Cô giáo biến Steve Jobs từ học sinh cá biệt thành huyền thoại công nghệ
Th.ba, 24/10/2017, 09:13 Lượt xem: 3347

Steve Jobs (1955-2011) là doanh nhân, nhà sáng chế người Mỹ, đồng sáng lập hãng Apple. Trước khi trở thành người có sức ảnh hưởng bậc nhất làng công nghệ thế giới, ông là đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn, được bà Clara và ông Paul Jobs nhận nuôi ngay sau khi chào đời, trải qua cuộc đời nhiều thăng trầm.

“Siêu quậy” ở trường tiểu học

Theo sách Tiểu sử Steve Jobs của Walter Isaacson, trước khi vào tiểu học, mẹ Jobs đã dạy ông cách đọc. Tuy nhiên, điều này gây ra một số vấn đề. “Tôi khá chán trong vài năm đầu, nên tôi khiến bản thân trở nên bận rộn bằng cách gây rắc rối”, cha đẻ Apple từng kể lại. Ông cảm thấy những quy định ở trường đang cố đánh bại sự tò mò, ham khám phá.

Cha đẻ Apple là học sinh cá biệt thời đi học. Ảnh: CNBC

Trường tiểu học Monta Loma gồm một số dãy nhà nền móng thấp, xây dựng từ năm 1950. Những trò ngỗ nghịch do Jobs bày ra trong thời gian học ở đây đều có sự tham gia của Rick Ferrentino, người bạn cũng muốn chống lại sự nhàm chán. Chẳng hạn, cả hai tự làm những tờ áp phích nhỏ loan tin “Mang thú cưng của bạn đến trường”, gây cảnh hỗn loạn khi chó mèo đuổi nhau quanh giáo viên.

Một lần khác, hai học trò moi được thông tin về mã số khóa xe đạp của một số bạn bè. Họ ra ngoài, tráo tất cả ổ khóa, khiến nhiều người phải loay hoay đến tối mới lấy được xe. Khi lên lớp 3, những trò đùa trở nên quái hơn, bao gồm thả rắn trong lớp. “Chúng tôi từng đặt thuốc nổ dưới ghế của cô Thurman, khiến cô căng thẳng thần kinh”, Jobs nói thêm.

Jobs bị đuổi về nhà hai hoặc ba lần trước khi kết thúc năm lớp 3. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, bố bắt đầu đối xử đặc biệt với ông. Thái độ bình tĩnh nhưng cứng rắn, ông Paul Jobs yêu cầu nhà trường đối xử tương tự với con trai mình. “Hãy nhìn xem, đó không phải lỗi của thằng bé. Nếu không thể khiến nó quan tâm đến việc học, đó là lỗi của thầy cô”, ông Paul nói với các giáo viên.

Steve Jobs không bao giờ bị bố mẹ phạt vì những vi phạm ở trường. “Ông nội tôi nghiện rượu và đã đánh bố tôi bằng thắt lưng, nhưng tôi không chắc là mình đã bị đánh nhẹ vào mông lần nào hay chưa”, ông trùm công nghệ kể lại trong cuốn tiểu sử.

Được cô giáo “hối lộ” để làm bài tập

Lên lớp 4, trường quyết định tách Jobs và Ferrentino ra hai lớp riêng biệt để hạn chế trò ngỗ nghịch. Trong năm học này, Jobs may mắn gặp cô giáo Imogene Hill, thường gọi là Teddy, người ông xem là “một trong những vị thánh”. Chỉ sau vài tuần theo dõi Jobs, cô đã hình dung ra cách tốt nhất để khơi dậy sự hào hứng của ông.

Một ngày nọ, cô đưa cho nam sinh quậy phá một cuốn sách và nói: “Cô muốn em mang nó về và giải các bài toán trong đó”. Chưa kịp hết ngạc nhiên, Jobs được cô treo thưởng năm đôla và những chiếc kẹo mút khổng lồ nếu hoàn thành và giải đúng gần hết. Chiêu hối lộ này phát huy tác dụng tích cực. Jobs nộp lại sách cho cô Teddy chỉ sau hai ngày. Đáp lại, cô đưa Jobs bộ dụng cụ để tự làm nên chiếc máy ảnh cho riêng mình.

Vài tháng sau đó, ông thậm chí không còn mong đợi sự hối lộ. “Tôi chỉ muốn học và khiến cô hài lòng”, huyền thoại công nghệ cho biết.

Gần cuối lớp 4, cô Hill kiểm tra sức học của Jobs, nhận thấy ông đạt trình độ học sinh lớp 7. Giờ đây, rõ ràng không chỉ Jobs và bố mẹ mà các giáo viên cũng phải thừa nhận trí tuệ vượt trội của ông. Nhà trường đề xuất cho Jobs “nhảy cóc” lên thẳng lớp 7, mong muốn tạo môi trường thách thức cho cậu học trò thông minh.

Tuy nhiên, bố mẹ quyết định chỉ để ông bỏ qua một lớp. Nam sinh lớp 4 trở thành học sinh trường trung học cơ sở Crittenden.

Sự chuyển đổi này mang lại sóng gió cho Steve Jobs. Ông trở thành kẻ cô đơn, khó hòa nhập với những đứa trẻ lớn hơn một tuổi. Chỉ cách trường cũ một chặng ngắn, trường Crittenden lại như một thế giới hoàn toàn tách biệt, nằm trong khu vực chứa nhiều thành phần phức tạp.

Trong sự hỗn loạn đó, Jobs thường xuyên bị bắt nạt ở trường vì quá thông minh. Giữa năm lớp 7, ông đưa ra tối hậu thư cho bố mẹ, khăng khăng đòi chuyển trường dù việc này gây ra khó khăn về mặt tài chính.

Giá trị của giáo viên giỏi

Chặng đường tương lai của Jobs còn nhiều trắc trở, chẳng hạn phải bỏ đại học ngay năm đầu tiên vì không thể lo nổi học phí, từng phải ngủ nhờ ở sàn nhà trong phòng bạn, bán vỏ chai lấy tiền mua thức ăn, đi bộ 11 km để nhận thức ăn miễn phí ở một ngôi đền vào chủ nhật. Tuy nhiên, cơ duyên gặp cô Teddy vào những năm tháng tuổi thơ là bước ngoặt thay đổi nhận thức của ông một cách rõ rệt.

Đối với Jobs, những gì tiếp thu được trong năm lớp 4 nhiều hơn bất kỳ năm nào khác ở trường, và cô Teddy đã dạy ông nhiều điều hơn bất kỳ giáo viên nào khác. “Cô nhìn thấy điều gì đó ở tôi. Tôi chắc chắn rằng nếu không nhờ những giáo viên như cô Hill, kết cục của tôi là ngồi tù”, Steve Jobs bày tỏ sự biết ơn trong một cuộc phỏng vấn năm 1995.

Hiểu sâu sắc giá trị của giáo viên giỏi, Jobs thể hiện tâm huyết khi chia sẻ kiến thức cho người khác. Jonathan Rotenberg, đồng sáng lập Hiệp hội Máy tính Boston - tổ chức của người sử dụng máy tính cá nhân lớn nhất thế giới đã viết cuốn sách “Thầy Steve Jobs của tôi”, theo Your Story.

Trong đó, Rotenberg kể chi tiết về cuộc gặp gỡ với Jobs năm 18 tuổi và cách huyền thoại công nghệ trở thành người thầy vĩ đại trong cuộc đời ông như thế nào. “Steve đã sớm biết cuộc sống có thể trở nên vô hạn nếu chúng ta cởi mở để nhìn mọi thứ theo cách khác biệt”, Rotenberg viết.

Thùy Linh (Nguồn: VNEXpress)