Trẻ em học tiếng Anh như thế nào?
Th.tư, 15/02/2023, 15:30 Lượt xem: 3895

Không giống như người lớn, trẻ nhỏ tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên và tự tạo động lực để tiếp thu mà không cần có sự hỗ trợ của ý thức. Trẻ có khả năng bắt chước phát âm và tự mình đưa ra các quy tắc. Người ra thường cho rằng sẽ rất khó để dạy tiếng Anh cho trẻ em hơn là người lớn – những người học tiếng Anh ở độ tuổi muộn hơn thông qua sách giáo khoa và dựa trên yếu tố ngữ pháp.

 

Những lợi ích của việc bắt đầu học tiếng Anh từ nhỏ

 

Trẻ nhỏ vẫn đang vận dụng các chiến lược học ngôn ngữ bẩm sinh để giao tiếp hàng ngày ở nhà. Đây cũng là những chiến lược sẽ được sử dụng tốt khi trẻ bắt đầu tiếp xúc sớm với tiếng Anh.

 

Hầu hết thời gian trẻ học ngôn ngữ thông qua các trò chơi. Nhất là các trò chơi có người lớn tham gia. Đầu tiên, con sẽ nhìn vào các hoạt động và sau đó là hiểu qua ngôn ngữ mà người lớn đang dùng để giải thích về trò chơi đó.

 

Trẻ có xu hướng hoàn thiện các kỹ năng tiếng Anh khi xem các chương trình tiếng Anh hàng ngày. Thay vì phải học theo giáo trình ở trường, làm các bài tập mà giáo viên đưa ra, trong khi trẻ chưa sẵn sàng tập trung vào kiểu học như thế này, việc học bằng cách xem chương trình sẽ khiến trẻ ít bị căng thẳng hơn và không phải cố gắng đạt được các tiêu chuẩn đã đề ra như ở trường.

 

Trẻ em có cơ hội tiếp thu ngôn ngữ thứ hai khi còn nhỏ bằng cách sử dụng chiến lược học tập bẩm sinh như đã trình bày ở trên. Với chiến lược này, trẻ có thể học thêm ngôn ngữ thứ ba, thứ tư hoặc thậm chí nhiều hơn.

 

Trẻ nhỏ thường tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên thay vì có ý thức học nó, vì trẻ có nhiều khả năng phát âm, cảm nhận tốt về ngôn ngữ và văn hóa như người lớn. Khi những đứa trẻ đến tuổi dậy thì, khả năng tiếp thu ngôn ngữ của chúng giảm dần và chúng cảm thấy phải có ý thức học tiếng Anh thông qua các chương trình và dựa trên ngữ pháp thay vì học trong sự vô tư như trước. Độ tuổi dậy thì phụ thuộc vào sự phát triển của mỗi cá nhân, và sự tự ý thức học tiếng Anh phụ thuộc vào kỳ vọng của xã hội.

 

Các giai đoạn học tiếng Anh cho trẻ em

 

Ngôn ngữ giao tiếp thường đến một cách tự nhiên trước khi trẻ biết đọc và biết viết. Dưới đây là các giai đoạn học tiếng Anh cho trẻ em:

 

Khoảng thời gian im lặng

 

Khi học ngôn ngữ mẹ đẻ, sẽ có một khoảng thời gian trẻ im lặng, đó chính là khi chúng nhìn, nghe và giao tiếp qua nét mặt hoặc cử chỉ trước khi chúng bắt đầu nói. Khi trẻ học tiếng Anh, cũng sẽ có một khoảng thời gian im lặng tương tự và sự hiểu biết có thể diễn ra trước khi trẻ thực sự nói bất kỳ từ tiếng Anh nào.

 

Trong thời gian im lặng này, ba mẹ không nên ép buộc trẻ tham gia đối thoại. Thỉnh thoảng các cuộc nói chuyện của người lớn cũng cung cấp các cơ hội hữu ích cho trẻ tiếp thu ngôn ngữ. Trẻ sẽ vận dụng các chiến lược giao tiếp như cách mà chúng nghe được từ người lớn vào các cuộc đối thoại.

 

Bắt đầu giao tiếp

 

Sau một thời gian, tùy thuộc vào tần suất của việc học tiếng Anh, mỗi đứa trẻ, nhất là các bé gái, bắt đầu nói các từ đơn (cat, house) hoặc các cụm từ ngắn (what's that?; It's my book; I can't; that's a car; time to go home) trong các cuộc đối thoại.

 

Các bé đã ghi nhớ những từ này, bắt chước cách phát âm chính xác mà không nhận ra rằng trong số đó có nhiều hơn một từ. Điều này sẽ còn tiếp diễn khi trẻ tiếp thu thêm nhiều ngôn ngữ mới.

 

Xây dựng ngôn ngữ tiếng Anh

 

Trẻ xây dựng các cụm từ bằng cách sử dụng một từ đã được ghi nhớ trước đó và thêm vào những từ vựng khác hoặc một ngôn ngữ khác. Ví dụ: a dog, a brown dog and black dog, that's my chair, time to play. Tùy thuộc vào tần suất tiếp xúc với tiếng Anh và chất lượng trải nghiệm, trẻ dần tạo ra một câu tiếng Anh hoàn chỉnh.

 

Sự hiểu biết

 

Sự hiểu biết luôn được chú trọng hơn việc giao tiếp và khả năng hiểu của trẻ không nên bị đánh giá thấp. Vì khi còn nhỏ, các con đã sử dụng sự hiểu biết từ các manh mối xung quanh để hiểu những gì người lớn đang nói với chúng. Tuy trẻ không thể hiểu hết mọi thứ khi nghe, nhưng các con có thể nắm ý chính nhờ vào một vài từ quan trọng và giải mã câu nói bằng cách sử dụng thêm các manh mối. Trong giai đoạn này, sự khuyến khích từ người lớn sẽ là đòn bẩy giúp trẻ vận dụng các kỹ năng hiểu biết của mình để giao tiếp bằng tiếng Anh.

 

Sự thất vọng

 

Sau sự mới lạ ban đầu của các buổi học tiếng Anh, một số trẻ trở nên thất vọng vì không thể bày tỏ suy nghĩ bằng tiếng Anh. Một số khác muốn giao tiếp nhanh bằng tiếng Anh như khi nói ngôn ngữ mẹ đẻ. Sự thất vọng của trẻ có thể khắc phục bằng cách thêm âm nhạc vào bài học hoặc tạo ra những cụm từ mang tính tích cực như: 'tôi có thể đếm đến 12 bằng tiếng Anh" v.v...

 

Những lỗi sai

 

Chúng ta không nên nói với trẻ rằng chúng đã phạm sai lầm và điều chỉnh trẻ ngay lập tức. Vì sai lầm có thể là một phần của quá trình xây dựng các quy tắc ngữ pháp tiếng Anh. Trong quá trình học ngôn ngữ, nếu trẻ có cơ hội nghe người lớn giao tiếp tiếng Anh một cách chính xác, trẻ sẽ tự sửa lỗi của mình trong quá trình giao tiếp.

 

Sự khác biệt giới tính

 

Bộ não của bé trai phát triển khác với các bé giái và điều này ảnh hưởng đến cách tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ của các bé trai. Đôi khi, trong các lớp học tổng hợp (có cả bé trai lẫn bé gái) các bé trai có thể bị lu mờ bởi các bé gái có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Để các bé trai học tốt và phát huy được tiềm năng, cần phải có một số phương pháp học ngôn ngữ khác với các bé gái và không nên so sánh thành tích với các bạn nữ.

 

Môi trường học ngôn ngữ

 

Trẻ nhỏ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp thu tiếng Anh nếu chúng không được cung cấp môi trường phù hợp, kèm theo sự hỗ trợ của người lớn.

 

- Trẻ nhỏ cần cảm thấy an tâm và biết lý do rõ ràng vì sao con phải sử dụng tiếng Anh.

 

- Các hoạt động trong lớp cần được liên kết với sở thích hàng ngày của trẻ. Ví dụ như: chia sẻ một cuốn sách tranh bằng tiếng Anh, nói một vấn đề bằng tiếng Anh, v.v...

 

- Các buổi học tiếng Anh rất vui và thú vị nếu tập trung vào các khái niệm mà trẻ đã hiểu bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Theo cách này, trẻ sẽ cảm thấy mình không phải học một khái niệm mới cũng như ngôn ngữ mới, mà chỉ học tiếng Anh để nói về những điều chúng đã biết.

 

- Nếu có thể, các hoạt động nên được hỗ trợ bởi các đối tượng cụ thể, địa điểm cụ thể để giúp trẻ hiểu và tăng khả năng tiếp thu.

 

Đọc hiểu

 

Trẻ nhỏ thường muốn tìm hiểu làm thế nào để đọc bằng tiếng Anh. Và trước khi con có thể đọc tiếng Anh, trẻ nhỏ cần biết tên của 26 chữ cái và âm tiết. Vì tiếng Anh có 26 chữ cái nhưng có đến 44 âm tiết. Việc giới thiệu âm tiết nên được diễn ra khi trẻ đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ.

 

Việc bắt đầu đọc bằng tiếng Anh sẽ dễ dàng hơn nếu trẻ nhỏ đã biết ngôn ngữ mà chúng đang đọc. Nhiều trẻ tự học cách đọc tiếng Anh thông qua việc chia sẻ sách ảnh với người lớn hoặc học vần, vì trẻ nhỏ có khả năng ghi nhớ ngôn ngữ. Đọc thuộc lòng là một bước quan trọng trong việc học đọc vì nó mang lại cho trẻ cơ hội để tự mình giải mã những từ đơn giản. Một khi trẻ đã xây dựng được một ngân hàng các từ mà chúng có thể đọc, chúng cảm thấy tự tin và sẵn sàng để tiếp cận việc đọc có cấu trúc hơn.

 

Hỗ trợ từ phía phụ huynh

 

Trẻ cần cảm thấy rằng chúng đang tiến bộ. Vì thế sự khuyến khích liên tục cũng như khen ngợi về kết quả của trẻ là điều cần thiết. Ở vị trí phụ huynh, ba mẹ nên giúp con mình học mỗi ngày, nếu có thể thì hãy học tiếng Anh cùng trẻ để tạo động lực cho con, ngay cả khi tiếng Anh của ba mẹ chỉ ở mức cơ bản.

 

Bằng cách chia sẻ, ba mẹ không chỉ có thể mang ngôn ngữ và hoạt động của con mình vào cuộc sống gia đình mà còn có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ về thái độ học ngoại ngữ và các nền văn hóa khác nhau. Hiện nay người ta thừa nhận rằng: hầu hết thái độ của trẻ được hình thành khi con ở độ tuổi từ 8 đến 9 tuổi.

 

 

Sưu tầm