Cô Hà Ánh Phượng, top 10 giáo viên toàn cầu; thủ khoa khối A từng bỏ học 3 năm; nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường...là một trong những gương mặt ấn tượng năm 2020.
Năm 2020, ngành giáo dục Việt Nam gặt hái được nhiều thành công, các trường đại học, nhà khoa học, giáo viên liên tục xuất hiện trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Cô giáo top 10 toàn cầu
Cô Hà Ánh Phượng (SN 1991, dân tộc Mường) là giáo viên tiếng Anh của trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. Cô là người Việt duy nhất được tổ chức Varkey Foundation công bố trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Giải thưởng này được coi như “Nobel” về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới.
Cô là giáo viên người dân tộc với những sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục, có ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương, cả nước và đồng nghiệp quốc tế qua các hội nhóm chuyên môn về ngoại ngữ. Mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế đem học học sinh dân tộc kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu.
Đôi bạn 10 năm cõng nhau đến trường
Câu chuyện đôi bạn cõng nhau 10 năm đến trường ở Thanh Hóa được nhiều người biết đến trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do dị tật bẩm sinh, Nguyễn Tất Minh không thể tự đi lại, Ngô Văn Hiếu trở thành đôi chân của bạn.
Theo kết quả điểm thi của Bộ GD&ĐT, Nguyễn Tất Minh đạt tổng 28,1 với 3 môn khối A. Trong đó, điểm các môn là Toán 9,6, Vật lý 9,25, Hóa học 9,25. Hiện Minh học tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngô Văn Hiếu, đạt điểm cao nhất khối B toàn trường với tổng 28,15. Trong đó, Toán 9,4, Hóa học 9,75, Sinh học 9. Hiếu đang theo học tại Đại học Y Dược Thái Bình.
Ba nhà khoa học lọt top 10.000 thế giới
Năm 2020, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những nhà khoa học thuộc top "ảnh hưởng nhất thế giới" theo bảng xếp hạng do Tạp chí PLoS Biology của Mỹ.
GS Đức xếp hạng 5.798; tiếp đến là GS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP.HCM) - xếp hạng 6.996; PGS Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - xếp hạng 9.261 thế giới.
GS.TS Nguyễn Đình Đức (SN 1963, Hoài Đức, Hà Nội), đang là Trưởng ban đào tạo (Đại học và Sau đại học) của Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Công nghệ CIRTECH, Đại học Công nghệ TP.HCM. Những nghiên cứu của ông tập trung chủ yếu vào phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính, đang được ứng dụng vào lĩnh vực Cơ Kỹ thuật, Cơ Sinh học, Vật liệu.
Đây là lần thứ 7 liên tiếp (2014-2020), GS Hùng có mặt trong danh sách này.
PGS.TS Lê Hoàng Sơn (SN 1984), có hơn 150 công trình trong đó có hơn 70 bài đăng trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI, 5 sách giáo trình và chuyên khảo các loại trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khai phá tri thức.
Ngoài 3 nhà khoa học trên, 19 nhà khoa học Việt Nam khác cũng lọt top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2020.
2 người Việt nhận giải thưởng Noam Chomsky
PGS.TS Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội và PGS.TS Trần Thị Lý, Đại học Deakin, Úc vinh dự được trao Giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020.
PGS.TS Trần Xuân Bách, sinh năm 1984. Ông là một trong những giáo sư trẻ tuổi nhất của trường đại học danh tiếng này. Đồng thời, ông cũng được tạp chí PLoS Biology xếp hạng trong 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới được xếp vào nhóm được trích dẫn nhiều nhất năm 2019.
PGS.TS Trần Thị Lý (SN 1975), quê ở Quảng Trị, đang công tác tại khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Úc. Bà là nhà khoa học có tiếng với nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật và giảng dạy.
PGS.TS Trần Thị Lý giành được hơn 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các hiệp hội quốc tế, quốc gia cho thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Bà là nhà khoa học duy nhất của Úc trong lĩnh vực giáo dục từng được trao giải thưởng uy tín Nhà khoa học tiềm năng của Ban hỗ trợ nghiên cứu khoa học Úc.
Thí sinh nhỏ nhất Olympic quốc tế
Ngô Quý Đăng, lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là thí sinh nhỏ tuổi nhất đội tuyển Việt Nam xuất sắc giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế 2020.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi Olympic Toán năm nay, Đăng luôn phải chạy đua với thời gian và kiến thức. Ngoài những giờ học trên lớp, em tự học trong sách vở, trên mạng, tự mình đi tìm lời giải.
Chưa khi nào Đăng thấy mệt mỏi, em lấy những con số làm niềm vui. Nói đúng hơn là những con số dẫn dắt em đi qua nhiều ngóc ngách để đến được lời giải làm thoả mãn trí tò mò của em.
Em thường xuyên học quá 12 giờ đêm, thậm chí có những ngày học tới gần 3h sáng. Động lực lớn nhất lúc đó của Đăng là muốn chứng minh với mọi người dù nhỏ tuổi nhất nhưng năng lực không hề thua kém các bạn trong đội tuyển.
Nữ sinh giành vòng nguyệt quế Olympia
Nguyên Thu Hằng (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) là nữ sinh vô địch Đường lên đỉnh Olympia sau 9 năm các thí sinh nam "thống trị". Là thí sinh nữ duy nhất xuất hiện trong trận chung kết, Thu Hằng không hề thấy áp lực. Ngược lại em cảm thấy bình đẳng và tự tin mình có thể đánh bại 3 bạn nam là Quốc Anh, Tuấn Kiệt và Dũng Trí.
Hằng nhận thấy lợi thế của mình là sự chăm chỉ. Là thí sinh đầu tiên chiến thắng vòng thi quý nên Hằng có nhiều thời gian ôn thi hơn các bạn khác. Hằng vô cùng lo lắng vì cuộc chạy đua tới vòng nguyệt quế sẽ ngày càng gay cấn. Thời gian đó em mất ăn, mất ngủ, sụt giảm mất 3 kg.
Chia sẻ về bí quyết giành chiến thắng, tân quán quân bật mí, điều giúp em hạ gục các đối thủ nặng ký để thắng tiến về đích chính là sự bình tĩnh, quyết đoán và một chút liều lĩnh.
Thủ khoa khối A toàn quốc
Nguyễn Văn Kiên (SN 1999), học sinh trường THPT Phụ Dực, Quỳnh Phụ, Thái Bình là thủ khoa khối A với số điểm 29,75 (Toán 10, Hoá học 10, Vật lý 9,75).
Khi đang học lớp 10, năm học 2015- 2016 do quá mải chơi điện tử, Kiên cảm thấy việc học quá nhàn chán. Sau đó em quyết định trốn khỏi nhà để tự đi làm thuê.
Sau gần 3 năm bươn chải ngoài xã hội, Kiên quyết định về nhà, xin bố mẹ tha thứ để bắt đầu lại. Nghỉ học 3 năm, Kiên gần như quên hết kiến thức. Em hiểu được sự vất vả ngoài đời sống hơn gấp trăm lần khó khăn trên giảng đường nên Kiên lao vào học ngày, học đêm, bất cứ khi nào có thời gian rảnh là em ngồi tự học.
Cứ như vậy, kết thúc năm lớp 10, Kiên được thầy cô đánh giá là học sinh thông minh, tiến bộ vượt bậc. Năm lớp 12, Kiên đạt giải Nhất học sinh cấp tỉnh môn Hoá học. Cậu đang học năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nam sinh nhặt rác
Trên đường đi học về, thấy đường ngập do các miệng cống bị rác ứ đọng, gây tắc dòng chảy, em Phạm Trọng Đạt (học sinh lớp 6/1, trường THCS Long An) dừng xe, dùng tay móc rác, khơi thông hơn 10 miệng cống trên tuyến đường.
Hành động của Đạt được camera của một gia đình ven đường ghi lại, sau đó được đăng tải trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm, khen ngợi của nhiều người.
@VTC.vn