Kiểm tra, đánh giá trực tuyến: Hành lang pháp lý đã sẵn sàng
Th.năm, 04/11/2021, 14:53 Lượt xem: 9328

Từ quy định chung của Bộ GD&ĐT, nhiều cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tuyến ứng phó dịch bệnh Covid-19. 

 

Giáo viên dạy học trực tuyến.

 

Có địa phương còn yêu cầu các trường xây dựng quy chế thực hiện và báo cáo Sở GD&ĐT trước khi triển khai.

 

Xây dựng tiêu chí phù hợp với thực tiễn

 

Để triển khai kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến, ngoài đáp ứng được các điều kiện quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT, Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) còn xây dựng thêm tiêu chí để thống nhất giữa khối lớp, nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng, trung thực, hạn chế tối đa rủi ro, gian lận của học sinh.

 

Những nội dung đã bổ sung thêm, theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Trần Trọng Hà, trước hết là ban hành văn bản phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong công tác dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến. Phụ huynh cùng nhà trường phải bảo đảm học sinh có đủ thiết bị thi trực tuyến, để giáo viên có thể giám sát được tình hình làm bài của học sinh; chất lượng đường truyền ổn định để học sinh nhận đề, làm bài và nộp bài trong thời gian quy định mà không bị trục trặc. Ngoài ra, nhà trường cũng cần phụ huynh phối hợp giám sát trẻ thi/kiểm tra (nếu điều kiện cho phép).

 

Cùng với đó, trường phải có hệ thống quản lý dạy học trực tuyến (thường là sử dụng hệ thống của Sở GD&ĐT), hoặc chủ động thuê đơn vị chuyên nghiệp cung cấp. Hệ thống này cho phép tổ chức thi trực tuyến ở quy mô toàn trường, học sinh làm bài trong cùng khoảng thời gian và cùng một đề được trộn thành nhiều mã khác nhau. Việc giao cho giáo viên bộ môn tự tổ chức kiểm tra cho học sinh của lớp có thể được, nhưng khó giám sát. Vì vậy, để tăng tính khách quan, công bằng các trường thường tổ chức thi tập trung toàn khối, toàn trường.

 

Nhà trường đồng thời xây dựng quy chế thi trực tuyến để điều chỉnh hành vi, thái độ của học sinh, từ đó giảm thiểu gian lận. Quy chế quy định rõ từng yêu cầu với học sinh về thiết bị, góc camera giám sát, quy định từng bước đăng nhập vào hệ thống để nhận đề, làm bài, nộp bài, cách xử lý khi có sự cố… Giáo viên, kỹ thuật giám sát đều được tập huấn, có kỹ năng về giám sát thi/kiểm ra trực tuyến; có khả năng hướng dẫn học sinh xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thi trực tuyến. Hệ thống đề thi/kiểm tra 100% trắc nghiệm khách quan, trừ môn Ngữ văn 100% tự luận, phù hợp với dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT và giảm bớt sự phức tạp trong quá trình tổ chức thi” - thầy Trần Trọng Hà chia sẻ thêm các tiêu chí về việc kiểm tra đánh giá của nhà trường.

 

Tại Cà Mau, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Với kiểm tra đánh giá thường xuyên, các trường học trên địa bàn triển khai trong quá trình dạy và học thông qua: Hỏi - đáp, thuyết trình và sản phẩm học tập theo quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT. Riêng kiểm tra, đánh giá định kỳ, hiện chưa có trường nào thực hiện bằng hình thức trực tuyến. “Sở GD&ĐT sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn tạm thời để có cơ sở hướng dẫn các đơn vị trường học triển khai thích ứng với tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng quy chế kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tuyến và báo cáo Sở trước khi thực hiện” - ông Lê Hoàng Dự cho hay.

 

Học sinh Trường THPT Xuân Phương, Hà Nội trước giờ kiểm tra trực tuyến.

 

 

Xây dựng kế hoạch bài bản

 

Thông tin từ thầy Đỗ Quốc Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Phú (An Giang), căn cứ tình hình thực tế, Trường THPT An Phú đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tuyến ứng phó dịch bệnh Covid-19 bài bản, với đủ mục đích, yêu cầu; nguyên tắc; tổ chức thực hiện. Riêng phần tổ chức thực hiện quy định cụ thể về hình thức, phương tiện và thời gian kiểm tra; quy trình soạn ngân hàng câu hỏi, làm đề và tổ chức kiểm tra; quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin trong quá trình kiểm tra; những quy định đối với học sinh; trách nhiệm của ban lãnh đạo hội đồng, các tổ phục vụ công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá.

 

Theo đó, nhà trường quy định các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Tin học, Kĩ thuật nông nghiệp, Kĩ thuật công nghiệp kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn (100% trắc nghiệm). Tuy nhiên, trước thời điểm tổ chức kiểm tra, nếu Sở GD&ĐT có hướng dẫn hoặc chỉ đạo kiểm tra theo hình thức nào (trắc nghiệm hoàn toàn hoặc trắc nghiệm kết hợp tự luận) thì thực hiện theo chỉ đạo của Sở. Môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận. Sử dụng hệ thống K12Online.vn để tổ chức kiểm tra trực tuyến. Số lượng câu trong ngân hàng câu hỏi cần đủ lớn và phong phú; đề kiểm tra cần đạt được mục tiêu phân hóa học sinh, đảm bảo đánh giá được năng lực học tập thực sự của các nhóm.

 

“Trường quy định cụ thể với học sinh khi tham gia kiểm tra trực tuyến. Trong đó, cần thực hiện kiểm tra nghiêm túc, trung thực; học sinh gian lận trong quá trình kiểm tra sẽ bị xử lý theo quy định. Chuẩn bị dụng cụ, thiết bị học tập, vị trí, không gian phù hợp cho việc thực hiện các bài kiểm tra trực tuyến. Đọc thật kỹ những hướng dẫn, chỉ dẫn hoặc lời nhắc, lời cảnh báo của hệ thống phần mềm trong suốt quá trình làm bài; những nội dung đó được xem là một phần quy định trong nội quy kiểm tra. Phản ánh đến giáo viên về sự cố mất điện, lỗi kết nối, lỗi hệ thống...

 

Nếu học sinh chưa đủ kiến thức để kiểm tra, hoặc trong khu cách ly không thể tham gia kiểm tra, hoặc những trường hợp đặc biệt khác, thì được xem xét giải quyết cho kiểm tra sau, kiểm tra cùng đợt với học sinh kiểm tra bổ sung.

 

Trước khi kiểm tra chính thức, trường sẽ tổ chức cho các khối lớp kiểm tra thử ít nhất 1 lần để test hệ thống, rút kinh nghiệm tổ chức, giúp học sinh làm theo với phương thức làm bài kiểm tra trực tuyến… Thời gian kiểm tra chính thức theo thống nhất của tổ chuyên môn thông qua tổ trưởng. Tổ trưởng chuyên môn lên lịch kiểm tra theo mẫu, gửi lại ban giám hiệu trước ngày 24/10 để trường sắp xếp và công bố lịch kiểm tra chính thức. - Thầy Đỗ Quốc Toàn

 

Hiếu Nguyễn - GG&TĐ