Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Đồng Tháp
Th.hai, 27/12/2021, 10:35 Lượt xem: 10878

Chiều 25/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhằm nắm bắt tình hình giáo dục và đào tạo tại địa phương. Làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu; lãnh đạo một số Sở, ban, ngành của tỉnh.

 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

 

Báo cáo tình hình giáo dục, đào tạo tỉnh Đồng Tháp, việc thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu cho biết: Năm học 2021-2022, tỉnh Đồng Tháp có 632 cơ sở giáo dục công lập, giảm 12 cơ sở so với năm học 2020-2021. Tổng số học sinh, học viên toàn tỉnh là 325.386 em. Tính đến cuối năm học 2020-2021,toàn tỉnh có 18.643 nhà giáo và cán bộ quản lý

 

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh Đồng Tháp đã thông qua Nghị quyết về Chương trình đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Đồng thời phê duyệt theo thẩm quyền các dự án mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp 1, 2 và 6.

 

Tỉnh cũng đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trong đó tập trung đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho các cơ sở giáo dục tiểu học. Kết quả, 100% lớp 1 và 2 của tỉnh học 2 buổi/ngày. Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, lựa chọn sách giáo khoa được triển khai nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT. Việc triển khai chương trình ở những năm đầu tiên nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực.

 

Bên cạnh những thuận lợi, giáo dục Đồng Tháp cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, khu công nghiệp. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn do quy mô phát triển của các cơ sở giáo dục không đồng đều, trong khi yêu cầu phải tổ chức dạy học đủ các môn để nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Tháp xác định mục tiêu phấn đấu của giáo dục địa phương là nằm trong nhóm 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 15 cả nước dựa trên các chỉ số có thể so sánh được. Trong đó, sẽ cụ thể hóa các giải pháp về phát triển giáo dục trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoan 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển giáo dục, đào tạo nói riêng; đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh 2 năm vừa qua.

 

Chia sẻ về mục đích của cuộc làm việc là nhằm nắm bắt tình hình giáo dục địa phương, qua đó kịp thời thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa phương sao cho nhất quán với chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và phù hợp với tình hình, đặc thù thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời khẳng định tầm quan trọng, vai trò có tính chất quyết định của mỗi địa phương trong triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục và đào tạo.

 

“Thành bại trong công cuộc đổi mới giáo dục tại mỗi địa phương phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm, sát sao chỉ đạo của lãnh đạo các cấp địa phương để có các quyết sách và cách triển khai phù hợp với đặc thù mỗi nơi. Công cuộc đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi phải giải nhiều bài toán cùng một lúc. Trong đó có cả các vấn đề căn cơ, nền tảng và các vấn đề mới, phát sinh hoặc chưa có tiền lệ trong thực tế”, Bộ trưởng nói.

 


Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng bức tranh lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

 

Ghi nhận sự nỗ lực của ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp trong việc thích ứng, vượt qua khó khăn do dịch bệnh giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng lưu ý, năm 2022 dịch bệnh còn phức tạp và thách thức có thể sẽ lớn hơn nhiều lần. Do đó, tỉnh cần tập trung và có phương án, quyết sách mạnh mẽ hơn đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Đây cũng là năm trọng tâm tập trung bù đắp kiến thức, kỹ năng sau một thời gian dài học tập trực tuyến, vì vậy, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, ngành Giáo dục cần rà soát, nghiên cứu để có phương án, phân loại, phân nhóm và hỗ trợ phù hợp.

 

Nhân việc triển khai dạy học trực tuyến do dịch bệnh thời gian qua, theo Bộ trưởng, Đồng Tháp cần “dấn” thêm một bước để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục theo hướng bài bản, lâu dài.

 

Năm học 2022-2023 sẽ là năm tiếp theo ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chuẩn bị tốt cho các bước triển khai tiếp theo. Trong đó, cần có các biện pháp quyết liệt, xây dựng kế hoạch triển khai cho từng việc cụ thể như: tập huấn giáo viên; cung cấp, tuyên truyền đầy đủ thông tin để giáo viên đồng thuận và hô ứng cùng thực hiện công cuộc đổi mới; kế hoạch và điều kiện chọn sách giáo khoa….

 

Đối với vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại địa phương, Bộ trưởng cho rằng, cần phải có giải pháp tổng thể. Riêng Trường Đại học Đồng Tháp phải đưa ra giải pháp đào tạo và cung cấp giáo viên cho tỉnh. Về phía Bộ GDĐT cũng đang tính đến các giải pháp về chính sách nhằm huy động các lực lượng hỗ trợ nhân lực giảng dạy Tiếng Anh và Tin học; để giảm số lượng giáo viên có thể lưu ý phát huy và tận dụng bài giảng điện tử trong giảng dạy 2 môn học này.

 

Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất và kiên cố hóa trường học là nhiệm vụ không thể làm ngay nhưng theo Bộ trưởng, tỉnh cần đặt lộ trình cụ thể cho từng năm, qua đó tính toán được nguồn lực để thực hiện. Bộ GDĐT sẽ quan tâm giải quyết vấn đề này thông qua chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ, góp phần cùng với địa phương.

 

Đề cập tới công tác phổ cập giáo dục mầm non, Bộ trưởng nhấn mạnh, tỉnh cần đặc biệt lưu ý đủ trường, đủ giáo viên cho các trường mầm non, nhà trẻ ở các khu công nghiệp và phải coi đây là việc làm song song với phát triển các khu công nghiệp. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, nhất là ở thành phố, những nơi mức sống cao hơn, tập trung nhiều hơn vào cấp mẫu giáo, mầm non, tiểu học - việc này sẽ giúp giảm bớt khó khăn về thiếu giáo viên.

 

Một nhiệm vụ quan trọng nữa cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý với tỉnh Đồng Tháp, đó là đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, chú ý đến các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống thư viện và các hệ thống học tập khác. Cụ thể, tỉnh cần rà soát, qua đó phát hiện những vấn đề cần giải quyết và điều chỉnh cho phù hợp.

 

Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ GDĐT đã dành sự quan tâm cho giáo dục Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, lãnh đạo tỉnh xác định rất rõ tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo, qua đó luôn dành sự quan tâm cho công tác này. Với các vấn đề, nhóm vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt ra và lưu ý tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong khẳng định, sẽ tiếp thu và chỉ đạo triển khai thực hiện.