Để giáo viên thực hiện thành công chương trình mới
Th.sáu, 09/03/2018, 07:02 Lượt xem: 2114

Cô trò Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội)

TS Cao Thị Sông Hương cho rằng, chương trình mới đã bổ sung trúng điểm khuyết của chương trình hiện hành là “các kiến thức trong nhà trường còn xa rời thực tiễn, chú trọng lí thuyết suông và ghi nhớ máy móc”. Cụ thể là chương trình giáo dục phổ thông mới tăng cường các hoạt động thực hành thực tiễn, giải quyết vấn đề, đồng thời bổ sung các kiến thức hữu ích đối với đời sống hàng ngày của người học.

Như vậy, chương trình SGK mới sẽ tạo ra thế hệ trẻ không những hiểu biết về kiến thức mà còn có khả năng thực hành, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Hay nói cách khác chương trình SGK mới giúp phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học.

Nội dung này được thể hiện rất cụ thể qua “Các yêu cầu cần đạt” cũng như hình thức và nội dung đánh giá kết quả dạy học trong dự thảo các môn học của chương trình mới.

Để thực hiện được “Các yêu cầu cần đạt” thì giáo viên không thể “dạy chay”, dạy cốt là để học sinh ghi nhớ máy móc các kiến thức và giải một cách máy móc các bài tập phần lớn là mang tính giả định trong sách vở. Trái lại giáo viên phải tổ chức các hoạt động học thông qua làm, thông qua thực hành và giải quyết vấn đề. Việc chuẩn bị bài dạy và đồ dùng dạy học trong chương trình SGK mới đòi hỏi nhiều hơn về sự đầu tư và thời gian của giáo viên.

Để thực hiện chương trình mới, theo TS Cao Thị Sông Hương, cần quán triệt các công việc sau:

Thứ nhất: Bản thân mỗi giáo viên cần nỗ lực nghiên cứu, học hỏi để vận dụng được các phương pháp dạy học thông qua hoạt động (dạy học giải quyết vấn đề, thực hành, thí nghiệm, dạy học dự án,…).

Thứ 2: Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các trường sư phạm trong cả nước tổ chức các đợt tập huấn chuyên môn cho giáo viên về triển khai dạy học phát triển năng lực học sinh đúng như yêu cầu của chương trình mới.

Thứ 3: Cần cấu trúc lại nội dung chương trình “Bồi dưỡng nâng hạng giáo viên” theo hướng tăng cường (số lượng các chuyên đề và thời gian cho mỗi chuyên đề) các chuyên đề về phương pháp dạy học phát triển năng lực, học thông qua làm (learning by doing), cũng như các chuyên đề về đánh giá năng lực của người học.

Thứ 4: Bộ GD&ĐT cần thiết kế các công cụ đánh giá sao cho có thể đánh giá không những sự tái hiện kiến thức mà còn đánh giá được năng lực giải quyết vấn đề và năng lực thực hành của học sinh trong các kì thi quốc gia và các kì thi chung khác.

Thứ 5: Các chuyên gia viết SGK cần nghiên cứu để đưa vào chương trình mới các bài tập, các nhiệm vụ học tập đòi hỏi học sinh không những cần phải ghi nhớ kiến thức mà còn phải vận dụng được kiến thức để giải quyết vấn đề. Không những biết tái hiện kiến thức mà còn biết thực hành, thí nghiệm, trao đổi thông tin và truyền thông.

Giảng viên Trường ĐH Đồng Tháp đồng thời kiến nghị giữ nguyên mục tiêu, nội dung và các yêu cầu cần đạt của các phân môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học) như trong chương trình, và định lượng nội dung đánh giá (chẳng hạn như: đánh giá năng lực giải quyết vấn đề và thực hành chiếm 60%, tái hiện kiến thức chiếm 40% điểm số như trong môn “Vật lý” ở cấp THPT). Nếu thực hiện được điều này thì mục tiêu đổi mới được thực hiện.

Đồng thời, kiên quyết triển khai và thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt mà chương trình đề ra, nhất là các yêu cầu gắn với thực hành, thực tiễn, thí nghiệm, giải quyết vấn đề (nếu không sự đổi mới của chúng ta sẽ quay về trạng thái ban đầu). Nếu giải quyết được điều này thì đổi mới giáo dục thành công.

Hiếu Nguyễn (Theo GD & TĐ)