Thay đổi trong đề thi THPT quốc gia 2018: Giáo viên không đổi mới, học sinh sẽ gặp khó
Th.sáu, 04/05/2018, 06:33 Lượt xem: 2664

Theo lộ trình định hướng, đề thi THPT Quốc gia thuộc tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên như Vật lý hay Hóa học năm nay sẽ có những câu hỏi về thí nghiệm, hiện tượng, nhằm đánh giá phân loại học sinh.

Trước đổi mới này, những ngày qua nhiều học sinh bày tỏ hoang mang. Bởi chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2018, mọi thay đổi trong thi cử công bố vào thời gian được coi là nước rút này đều tác động lớn đến tâm lý học sinh.

Ngoài ra, hiện nay không phải trường phổ thông nào ở nước ta cũng có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để giúp học sinh có nhiều tiết học thực hành trong phòng thí nghiệm, mà chủ yếu vẫn là “học thực hành bằng lý thuyết”.

Làm thế nào có thể giải quyết được những câu hỏi về thí nghiệm, hiện tượng trong đề thi THPT quốc gia năm nay, trong điều kiện ít có cơ hội được trải nghiệm, thực hành?

Với kinh nghiệm của mình, thầy Ngô Xuân Quỳnh (giáo viên môn Hóa học Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) cho rằng, không nhất thiết phải học thực hành mới có thể làm được những câu hỏi liên quan đến thực hành. Thầy khuyên học sinh và giáo viên không nên quá lo lắng trước những đổi mới trong đề thi.

“Thực ra trong các năm trước đây, đề thi THPT quốc gia đã có câu hỏi về thực hành, thí nghiệm, nhưng do năm nay Bộ GDĐT công bố thông tin này nên gây tâm lý hoang mang cho học sinh.

Nếu trong trường phổ thông, học sinh ít có cơ hội được thực hành trực tiếp, được làm thí nghiệm với các môn khoa học tự nhiên, thì vẫn có thể làm tốt được các câu hỏi về thực hành.

Học sinh chỉ cần hiểu sâu về mặt lý thuyết, vì việc thực hành chẳng qua cũng chỉ là kiểm chứng lại những lý thuyết đã học, để học sinh rõ hơn về các hiện tượng, tiếp thu bài nhanh hơn” - thầy Ngô Xuân Quỳnh chia sẻ.

 Thầy Ngô Xuân Quỳnh khuyên học sinh nên nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và không nên quá lo lắng về những thay đổi trong đề thi THPT quốc gia 2018.

Cũng theo thầy Ngô Xuân Quỳnh, trong điều kiện các trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng với công nghệ hiện đại, giáo viên hoàn toàn có thể biến tiết học lý thuyết thành một tiết học mô phỏng việc thực hành rất sinh động.

Chẳng hạn với môn Hóa học, hiện nay trên Internet có nhiều clip về các thí nghiệm khác nhau. Giáo viên hoàn toàn có thể mở cho học sinh xem, giới thiệu cho học sinh về thí nghiệm, các hiện tượng xảy ra khi làm thí nghiệm để minh họa cho bài giảng của mình.

Đương nhiên đây chỉ là cách “đối phó”, nếu có điều kiện để thực hành thật sẽ tốt hơn. Nhưng trong điều kiện hiện nay, giáo viên buộc phải chủ động, sáng tạo hơn có những cách khác nhau khắc phục khó khăn, trên hết vì lợi ích của học sinh.

"Những trường nào có giáo viên ngại đổi mới, sáng tạo, thì học sinh sẽ gặp bất lợi với những dạng câu hỏi mới trong đề thi THPT quốc gia” - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng khẳng định.

BÍCH HÀ (Theo laodong.vn)