Học sinh Trường Tiểu học Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) giao lưu cùng đại diện Hội Cựu chiến binh phường La Khê. Ảnh: Đình Tuệ.
Cô Trần Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, ngày 22/12 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn của những người lính và cũng là niềm tự hào của cả dân tộc. Đây là dịp để chúng ta không chỉ tri ân quá khứ, mà còn khơi dậy tình yêu nước, lòng biết ơn và ý chí xây dựng đất nước trong mỗi con người Việt Nam.
Quân đội Nhân dân Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng. Từ những ngày đầu gian khó chỉ với 34 chiến sĩ, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ biên giới. Mỗi giai đoạn đều ghi dấu những chiến công oanh liệt và sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ.
Trong tháng 12, nhà trường đã lập kế hoạch cho các lớp thi kể chuyện về nhân vật lịch sử trong quân đội. Với chủ đề “Tiếp bước cha anh”, tiết sinh hoạt dưới cờ ngày 16/12, trường đã mời một số hội viên thuộc Hội Cựu chiến binh phường La Khê tới dự, nói chuyện truyền thống. Sau đó cùng xem học sinh kể chuyện bằng hoạt cảnh về tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của anh hùng Tô Vĩnh Diện và bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
“Nhìn lại hành trình 80 năm qua, hình tượng người lính Cụ Hồ luôn giản dị, kiên cường nhưng tràn đầy lý tưởng cách mạng cao đẹp. Họ đã đi qua những năm tháng gian khổ nhất, đặt mạng sống của mình lên tuyến đầu để giành độc lập cho Tổ quốc. Thầy cô và các đại biểu xem xong tiết mục đều xúc động. Đây là hoạt động góp phần giáo dục các em về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tri ân các bậc cha ông đi trước”, cô Trần Thị Quyên nhấn mạnh.
Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tặng quà tri ân tới giáo viên là con của thương binh, cựu chiến binh. Ảnh: Đình Tuệ
Tại Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Hồng cho hay, nhân dịp này, nhà trường tổ chức tặng quà tri ân các giáo viên là con thương bệnh binh, cựu chiến binh, vợ quân nhân. Qua đó, thể hiện tình cảm trân trọng, biết ơn đối với những người góp phần thầm lặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Nhà trường cũng tổ chức Hội thi “Vang mãi bản hùng ca”. Toàn bộ giáo viên chủ nhiệm mỗi khối kết hợp học sinh làm thành một đội chơi với tên gọi lần lượt: Quyết thắng, Lá xanh, Trung đội K7, Quân hàm xanh. Những màn hát múa đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ và người lính vang lên hào hùng, đầy khí thế quyết thắng. Phần thi “Chiến sĩ tài năng”, các đội chơi hoàn chỉnh một trong các ca khúc: Tiến bước dưới quân kỳ, Đoàn vệ quốc quân, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Tiến về Sài Gòn.
Thầy Nguyễn Khắc Tú - Bí thư Đoàn trường là con thương binh trong kháng chiến chống Mỹ tâm sự: “Tôi vô cùng xúc động khi được tham gia chương trình ý nghĩa này. Tôi cũng như thế hệ trẻ ngày nay càng thấm thía, cảm phục sự hy sinh, tri ân công lao của thế hệ đi trước và ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”.
Các “chiến sĩ nhí” Trường Mầm non Hoa Sen (TP Thái Bình) hào hứng trải nghiệm hoạt động thực tế. Ảnh: Mai Chiến
Tại Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM), Đại tá Lường Văn Khoa - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 7 đã đến chia sẻ về quá trình tham gia cách mạng của mình cũng như khí thế hào hùng của quân dân ta trong ngày 30/4/1975 lịch sử. Ông cũng gửi gắm lời khuyên đến thế hệ trẻ, mong muốn các em học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước.
Thầy Phạm Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh cho biết, qua những câu chuyện, chia sẻ đầy tâm huyết, thế hệ trẻ của trường được ươm mầm lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó giúp các em có nhận thức, thái độ đúng đắn trong học tập, rèn luyện để cống hiến cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Trước đó, sáng 15/12, hơn 40 cán bộ, giáo viên, đoàn viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) tổ chức dâng hương, giao lưu, thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Đây là lần đầu tiên em Đỗ Quốc Anh - lớp 12B10 Trường THPT Nguyễn Công Trứ được trực tiếp tìm hiểu về các trang thiết bị, khí tài của lực lượng quân đội. “Qua đây, em được nâng cao kiến thức và trải nghiệm bản thân, đồng thời ý thức rõ hơn về tình yêu quê hương đất nước, từ đó xác định mục tiêu phấn đấu của mình để đóng góp vào sự phát triển đất nước”, Quốc Anh tâm sự.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, thầy Phan Hồ Hải, năm học 2024 - 2025, đơn vị đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, niềm tin và hành động cách mạng cho các đảng viên, giáo viên, nhất là thế hệ trẻ nhằm tạo động lực phấn đấu, nỗ lực hoàn thiện bản thân cho đoàn viên, học sinh.
“Ngoài buổi tham quan, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 167 Vùng 2 Hải quân, nhà trường còn tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh” do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TPHCM trưng bày trong khuôn viên của trường”, thầy Hải cho hay.
Ngày 12/12, Ban Tuyên giáo phối hợp với phòng GD&ĐT, Ban Chỉ huy quân sự và Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quận 1 (TPHCM) tổ chức hoạt động tuyên truyền cổ động, tạo điều kiện cho học sinh tham quan doanh trại quân đội. Theo đó, trẻ mầm non và học sinh đến từ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn đã có buổi tham quan, tìm hiểu chế độ sinh hoạt và rèn luyện của các chiến sĩ tại Ban Chỉ huy quân sự Quận 1.
Thầy Trần Tấn Kha - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Quận 1) thông tin: “Ngoài việc giáo dục về ý nghĩa Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, hoạt động tham quan còn giúp học sinh tìm hiểu về nền nếp kỷ luật của các chú bộ đội, hiểu thêm về công việc của các lực lượng dân quân, bộ đội, qua đó rèn luyện cho các em tinh thần yêu nước, tính kỷ luật và đoàn kết”.
Học sinh lớp 12A13, Trường THPT Tây Thạnh (TPHCM) biểu diễn tiết mục kể chuyện “Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên”. Ảnh: Hồ Phúc
Với Trường Tiểu học Hồng Châu (Đông Hưng, Thái Bình), liên đội nhà trường đã tổ chức dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của địa phương. Tại đây, các em tiến hành vệ sinh sạch sẽ, lau dọn lư hương, nhổ cỏ xung quanh khu vực nghĩa trang.
Cùng với hoạt động viếng nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức giờ học ngoại khóa, nói chuyện truyền thống…, một số trường còn tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế tại các đơn vị quân đội trên địa bàn.
Trường Mầm non Hoa Sen, TP Thái Bình (Thái Bình) tổ chức hoạt động trải nghiệm “Bé tập làm chiến sĩ” tại Tiểu đoàn Bộ binh 5, Trung đoàn 8, Sư đoàn 395, Quân khu 3, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải. Tại đây, các em được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm một số hoạt động sinh hoạt, học tập rèn luyện và giao lưu với các chiến sĩ.
Theo cô Ngô Tố Ngãi - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, thông qua các hoạt động giao lưu, tham quan và thực hành đã tạo nên một ký ức đẹp cho các em. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu hơn về đời sống, công việc của các chú bộ đội, mà còn bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc ngay từ những năm tháng đầu đời.
Với hình thức cuộc thi “Rung chuông Vàng”, Trường THPT Lam Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội) đã tạo ra sân chơi ý nghĩa để 100 học sinh đại diện cho các khối lớp tham gia trả lời câu hỏi liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam, các quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trả lời đúng ở câu 26, em Lê Trung Kiên - lớp 11A1 giành giải Nhất; giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về em Trần Thu Hà lớp 12A8 và Nguyễn Hoàng Quân lớp 10A1.
Nguồn: GD&TĐ