Hiệu quả từ hướng nghiệp: Phải chủ động từ sớm
Th.hai, 08/04/2024, 15:28 Lượt xem: 287

GD&TĐ - Điều quan trọng nhất trong công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp là trang bị cho học sinh thái độ nghiêm túc đối với nghề nghiệp.

 

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

 

Qua đó, giúp các em biết mình phù hợp ngành nghề gì; biết lựa chọn đúng “điểm rơi” khi tham gia đăng ký xét tuyển đại học.

 

* TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương (TP Hồ Chí Minh): Cần kế hoạch rõ ràng cho từng khối

 

Tôi cho rằng, các trường THPT có vai trò quan trọng trong công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, nhất là giáo viên chủ nhiệm - họ có thời gian dài tiếp xúc, giảng dạy nên sẽ hiểu tính nết, năng lực học tập và thế mạnh của học trò; từ đó có định hướng phù hợp.

 

Thực tế cho thấy, nếu trường làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp thì học sinh không bị lúng túng khi lựa chọn ngành/trường học.

 

Khi đến đợt đăng ký xét tuyển nguyện vọng, các em sẽ biết lượng sức mình để có hướng đi phù hợp, đúng đắn và không nhất thiết phải vào đại học. Muốn vậy, công tác này phải được làm bài bản, khoa học và có kế hoạch rõ ràng cho từng khối học.

Nghĩa là định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện từ năm lớp 10, thậm chí từ cấp THCS và không nên đổ dồn vào năm cuối cấp. Đến lớp 12, chỉ nên tập trung tư vấn cho học sinh lựa chọn trường học sao cho phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình. Còn việc lựa chọn ngành nghề cần được hình thành rõ nét trong năm lớp 10, 11.

 

TS Thái Doãn Thanh.

TS Thái Doãn Thanh.

 

Chương trình GDPT 2018 có Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THCS và THPT. Tôi mong rằng hoạt động này được các cơ sở giáo dục phát huy hiệu quả, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực, có định hướng nghề nghiệp tốt. Trên hết là giúp các em có khả năng phát triển hứng thú nghề nghiệp và ra quyết định lựa chọn nghề cho tương lai.

 

Đối với cơ sở giáo dục đại học, cần phối hợp tốt với sở GD&ĐT, trường THPT để triển khai công tác hướng nghiệp cho học sinh ngay lớp 10. Nếu được, nên thực hiện theo chuyên đề phù hợp từng khối học. Với học sinh có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn, tổ chức thành hoạt động trải nghiệm, tham quan.

 

Bằng cách làm trên, tôi tin học sinh sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin vì các em có cả quá trình tiếp cận, tìm hiểu về cơ sở đào tạo. Khi đó sẽ chủ động chọn ngành học phù hợp với khả năng, sở thích, điều kiện. Cách làm bài bản, chuyên nghiệp, chủ động từ sớm, từ xa sẽ giúp học sinh có thái độ nghiêm túc khi lựa chọn nghề nghiệp; trước mắt là chọn đúng “điểm rơi” khi tham gia đăng ký xét tuyển đại học trong mùa tuyển sinh năm nay.

 

* Thầy Bùi Hữu Tuấn, giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định): Chia nguyện vọng thành 3 nhóm

 

Thầy Bùi Hữu Tuấn.

Thầy Bùi Hữu Tuấn.

 

Mùa tuyển sinh đại học năm 2024 đã khởi động. Thời điểm này, học sinh lớp 12 bắt đầu cân nhắc để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Tôi vẫn khuyên học trò chọn ngành trước rồi chọn trường học. Khi chọn ngành, quan trọng nhất dựa trên năng lực, sở thích của bản thân và các yếu tố về chương trình đào tạo, cơ hội phát triển nghề nghiệp sau này.

 

Khi chọn trường, học sinh cần xem năng lực học tập của mình có phù hợp không. Đồng thời tham khảo điểm chuẩn của những năm trước. Ngoài ra, yếu tố học sinh không nên bỏ qua đó là khả năng kinh tế của gia đình có đủ để theo học. Đặc biệt, các em cần có chiến thuật đăng ký xét tuyển hợp lý nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.

 

Các em không nên lựa chọn quá ít hoặc nhiều nguyện vọng. Theo tôi, nên chọn từ 1 đến 3 trường đại học; mỗi trường có thể chọn 3 nguyện vọng, sau đó chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là những ngành, trường mình yêu thích nhưng điểm đầu vào các năm trước cao hơn điểm thi của mình.

 

Nhóm 2 là ngành, trường mình yêu thích và có điểm chuẩn năm trước bằng điểm thi của mình. Nhóm 3 là những ngành, trường yêu thích và có điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn điểm thi. Các em nên theo dõi, cập nhật thông tin về tuyển sinh của cơ sở đào tạo để không bỏ lỡ cơ hội ứng tuyển.

 

* Cô Hà Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa): Mỗi giáo viên chủ nhiệm là một chuyên gia

 

Năm học 2023 - 2024, Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) có gần 200 học sinh lớp 12. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, thời điểm này, hầu hết trò có nguyện vọng đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Chúng tôi nhận thức, đây là giai đoạn “vàng” để đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 12 lựa chọn đúng “điểm rơi”. Qua đó, giúp các em có thêm “cẩm nang” lựa chọn ngành/trường học mà mình yêu thích; trên hết là có thái độ nghiêm túc, đúng và trúng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

 

Cô Hà Thị Thu.

Cô Hà Thị Thu.

 

Thực tế, từ đầu năm học, chúng tôi đã chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh toàn trường; trong đó ưu tiên học sinh lớp 12. Nhà trường giao giáo viên chủ nhiệm lồng ghép tư vấn hướng nghiệp cho học sinh vào các giờ sinh hoạt lớp. Chúng tôi tâm niệm, mỗi giáo viên chủ nhiệm là một chuyên gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh.

 

Ngoài ra, nhà trường cử giáo viên chuyên trách về công tác này, nhằm hỗ trợ kịp thời học sinh khi có nhu cầu. Trong giờ chào cờ, sinh hoạt toàn trường, ban giám hiệu lồng ghép tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Chúng tôi cũng nhắc học trò thường xuyên cập nhật thông tin về tuyển sinh trên website của cơ sở giáo dục đại học mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển.

 

“Theo quy chế tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai Đề án tuyển sinh trong thời hạn quy định để thí sinh có thể tiếp cận thông tin.

 

Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch và các mốc thời gian tuyển sinh; sau đó phổ biến thông tin trên phương tiện thông tin truyền thông, đồng thời gửi về các trường THPT, sở GD&ĐT để thí sinh nắm được. Đây cũng là cơ sở dữ liệu để trường THPT, giáo viên triển khai công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh”. - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT)

 

Nguồn: GD&TĐ