Ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác của 2 Bộ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo, trong đó có giáo dục dân tộc tại địa phương. Cũng tại đây, hai Bộ trưởng đã tới thăm và làm việc với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương và Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ).
Cùng tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Ủy ban dân tộc. Tiếp và làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu; Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Công Thủy.
Báo cáo về công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Phú Thọ cho thấy: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước vì dịch Covid-19, song sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh thời gian qua vẫn duy trì vững chắc trên cả 3 mặt: Quy mô, chất lượng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương.
Hiện nay toàn tỉnh có 895 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, đại học, trong đó 847 cơ sở giáo dục công lập, 48 trường ngoài công lập; trên 400 nghìn học sinh, sinh viên. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đạt được các kết quả tích cực, luôn đứng vị trí top đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được quan tâm và đạt kết quả cao. Phú Thọ là một trong 6 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi từ năm 2012; phổ cập giáo dục tiểu học hiện đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; xóa mù chữ mức độ 2.
Trên địa bàn tỉnh có 50 dân tộc, có 26 xã và 70 thôn đặc biệt khó khăn. Tổng số học sinh là người dân tộc thiểu số là gần 76 nghìn học sinh, chiếm trên 19% số học sinh toàn tỉnh. Công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp vùng dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức triển khai nghiêm túc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành mục tiêu chương trình.
Tại cuộc làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Ủy ban Dân tộc đã trao đổi một số nội dung tỉnh Phú Thọ quan tâm liên quan đến biên chế giáo viên, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp; xem xét về quy định khu vực miền núi để giáo viên, học sinh ở những khu vực này được hưởng chế độ, chính sách phù hợp…
Đánh giá cao nỗ lực, sự quan tâm, cũng như kết quả của giáo dục Phú Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong muốn, tỉnh sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên cho giáo dục. Trong đó, quan tâm đảm bảo ngân sách cho giáo dục; tập trung cho việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan tâm, hỗ trợ phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú để ngày càng có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được học tập trong điều kiện tốt; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: an toàn trường học và chất lượng giáo dục trong năm học 2021-2022.
Trước đó, tới thăm và làm việc với cán bộ, giáo viên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Việt Trì, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã dành thời gian lắng nghe chia sẻ, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên ở đây.
Trước các vấn đề được quan tâm liên quan đến chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo, cho học sinh dân tộc học tập tại trường và mô hình phát triển của nhà trường…, hai Bộ trưởng thống nhất sẽ phối hợp nghiên cứu, rà soát lại các cơ chế, chính sách hiện có để tham mưu sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, qua đó thúc đẩy giáo dục dân tộc phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương được thành lập năm 1977. Sau 46 năm phát triển, rường đã bồi dưỡng được hơn 22 nghìn học sinh của 28 dân tộc thiểu số, đến từ 23 tỉnh/thành. Mỗi năm, trường tuyển mới 1.000 học sinh dự bị đại học để nuôi dạy và phân bổ các em vào học đại học. Riêng năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh là 1000 học sinh, nhưng đã có hơn 4000 hồ sơ đăng kí xét tuyển.
Để tiếp tục phát huy những tiềm năng, thế mạnh của trường, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương đề xuất mô hình phát triển thành Trường Dự bị Đại học và Dân tộc nội trú trọng điểm vùng. Trong đó, đề nghị Bộ GDĐT giao thêm nhiệm vụ nuôi dạy học sinh dân tộc nội trú bậc THPT và bổ sung nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc.
Cũng tại Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã tới thăm và trò chuyện với cán bộ, giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương. Bộ trưởng cũng đã đến kiểm tra địa điểm đang xây dựng cơ sở mới của Trường THPT Chuyên Hùng Vương tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.