IOE cấp toàn quốc lần thứ III thành công toàn diện.
Th.Bảy, 06/04/2013, 16:12 Lượt xem: 37947

+ Về mặt đề thi : Để đề thi phù hợp với thực tế giảng dạy ở các trường phổ thông, Bộ GD-ĐT đã quyết định mời thêm 3 chuyên viên tiếng Anh từ các địa phương về tham gia Hội đồng biên soạn câu hỏi cho cuộc thi. Hội đồng đã làm việc dưới sự bảo vệ và bảo mật của các cán bộ an ninh do Bộ Công An cử tới. Hội đồng biên soạn câu hỏi đã làm việc rất tỉ mỉ, cân nhắc từng câu hỏi để vừa với trình độ của học sinh, vừa đảm bảo tiêu chí phân loại tốt khả năng của học sinh. Với số câu hỏi là 220 cho mỗi khối lớp, các cán bộ soạn câu hỏi đã phải biên soạn và chọn lọc từ hàng ngàn câu hỏi. Theo nhận xét chung từ các địa phương điện về thì đề thi đúng với mục đích của cuộc thi.

+ Về các sự cố từ các địa phương : Do thực hiện không đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức cấp toàn quốc nên một số địa phương đã có những sự cố không dáng có. Sở GD-ĐT Bình Phước đã không gửi danh sách đội tuyển lớp 5 về BTC nên khi truy cập vào thi đã bị chặn (mặc dù BTC đã yêu cầu chiều 5/4/2013 các Hội đồng phải rà soát danh sách công bố và bổ sung hoặc điều chỉnh kịp thời các trường hợp sai số ID hoặc thiếu trong danh sách). BTC đã kịp thời yêu cầu gửi danh sách đội tuyển lớp 5 về và xử lý kịp thời để các em kịp thi ngay trong buổi sáng. Một học sinh lớp 11 của Hà Tĩnh dã bị từ chối khi vào thi vì chưa qua vòng tự luyện thứ 30 theo quy định. Một em học sinh lớp 11 tỉnh Vĩnh Phúc bị rớt mạng vào những phút cuối đã kịp thời được chuyển máy tính khác và thi lại ngay. Một em học sinh lớp 5 của tỉnh Bạc Liêu bị quên mật khẩu nên đành chia tay cuộc thi. Địa điểm thi Bình Định đã xảy ra sự cố gió thổi đứt dây điện cũng đã được BTC chỉ đạo cho thi tiếp tục để hoàn thành bài thi. Một vài học sinh ở một số nơi bị trục trặc về máy tính đã được chuyển sang máy khác để làm bài. Một số học sinh do lỗi của thư ký tổng hợp nên bị sai số ID, bị chặn không được thi nhưng đã kịp thời báo về BTC để bổ sung và thi kịp. Nghiêm trọng hơn cả là 5 học sinh lớp 5 của một tỉnh bị sai số ID nhưng Hội đồng thi địa phương đã báo về sau khi giờ thi kết thúc 20 phút nên không được giải quyết thi lại (lẽ ra khi bị sự cố lúc đầu giờ thi phải báo về BTC). Một số học sinh đã bấm nút Nộp bài và hệ thống tính điểm nên không thể thi lại được (bấm nút Nộp bài trước khi sự cố mất điện xảy ra).

+ Về một số ý kiến yêu cầu được giải thích :

-  Những học sinh khi thi quên không bấm nút Nộp bài thì khi hết giờ thi (30 phút) hệ thống đã tự động “thu bài” và tính kết quả.

- Những học sinh đang làm bài mà bị sự cố mất điện thì hệ thống ghi lại diễn biến trước đó và khi được phép tiếp tục làm bài, các học sinh này sẽ không làm lại được những câu làm rồi, thời gian còn lại để làm lại là số thời gian còn lại tại thời điểm mất điểm, chứ không phải là được làm lại trong 30 phút.

+ Về kết quả cao của các khối lớp theo thống kê của tiểu ban công nghệ (chưa phải là kết quả chính thức để xét Huy chương vì còn chờ biên bản từ các Hội đồng thi gửi về BTC) đã có trên mục "Sự kiện".

Theo báo điện tử VOV :

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho biết: “Ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh đóng một vai trò rất quan trọng. Kỳ thi này giúp cho các em học sinh nâng cao khả năng giao tiếp, tự tin và chủ động, sáng tạo hơn trong việc học ngoại ngữ. Qua kỳ thi, chúng ta cũng nâng cao nhận thức về việc dạy và học ngoại ngữ, tạo cơ sở để đánh giá phong trào học ngoại ngữ của các địa phương”.

Ông Quang cho biết thêm số học sinh dự thi năm nay tăng gấp 3 so với kỳ thi của năm 2011, đủ để thấy được cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của xã hội, nhà trường, các địa phương và các em học sinh. Cuộc thi hàng năm đã khích lệ các em học sinh và giáo viên ở tất cả các trường học trên cả nước, đồng thời thúc đẩy phong trào ứng dụng, đổi mới trong phương pháp dạy và học trong nhà trường.

Các em học sinh tham dự kỳ thi này đều có niềm say mê đặc biệt với môn tiếng Anh. Hồi hộp chờ đến ca thi của mình, em Nguyễn Lan Phương, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Đoàn Kết chia sẻ rằng, em bắt đầu yêu thích tiếng Anh ngay từ lần đầu tiên được tiếp xúc với môn học này năm lớp 2. Kỳ thi lần này rất có ý nghĩa với em, bởi em nhận thức được việc học tốt tiếng Anh sẽ mang lại nhiều thuận lợi đối với tương lai sau này. Cuộc thi là cơ hội để em phát triển tốt hơn các kỹ năng cần thiết cho việc học, cũng như giao tiếp bằng tiếng Anh.

Chị Phạm Thị Năm (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) lần đầu tiên đưa con gái học lớp 9 của mình tham dự kỳ thi toàn quốc chia sẻ: “Biết đây là một cuộc thi có tính chất nghiêm túc, khách quan, và bổ ích nên tôi và gia đình đã động viên con gái đi thi. Trước đó thì do điều kiện mạng ở địa phương không thuận lợi, khi thi, con gái tôi gặp khó khăn trong phần thi nghe nên đã rất chán nản và định bỏ cuộc. Nhưng được bố mẹ khích lệ, con gái lại tiếp tục và càng thi càng cảm thấy thích thú”. Chị cho biết cuộc thi là cơ hội để các cháu được học hỏi, cọ sát, giúp đào sâu suy nghĩ trong việc học tiếng Anh, tạo hứng thú học tập.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi được tại Hội đồng thi tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Ninh Bình.

Nhà giáo Trịnh Trọng Nam, Phó Trưởng Phòng GDTrH, Sở GD-ĐT Thanh Hoá công bố các Quyết định của Giám đốc Sở .

Các đại biểu, các thầy cô và các em học sinh dự Lễ khai mạc cuộc thi tại Thanh Hoá.

TS.Lê Thống Nhất căn dặn và động viên các em học sinh tỉnh Thanh Hoá.

Nhà giáo Hoàng Tiến Hiện, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hoá - Chủ tịch Hội đồng thi nhấn mạnh ý nghĩa bổ ích của cuộc thi và động viên các em học sinh dự thi cấp toàn quốc.

Các cán bộ giám sát cùng Hội đồng thi Thanh Hoá thăm phòng thi khi chuẩn bị vào giờ thi của đội tuyển lớp 5.

TS. Lê Thống Nhất và nhà giáo Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình hỏi thăm đội tuyển lớp 9 sau giờ thi.

Trưởng phòng GDTrH Sở GD-ĐT Ninh Bình Nguyễn Đình Tấn cùng TS.Lê Thống Nhất kiểm tra phòng thi lớp 9.

Chủ tịch Hội đồng thi cấp toàn quốc tại Ninh Bình tổng kết cuộc thi.