Báo Thừa Thiên Huế phỏng vấn Trưởng ban tổ chức cấp tỉnh Thừa Thiên Huế về IOE
Th.ba, 26/10/2010, 19:50 Lượt xem: 3147

(TTH) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa phối hợp một số cơ quan hữu quan phát động cuộc thi “Olympic Tiếng Anh trên internet-(IOE)”. Cuộc thi được ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế hưởng ứng với quy mô rộng nhằm tạo sân chơi bổ ích để giúp học sinh tránh xa game online và bổ trợ kiến thức ngoại ngữ. Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT làm Trưởng ban tổ chức. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Thưa Tiến sĩ, lý do khiến lãnh đạo sở rất nhiệt tình trong việc phát động và kêu gọi các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện để học sinh tham gia cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên Internet ?

Cuộc thi này là cơ hội để chúng tôi tạo thêm sân chơi cho học sinh với lợi ích kép là nâng cao kỹ năng thực hành máy tính và bổ túc kiến thức về Anh văn, một môn học rất quan trọng nhưng vẫn là môn học có chất lượng chưa cao. Mục tiêu dài hơi hơn là việc hướng đến một xã hội tri thức, đào tạo những học sinh vừa mang đậm nét truyền thống, mang bản sắc Việt Nam vừa có phẩm chất của công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh khoa học công nghệ và hội nhập kinh tế thế giới, việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông để đào tạo ra những công dân giỏi các kỹ năng... có vai trò đặc biệt quan trọng.
 
Ông có thể nói rõ hơn về cuộc thi?
 
Đây là cuộc thi do Bộ GD&ĐT phối hợp Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức cho học sinh phổ thông trên phạm vi toàn quốc. Bắt đầu từ năm học 2010-2011, cuộc thi có 4 vòng chính thức cho lớp 5 và lớp 9; 3 vòng cho các lớp còn lại và các vòng cho học sinh tự luyện. Vòng thi cấp trường là vòng 15; cấp quận, huyện là vòng 20; cấp tỉnh, thành phố vòng 25 và cấp quốc gia là vòng 30 (nhưng chỉ dành riêng cho học sinh khối 5 và khối 9). Cuộc thi bắt đầu từ 23/10 ở vòng 6 của các lớp, sau đó cứ 8h45 thứ bảy hàng tuần sẽ mở thêm vòng mới. Các em sử dụng 14 vòng đầu tiên để tự luyện, cũng là điều kiện để tham gia thi cấp trường dự kiến được tổ chức vào ngày 25/12/2010. Mỗi học sinh dự thi tự tạo một tên đăng nhập và khai báo mật khẩu để vào mạng lấy đề, giải và nhận kết quả là điểm số tính theo thời gian và chất lượng bài làm… Cuộc thi phát động trên internet nên có tính lan toả  nhanh trên diện rộng, thông tin dữ liệu được cập nhật theo phút nên tính cạnh tranh rất cao.
 
Chúng tôi quan tâm tới cuộc thi IOE vì nhiều mục tiêu, mà hiệu quả rõ nhất, nhanh nhất là cuộc thi sẽ góp phần đẩy mạnh hiệu ứng về công tác dạy và học tin học trong nhà trường, công tác đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Cuộc thi trở thành cơ hội rất tốt để học sinh sớm làm quen với internet, quan trọng hơn là định hướng cho các em sử dụng internet là một phương thức học tập, đi vào một sân chơi trí tuệ thay vì sa đà vào game online và đặc biệt là tạo cơ hội cho các em học sinh sớm thấy tiếng Anh là một thứ chìa khoá cần thiết đi vào thế giới kiến thức...
Đối với các cấp quản lý giáo dục thì cuộc thi là cơ hội tốt để giáo dục trực quan hơn cho các em về môn tiếng Anh, Tin học, qua đó nâng cao chất lượng mặt bằng cũng như phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, có khả năng về CNTT và tiếng Anh. Thông qua cuộc thi, Sở GD&ĐT cũng nhìn thấy rõ hơn chất lượng dạy môn tiếng Anh trong các đơn vị trực thuộc
 
Thưa ông, chúng ta có thể kỳ vọng vào thành tích của học sinh TT Huế trong kỳ thi này?
 
Thừa Thiên Huế là một tỉnh được đầu tư khá mạnh về CNTT, có phong trào ứng dụng CNTT mạnh trong đổi mới phương pháp, trong quản lý dạy và học... Là đơn vị được Bộ GD&ĐT đánh giá cao với 100% trường THPT, THCS, 50% trường tiểu học có phòng máy tính. Dịp này, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh”... Cũng như sở đã nắm bắt thông tin về cuộc thi và triển khai khá sớm, lại đã có kinh nghiệm qua việc tổ chức cho học sinh dự thi Giải toán trên internet... là những điều kiện khá thuận lợi để chúng ta vào cuộc chơi một cách tự tin.
 
Để cuộc thi có kết quả thật tốt, sở có biện pháp gì để “kích cầu” các đơn vị không, thưa ông?
 
Chúng tôi có ý kiến chỉ đạo đến các đơn vị. Cụ thể là đã đề nghị các đơn vị cần làm ngay các việc như rà soát lại CSVC, máy tính, hệ thống đường truyền ADSL.Tập huấn ngay cho giáo viên tiếng Anh để mỗi giáo viên đều nắm được yêu cầu cuộc thi, tự mình truy cập vào Website IOE, tạo một tài khoản để cùng dự thi rồi rút kinh nghiệm hướng dẫn cho học sinh. Chúng tôi cũng đã chỉ định trong các tiết học tiếng Anh, giáo viên có thể dùng một phần thời gian mở trang web này để củng cố kiến thức cho học sinh trực tuyến. Để làm được như thế, các trường cần có nhiều phòng học có gắn projector hoặc màn hình TV LCD và máy tính hoặc laptop có kết nối được internet. Trong giờ tin học, giáo viên cũng dành một số thời gian hướng dẫn học sinh truy cập, cũng như hướng dẫn học sinh đăng ký thành viên... Trường phải tạo điều kiện để giáo viên và học sinh dự thi cũng như thực hành dự thi và thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ động viên các em để nuôi dưỡng phong trào.
 
Xin cám ơn ông.
 
HG-VDN (thực hiện)
Ảnh nhỏ : TS.Phạm Văn Hùng bên cạnh ThS.Đặng Hiệp Giang, Trưởng Tiểu ban Nội dung cuộc thi IOE trong Hội nghị tập huấn toàn tỉnh tổ chức IOE.