GD&TĐ - Sáng 20/12, hội thảo "Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: Thực trạng và giải pháp chính sách" diễn ra tại TPHCM.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng
Hội thảo do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi dự và phát biểu chỉ đạo.
Tham gia hội thảo còn có đại diện các vụ, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; các trường đại học.
Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có nhiều bước tiến quan trọng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam luôn được xếp ở thứ hạng cao.
Hiện nay, hơn 200 trường đại học, viện nghiên cứu đã tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng được các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài đã tích cực tham gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Từ năm 2003, phong trào khởi nghiệp trong các trường đại học lần đầu tiên được phát động mới chỉ thu hút được rất ít số lượng các trường đại học và sinh viên tham gia. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đã được chuyển sang một giai đoạn mới, hiệu quả hơn, thực chất hơn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, để tạo cơ chế thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên, ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".
Mục tiêu của đề án nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường.
Đồng thời, đề án tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học. Ảnh: Mạnh Tùng
Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học.
Kết quả thực hiện mang lại những kết quả khả quan. Hiện, 100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học góp phần phát triển và hình thành văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học.
Gần 30% cơ sở giáo dục đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của đơn vị; 90% đơn vị tham gia các mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...
Số lượng dự án và doanh thu từ các hoạt động khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên ngày càng tăng, số doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư là 12 doanh nghiệp, số vốn lớn nhất là 1 tỷ đồng/dự án.
Dù đạt được những kết quả tích cực, song Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng đánh giá một số điểm hạn chế trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên.
Các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở đào tạo hiện nay mới đang ở giai đoạn đầu, các hoạt động chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, truyền cảm hứng.
Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa được triển khai một cách đồng bộ, cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp còn hạn chế.
Trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên, có yếu tố từ chính các trường đại học. Nhiều trường mới tập trung vào việc giảng dạy, nghiên cứu mà chưa quan tâm đến mảng thương mại hóa, vốn hóa các sản phẩm.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận 4 nhóm vấn đề trong hội thảo khoa học. Ảnh: Mạnh Tùng
Trong khuôn khổ hội thảo khoa học này, Thứ trưởng đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu trao đổi, thảo luận 4 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, đánh giá đúng về thực trạng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên hiện nay và đề xuất một số giải pháp, một số cách làm hiệu quả của các đơn vị để đưa ra một cách thức chung có thể nhân rộng triển khai trong các nhà trường.
Thứ hai, thảo luận về một số mô hình thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên; mô hình vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo trong cơ sở đào tạo từ đó đề xuất ra một số định hướng phát triển để phù hợp với đặc điểm chung của các trường đại học tại Việt Nam.
25 bài tham luận được chọn trong kỷ yếu, 5 bài tham luận được trình bày tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng
Thứ ba, thảo luận về định hướng về vấn đề vốn hóa nguồn tri thức của các cơ sở đào tạo dựa trên nền tảng nguồn vốn sẵn có của các nhà trường đó là con người và tri thức, song hành cùng với việc tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao vị thế, uy tín của các trường đại học đối với cộng đồng khởi nghiệp.
Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu đánh giá về các cơ chế chính sách hiện hành và đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên thời gian tới.
Nguồn: GD&TĐ