Làm thế nào chống gian lận vẫn giữ kiểu thi như năm nay?
Th.năm, 26/07/2018, 09:43 Lượt xem: 2187

Mục đích chính, là chống gian lận theo cách hiệu quả nhất có thể.

Ông Bùi Việt Hà

Về góp ý chung, cần rà soát và thay đổi ở cả 4 khâu (giai đoạn) chính của kỳ thi là coi thi, bảo quản bài thi, chấm thi, công bố đáp án và điểm thi. Ngoài ra cũng cần thay đổi mô hình tổ chức thi.

Đề nghị quan trọng nhất, là chuyển toàn bộ khâu chấm thi về Bộ GD-ĐT. Bộ có thể thành lập 1 trung tâm công nghệ thông tin riêng để thực hiện công việc này. Có thể chỉ tổ chức 1 trung tâm hoặc có thể 3 trung tâm ví dụ đặt ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Việc thành lập các trung tâm không quá tốn kém. 

Về tổ chức chấm thi có thể có 2 phương án sau: (1) Các hội đồng thi thực hiện công việc scan bài làm của học sinh và nhận dạng sơ bộ bài làm, sau đó chuyển tất cả về Bộ xử lý; (2) Chuyển tất cả về Bộ xử lý ngay, các hội đồng thi không thực hiện bất cứ công việc gì sau coi thi.

Trong khâu coi thi, các hội đồng thi vẫn tổ chức theo các cụm trường và khu vực như hiện nay nhưng tuyệt đối không để các tỉnh, TP tự điều hành, không để cho các GĐ (PGĐ) Sở GD- ĐT các tỉnh làm Chủ tịch hội đồng như hiện nay, mà phải là người của các trường ĐH hoặc của của Bộ đảm nhiệm.

Các tỉnh, TP chỉ phối hợp, có thể làm phó chủ tịch hội đồng. Nên bỏ hoàn toàn các hội đồng thi địa phương (nếu có). Mỗi phòng thi cần có nhiều đại diện tham gia giám sát, ví dụ người địa phương, trường ĐH, Bộ GD- ĐT, công an.  Khi làm bài xong, lập tức niêm phong kẹp chì và giao công an giám sát 24/24.

Trường hợp phương án (1), các hội đồng thi thực hiện sơ bộ scan bài thi trước sự có mặt của đại diện công an, Bộ giám sát từ đầu đến cuối, cho đến khi xong công việc, bàn giao các dữ liệu (CD) và bài thi cho công an và gửi về Bộ. Trường hợp phương án (2), công an có nhiệm vụ áp tải bài thi về trung tâm xử lý thông tin và chấm thi của Bộ.

Khâu chấm thi sẽ qua các bước scan bài làm của học sinh. Mỗi bài làm sẽ scan thành 1 tệp ảnh. Các tệp này phải được ghi ra CD0 và niêm phong, gửi về cho Bộ bản mềm và các CD0 này. Chú ý, các tệp này cũng được mã hóa để các phần mềm xử lý ảnh thông thường không xem được.

Một số ý kiến cho rằng nên làm "phách". Có thể nghiên cứu làm phách điện tử, ngay sau khi scan lần 0 (CD0), chương trình sẽ gắn phách điện tử lên 2 phần của tệp ảnh này.

Bước tiếp theo là nhận dạng ảnh bài làm (bước sơ bộ) gồm 2 giai đoạn: (1) Nhận dạng phần thông tin chung của học sinh. Khi thực hiện bước này, toàn bộ thông tin bài làm phía dưới sẽ bị che lấp đi. Người thao tác trên máy tính sẽ chỉ nhìn thấy phần phía trên để tiến hành nhận dạng và sửa lỗi nếu có. Xong phần này sẽ lưu CD1-1 để niêm phong, gửi về Bộ.

(2) Nhận dạng phần thông tin bài làm. Khi thực hiện bước này, toàn bộ thông tin chung phía trên của học sinh sẽ bị che lấp đi. Người thao tác trên máy tính sẽ chỉ nhìn thấy phần phía dưới, phần bài làm để tiến hành nhận dạng và sửa lỗi nếu có. Xong phần này sẽ lưu CD1-2 để niêm phong, gửi về Bộ.

Thông tin kết quả của bước này sẽ được gửi về Bộ thông qua gửi tệp vật lý hoặc truyền qua kênh bảo mật. Các tệp này được mã hóa trước khi xuất ra file. Chú ý, với phương án (2) thì bước sơ bộ này vẫn có thể làm ở các Hội đồng thi.

Kết quả đầu ra của bước này chính là đầu vào của chương trình chấm thi. Việc chấm thi phải được tiến hành tại trung tâm xử lý của Bộ, hoặc tại 3 trung tâm lớn ở 3 miền. Kết quả chấm thi sẽ được đưa trực tiếp lên CSDL điểm thi của Bộ.

Cuối cùng đáp án của đề thi không nên công bố ngay, mà sẽ công bố sau khi đã thực hiện xong bước cuối cùng. Nên có chế độ bảo mật xem điểm thi của thí sinh như những năm đầu tiên.

KHẢI SƠN (Theo nongnghiep.vn)