiên, có một điều giống nhau đó là sĩ số lớp học nào cũng đông so với một lớp học tiếng Anh ở các trung tâm bên ngoài. 

Lấy ví dụ, ở nhiều quận nội thành của Hà Nội, các lớp học có sĩ số hơn 50 học sinh cũng chỉ có 2,3 em là không đăng ký tham gia học. Nghĩa là, một tiết học 45’ đó sẽ có khoảng 50 học sinh tham gia. Vậy tương tác giữa thầy và trò thế nào? Trong một không gian lớp học chật chội như vậy với đầy ắp bàn ghế, nếu muốn tổ chức trò chơi để các em học sinh cùng tham gia cũng rất hạn chế. 

Câu hỏi đặt ra là, chất lượng của chương trình học tiếng Anh liên kết này ra sao? 

Ai chịu trách nhiệm về chất lượng? 

Về kiểm soát chất lượng chương trình dạy tiếng Anh liên kết trong trường học, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, trường sẽ cử giáo viên ngoại ngữ của trường phối hợp với trung tâm để kiểm soát chương trình. Lãnh đạo trường cũng sẽ dự giờ để biết các trung tâm đang dạy học như thế nào. 

Theo ông Phạm Xuân Tiến, khi dự giờ tiếng Anh, ông thấy các giáo viên nước ngoài rất có năng khiếu. Với sĩ số đông, khi giáo viên nói, học sinh hưởng ứng nghe, giơ tay phát biểu. 

Ông Tiến cũng cho biết, không thể khẳng định 100% học sinh có kết quả tốt như nhau. Nhưng một chương trình phải có hiệu quả và hợp lý mới có thể tồn tại suốt 10 năm qua.

Tuy nhiên, theo một giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học, trên thực tế, nhà trường hay trung tâm tiếng Anh được chọn liên kết không hề có bất cứ cam kết nào với phụ huynh học sinh về trình độ tiếng Anh mỗi học sinh đạt được sau khi kết thúc khóa học. Sở GDĐT cũng chịu trách nhiệm thẩm định giáo trình, nội dung giảng dạy, hồ sơ giáo viên nước ngoài… Chọn trung tâm nào để liên kết là do nhà trường tự chọn. Như vậy, việc yêu cầu Sở GDĐT chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng giảng dạy chương trình tiếng Anh liên kết tại các nhà trường trên địa bàn trên thực tế cũng là bài toán khó. Huống hồ, không dễ đo đếm được kết quả học tiếng Anh của học sinh hiện nay được nâng lên (nếu có) là do đã học tiếng Anh liên kết. 

Theo GS TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh nói riêng hiện nay là một yêu cầu bức thiết đặt ra. Việc triển khai và duy trì chương trình tiếng Anh liên kết với các trung tâm bên ngoài nhà trường sẽ chỉ đạt hiệu quả nếu được giám sát chặt chẽ không chỉ về giáo viên, giáo trình mà còn cần cả các điều kiện cơ sở vật chất trong giảng dạy…

Nếu nhìn vào thực tế thiếu giáo viên ngoại ngữ có đủ năng lực để cùng tham gia trợ giảng trong các tiết học ngoại ngữ liên kết thì nhân lực của các phòng GDĐT về lĩnh vực này cũng không đủ. Như ở một quận nội thành Hà Nội có tới gần 30 trường công lập thực hiện liên kết giảng dạy ngoại ngữ với khoảng 10 trung tâm, nhưng chỉ có 1 chuyên viên có chuyên môn nên việc giám sát, dự giờ kiểm tra, đánh giá thường xuyên gặp khó khăn...     

Thu Hương (Theo daidoanket.vn)