Thi THPT Quốc gia 2018: Những lưu ý khi ôn luyện để đạt điểm cao môn Địa lý
Th.hai, 16/04/2018, 16:03 Lượt xem: 1363

Chỉ còn hơn hai tháng nữa là các thí sinh bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Thầy giáo Trần Quốc Sắc - Tổ trưởng chuyên môn trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Đắk Lắk) đã có bài viết chia sẻ về những lưu ý khi học sinh ôn luyện môn Địa lý để có thể đạt điểm cao.

* Đối với khối 12: Sẽ có 2 phần gồm lý thuyết và thực hành.

- Phần lý thuyết: Cơ bản thuộc nội dung sách giáo khoa (SGK), bao gồm 4 nội dung lớn: Địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí kinh tế và địa lí vùng kinh tế.

Giai đoạn này các em cần hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy, cần ghi nhớ những từ chìa khóa, tránh học vẹt và thuộc lòng.

Ví dụ, Bài 8: Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của Biển.

Mục 1: Từ chìa khóa cần nhớ như biển rộng, tương đối kín, nhiệt đới ẩm gió mùa...

Về số liệu: Điều này yêu cầu đề thi không được hỏi, phần này tập huấn ra đề Bộ GD-ĐT yêu cầu hạn chế ra câu hỏi về số liệu nhằm tránh học vẹt, học thuộc, qua đề thi minh họa ta thấy không có câu hỏi về nhớ số liệu. Tuy nhiên các em cũng nên nhớ những số liệu cơ bản để làm đề dạng so sánh, đối chiếu.

Về vấn đề cập nhật tình hình mới, số liệu mới các em không nhất thiết phải làm, vì đề sẽ có thể không ra vào phần này. Sơ đồ tư duy nên vẽ cái cơ bản trước, sau đó vẽ những chi tiết nhỏ sau, nên tự nhớ kiến thức cơ bản để vẽ, không nên ôm dồn quá nhiều.

Học xong nội dung (chương) nào, các em nên dứt điểm, khóa sổ chương đó, tránh học kiểu nhảy cóc dẫn đến sự lộn xộn, quá trình học lí thuyết bài nào nên dùng Atlat để hiểu thêm về nội dung bài đó. Chúng ta nên đặt chỉ tiêu hoàn thành theo thời gian.

Ví dụ: Tuần này phải xong nội dung nào hoặc chương nào, cuối tuần nên hệ thống lại những gì đã học.

- Phần thực hành:

Vẽ biểu đồ sẽ có 5 dạng cần nhận dạng là: Biểu đồ tròn, miền, cột, đường và kết hợp. Cần lưu ý là phải dựa vào câu dẫn (câu hỏi) để xác định dạng biểu đồ, còn bảng số liệu là yếu tố phụ, khi nào câu dẫn không có từ chìa khóa mới dựa vào bảng số liệu.

Ví dụ: Nếu từ chìa khóa là “quy mô – cơ cấu” thì cần hiểu là chọn biểu đồ tròn… Những dạng biểu đồ đặc biệt (bán tròn), dạng quá khó sẽ không ra, cái này là chắc chắn, vì trong thời gian 1 - 2 phút không thể đòi hỏi làm những câu như vậy được.

Về đọc Atlat, cần chú ý đến trang 3, trang chú giải, nhanh chóng tìm trang có nội dung chứa câu hỏi và trả lời, cần đọc kĩ câu hỏi tránh hiểu sai vấn đề.

Về xử lí bảng số liệu, vấn đề này sẽ có trong đề thi nhưng khả năng ra chưa biết, có năm có, có năm sẽ không ra. Yêu cầu tính toán, xử lí cần nhìn vào đơn vị, đơn vị chính là công thức.

Ví dụ: Tính năng suất lúa, đơn vị tạ/ha. Công thức sẽ lấy sản lượng: diện tích (sản lượng phải đổi ra tạ, diện tích đổi ra héc ta.

* Phần lớp 11: Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có giới hạn vấn đề này, do vậy các em buộc phải học hết, trước mắt chúng ta nên học 6 nội dung là: Liên minh EU, Đông Nam Á, các nước như Hoa Kì, Liên bang Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, những nội dung còn lại nên học sau .

Về cơ bản, các thí sinh cứ bám vào SGK học, tài liệu tham khảo không nhất thiết học vì đề sẽ ra trong chương trình.

* Về phần đề thi: Các em nên nhớ, đề ra luôn bám chương trình, câu hỏi phải có cơ sở trả lời. Cơ sở đây là gì - Đó là SGK, đó là Atlat. Các câu hỏi từ thực tế rất ít khi ra, vì dạng này rất nhạy cảm, người ra đề luôn phải đặt tính an toàn lên hàng đầu.

Các sách tham khảo trên thị trường phần lớn là dạng sách kinh doanh, rất ít cuốn tin cậy, thậm chí ra sai cấu trúc, các em không nên tham khảo. Vậy đề tham khảo nên lấy ở đâu? Câu trả lời là các em nên tìm đề thi học kì 1, học kì 2, đề thi thử của các Sở GD-ĐT, độ tin cậy sẽ rất cao.

Hiện nay rất nhiều em kiến thức cơ bản nắm chưa vững mà cũng ham hố làm đề, đây là sai lầm nghiêm trọng. Các em nên nhớ "Dục tốc bất đạt", hãy nắm chắc kiến thức rồi mới làm đề.”.

Lưu Ly (Theo vtc.vn)