Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Việc ôn tập sẽ căng thẳng hơn các năm trước
Th.ba, 15/05/2018, 09:34 Lượt xem: 3047

Thời điểm này đang là giai đoạn “tăng tốc” ôn thi của các thí sinh kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh minh họa: Q.A

Nhà trường tăng tốc ôn tập

Chỉ còn hơn 40 ngày nữa, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 chính thức được bắt đầu. Thế nên, thời điểm hiện tại nhiều trường THPT trên phạm vi cả nước đang rất tích cực chuẩn bị cho công tác tổ chức kỳ thi, nhất là tập trung mọi nguồn lực, điều kiện để ôn tập cho học sinh lớp 12 để có thành tích tốt trong kỳ thi sắp tới. Năm nay, dự báo đề thi khó hơn năm trước do có cả chương trình lớp 11, nhiều phân loại thí sinh, nên các trường THPT đều sớm có kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh. Ở Hà Nội, theo ghi nhận tại nhiều trường THPT, đã kết thúc học kỳ II của khối 12 từ đầu tháng 5, hiện đang tập trung cao điểm cho hoạt động ôn tập cho các thí sinh.

Cụ thể, tại Trường THPT Lômônôxốp cũng đang tích cực ôn tập cho học sinh khối 12, ngoài các môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ), nhà trường bố trí ôn tập tăng cường các môn học theo khối thi như: A, D, A1. Theo lãnh đạo nhà trường, trường cũng đã sớm có định hướng xếp lớp cho các học sinh có dự định theo khối xét tuyển vào đại học, phân công nhiệm vụ cho giáo viên sớm nắm bắt, bồi dưỡng học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng đã tổ chức thi thử để học sinh làm quen với đề thi, cách thức tổ chức thi. Thời điểm cận kề kỳ thi, các giáo viên bộ môn sẽ hướng dẫn học sinh ôn luyện kỹ năng làm bài, ổn định tâm lý khi thi cho các em.

Còn tại Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, trước sự thay đổi nhiều của kỳ thi năm nay cũng đặt ra nhiệm vụ quyết tâm cao hơn các năm trước để học sinh của trường có kết quả tốt trong kỳ thi tới. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng nhà trường chia sẻ: “So với mọi năm, năm nay học sinh có phần lo lắng, căng thẳng hơn vì cấu trúc đề thi đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh. Năm nay, phải thi thêm kiến thức lớp 11, đề thi lại có sự phân hóa cao. Hiện nay, nhà trường cũng đã phân công nhiệm vụ cho các giáo viên dạy môn có trong kỳ thi phải tăng cường ôn tập đáp ứng theo yêu cầu của cấu trúc đề thi, đồng thời bố trí kèm cặp, bồi dưỡng thêm những học sinh yếu, kém”.

Tương tự, tại các trường THPT “điểm” tại Hà Nội như: THPT Kim Liên, THPT Việt Đức, THPT dân lập Lương Thế Vinh… Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, các trường tập trung chủ yếu hướng đến ôn tập theo khối xét tuyển vào đại học, nội dung ôn tập chủ yếu là nâng cao đáp ứng tính phân loại của đề thi, nhằm mục đích xét tuyển vào các trường đại học “tốp trên”.

Thí sinh căng thẳng luyện thi

Đối với thí sinh, khoảng thời gian từ giờ cho tới lúc thi không còn nhiều, nên hầu hết mọi thời gian đều tập trung cho việc ôn tập, luyện giải đề thi. Đỗ Khánh Phương (lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) cho biết: “Em đã học xong chương trình lớp 12 và cũng đã chuyển sang ôn kiến thức lớp 11. Năm nay, Bộ công bố đề thi minh họa khá muộn so với mọi năm nên việc ôn tập lúc đầu thấy hơi lúng túng và căng thẳng. Tuy nhiên, em cũng như bao bạn học khác đang gặp vấn đề là nếu học hết kiến thức lớp 11 thì quá nhiều, mà học tủ thì không biết giới hạn kiến thức ở đâu. Nên thời gian ôn thi luôn được tận dụng, vì cảm thấy phạm vi ôn tập năm nay là rất rộng, dù rằng kiến thức lớp 11 chỉ chiếm khoảng 20-25% nội dung đề thi”.

Còn Tiến Khôi (lớp 12, Trường THPT Marie Curie, Hà Nội) tâm sự: “Chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, mục đích của em là vào đại học, nên tập trung nhiều cho các môn bắt buộc, đây là các môn có thể tham gia xét tuyển vào các trường đại học. Đối với các môn khoa học xã hội, em học chủ yếu nắm chắc kiến thức, cố gắng để đạt khoảng 6 điểm mỗi môn vừa đỗ tốt nghiệp, vừa có thể dùng để xét tuyển vào đại học. Thời gian này tập trung cao điểm để ôn tập, ngoài ôn ở trên trường, về nhà đi học thêm, học nhóm… Năm nay đề thi khó hơn, nên phải dành nhiều thời gian để ôn tập, nhất là phạm vi kiến thức lớp 11 vẫn phải học lại nhiều”.

Liên quan tới đề thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay cấu trúc gồm 60% kiến thức cơ bản và phần còn lại là nâng cao để phân loại. Nội dung mở rộng có thêm nội dung lớp 11 (khoảng 20%) và không khoanh vùng nội dung nào sẽ xuất hiện trong đề. Đề thi hướng tới 4 cấp độ: Dễ, trung bình, tương đối khó và khó. Bộ cũng lưu ý, thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này; nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp”.

Theo đánh giá của một số giáo viên THPT, đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2018 mà Bộ GD&ĐT đã công bố cho thấy, các thí sinh năm nay sẽ phải học ôn vất vả hơn so với các năm trước vì đề thi có nội dung ôn tập cả chương trình lớp 11, không giới hạn kiến thức, tính phân loại của đề thi cũng mạnh hơn ẳn so với các năm trước. Để đạt điểm cao vào các trường ĐH “tốp trên”, thí sinh không còn lựa chọn nào khác là phải tích cực rèn luyện nhiều kỹ năng bài tập, nhất là các dạng bài khó, bố trí lịch ôn tập khoa học, hiệu quả.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 24 - 27/6. Nhằm chuẩn bị, định hướng ôn tập cho các thi sinh, Bộ GD&ĐT đã vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về tổ chức dạy học lớp 12 và ôn thi THPT Quốc gia năm 2018. Bộ nhấn mạnh, nội dung ôn tập cho kỳ thi bao gồm chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12 THPT. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho kỳ thi 2018 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải và bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Cũng theo Bộ GD&ĐT, đề thi bao gồm 60% kiến thức cơ bản, còn lại là nâng cao để phân loại. Đề thi sẽ có thêm khoảng 20% nội dung lớp 11.

Quang Anh (Theo giadinh.net)