Năm “nặng”, năm… “nhẹ”?
Năm nào cũng thế, cứ vào học kì 2 hàng năm, trước những thay đổi ít nhiều về đề thi, phương thức thi của Bộ GD-ĐT, các nhà trường lại cấp tập triển khai cho học sinh làm quen với định dạng của đề thi. Nếu kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, môn Toán thi theo hình thức tự luận và các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm thì đến năm 2017, Bộ GD-ĐT quyết định môn Toán chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay cũng vậy, hàng triệu học sinh thấp thỏm ngóng chờ đề thi minh họa. Ngay sau khi Bộ công bố đề thi này, nhiều trường lại cấp tập triển khai cho học sinh làm quen với định dạng của đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập. Nhiều thầy cô giáo nhận xét, đề minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 có độ khó và tính phân loại cao hơn so với đề thi chính thức của năm 2017.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Theo đánh giá của giáo viên thì đề thi phân hóa cao, khả năng sẽ không còn mưa điểm 10 như năm trước nữa. Giáo viên đã nghiên cứu đề thi và chủ động kiểm tra kiến thức theo từng phần của đề thi xem các em nắm kiến thức được tới đâu.Từ đó, giáo viên rút kinh nghiệm trong cách dạy học, ôn luyện để việc luyện thi đạt hiệu quả thiết thực. Đối với đặc thù Trường Đinh Tiên Hoàng thì giáo viên sẽ chỉ chú trọng rèn luyện cho học sinh đạt mức độ kiến thức cơ bản... Tháng 3 này, trường kiểm tra nửa học kỳ 2, các thầy cô sẽ ra bộ đề tương ứng với đề thi minh họa để kiểm tra đánh giá học sinh.
Thầy Phạm Trung Hiếu, giáo viên môn Toán một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, đề thi môn Toán có những câu quá dễ, có những câu lại quá khó. Có những câu học sinh “học vẹt” là được điểm chứ không hề đòi hỏi kỹ năng tư duy. Vì thế, theo thầy Hiếu, để đánh giá đúng năng lực của học sinh cần có nhiều mức độ khó dễ khác nhau.
Đồng quan điểm, thầy Tùng Lâm cũng cho rằng, đề thi minh họa năm nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Ví dụ, đối với đề thi Văn dù đã bao quát được kiến thức của lớp 11, lớp 12 nhưng nhiều câu hỏi trắc nghiệm khá vụn vặt, không đào sâu kiến thức và không giúp cho học sinh phát triển tư duy sáng tạo. Số lượng câu hỏi nhiều và lượng câu hỏi khó ít đi, hạn chế năng lực tư duy sáng tạo của người làm bài. Theo tôi, đề thi THPT Quốc gia sắp tới phải sát đối tượng học sinh của các trường, các vùng miền..., phải đảm bảo đề thi không quá dễ, hoặc quá khó để đánh giá đúng năng lực học sinh. Tránh rơi vào tình trạng như kỳ thi năm 2017, tỷ lệ câu hỏi dễ cao, không có sự phân hóa hợp lý nên dẫn đến lạm phát điểm 10. Đề trắc nghiệm phải đảm bảo 2 tính chất là độ tin cậy và độ giá trị, rèn luyện kỹ năng tư duy, mức độ suy luận cho học sinh...
Bao giờ ổn định?
TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, từ năm 2018, nội dung thi THPT Quốc gia sẽ nằm trong chương trình cả lớp 11 và lớp 12 THPT. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi THPT nằm trong chương trình toàn cấp THPT. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Thầy Phạm Trung Hiếu cũng cho rằng, năm nào Bộ cũng đổi mới đề thi bằng cách tăng thêm một lượng kiến thức khiến thầy trò khá chật vật trong việc học tập và ôn luyện. Bộ đã chủ trương kỳ thi sẽ được giảm tải thì nên giảm bớt những kiến thức không cần thiết, chỉ tập trung vào những kiến thức cơ bản. Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, mỗi năm cấu trúc đề thi lại có sự thay đổi nên năm nào các em cũng phải ngóng chờ đề thi minh họa của Bộ để định hướng việc ôn tập.
Mặc dù, chủ trương của Bộ là giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, đánh giá thực chất, nhưng thực tế cách làm hiện nay lại không theo hướng đó, mỗi năm lại tăng thêm kiến thức. Đại diện một Sở GD-ĐT miền núi phía Bắc cho rằng, tất nhiên phải có đổi mới để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng đổi mới phải có lộ trình, phải có sự ổn định để còn kịp chuẩn bị. Giáo viên, học sinh đều mong muốn Bộ sớm ổn định kỳ thi THPT Quốc gia để các trường, thầy trò yên tâm học tập.