Sáng 12/7, Bộ GD&ĐT khai giảng trực tuyến khóa tập huấn giảng viên chủ chốt của các đại học, trường đại học về triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngoại ngữ.
Dự tập huấn tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đại diện lãnh đạo các vụ cục chuyên môn của Bộ GD&ĐT và Ban quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia. Các điểm cầu có lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 7 trường thuộc ETEP và ĐH Cần Thơ, ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cùng 46 giảng viên sư phạm chủ chốt.
Phát biểu khai mạc tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học. Trong số 27 môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với Ngoại ngữ có các môn: Tiếng Anh, Tiếng Đức, Tiếng Hàn, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Nhật.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên các môn học, cơ bản có thể triển khai đại trà chương trình mới với lớp 1 và chuẩn bị tâm thế để triển khai chương trình mới với các lớp tiếp theo. Riêng Ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các giảng viên sư phạm chủ chốt; để đội ngũ này hướng dẫn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên cốt cán của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhấn mạnh điểm mới của hoạt động bồi dưỡng giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng cho biết: Trước đây bồi dưỡng là giáo viên ở cấp trung ương, rồi chuyển giao cho giáo viên cấp tỉnh, rồi đến cấp quận huyện; mỗi một lần chuyển giao lại “rơi mất” một ít. Nhưng với mô hình bồi dưỡng mới, dù là giảng viên chủ chốt, hay giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà đều được bình đẳng tiếp cận tài liệu gốc trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS. Hỗ trợ giáo viên cốt cán là giảng viên sư phạm, giúp giáo viên cốt cán tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hướng dẫn giáo viên đại trà tự học.
Với công thức 5-3-7, với mỗi mô đun bồi dưỡng, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông có tối thiểu có 5 ngày tự học, tự nghiên cứu; sau đó sẽ có 3 ngày để tập huấn trực tiếp - dưới hình thức sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường/cụm trường để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc và 7 ngày ôn lại, làm bài tập kiểm tra đánh giá. Biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng, giáo viên tự học là chính.
Với môn Ngoại ngữ, đợt tập huấn này có nội dung tìm hiểu về chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có chương trình tổng thể và chương trình các môn học (mô đun 1). Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là mô đun hết sức quan trọng, là “bài toán” gốc để hiểu về nội dung chương trình, yêu cầu cần đạt, hiểu về kết quả mong đợi khi triển khai chương trình; hiểu về phương pháp dạy học, đổi mới cách đánh giá và các điều kiện thực hiện được chương trình. Nắm vững mô đun 1 sẽ là nền tảng quan trọng để làm tốt các môn đun 2-3-4 tiếp theo, giúp giáo viên nâng cao được năng lực nghề nghiệp.
Thứ trưởng đề nghị các giảng viên sư phạm chủ chốt, trong đợt tập huấn này, phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia tập huấn đầy đủ để nắm chắc, hiểu sâu nội dung tập huấn. Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia và các cục vụ chuyên môn có liên quan của Bộ GD&ĐT giám sát việc triển khai thực hiện hoạt động bồi dưỡng để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong 3 ngày từ 12/7 đến 14/7, giảng viên sẽ được làm việc với các báo cáo viên để tìm hiểu về chương trình giáo dục phổ thông, chương trình môn Ngoại ngữ cụ thể là môn tiếng Anh, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, cũng như việc xây dựng kế hoạch giảng dạy môn Ngoại ngữ.
Trước đó, từng giảng viên đã nghiên cứu tài liệu tập huấn trong 5 ngày. Kết thúc thời gian làm việc cùng báo cáo viên, các thầy cô sẽ tiếp tục tự ôn tập online và làm bài kiểm tra đánh giá kết quả đầu ra. |