Cuộc thi KHKT thúc đẩy, hình thành năng lực nghiên cứu khoa học cho học sinh
Th.năm, 21/03/2024, 09:59 Lượt xem: 303

GD&TĐ - Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) là sân chơi bổ ích thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học từ bậc THCS và hình thành năng lực nghiên cứu ở bậc cao hơn.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc Cuộc thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc Cuộc thi.

 

Chiều 20/3, tại TP Bắc Giang, Bộ GDĐT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang khai mạc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học lần thứ 12, năm học 2023 - 2024.

 

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, UBND tỉnh Bắc Giang, 74 đơn vị và 283 thí sinh dự thi.

 

Đại biểu dự khai mạc Cuộc thi.

Đại biểu dự khai mạc Cuộc thi.

 

Sân chơi bổ ích cho học sinh

 

Phát biểu khai mạc Cuộc thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học bắt đầu được tổ chức từ năm học 2011 - 2012. Trải qua 12 lần tổ chức, Cuộc thi đã lựa chọn được những dự án, học sinh xuất sắc để tôn vinh, trao giải thưởng. Đồng thời cũng đã chọn được những dự án đi dự thi quốc tế và đạt kết quả cao trong nhiều năm qua.

 

Theo Thứ trưởng, kết quả đó cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của học sinh, sự tận tâm của các thầy cô giáo và sự nghiêm túc, công bằng, chất lượng trong công tác tổ chức Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học. Nhưng quan trọng hơn, Cuộc thi là sân chơi bổ ích để thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học từ bậc THCS, tới bậc THPT, từng bước hình thành năng lực nghiên cứu khoa học của các em ở bậc cao hơn.

 

Đồng thời, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, thực hiện Chương trình GDPT 2018 chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh.

 

Nhấn mạnh yêu cầu, những năm trước Cuộc thi đã được tổ chức tốt, năm nay phải tốt hơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT đề nghị các chủ thể tham gia Cuộc thi thực hiện đầy đủ, đúng quy chế cuộc thi, đảm bảo an ninh, an toàn và kỷ luật.

 

Đối với Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Thứ trưởng đề nghị chỉ đạo, điều hành bám sát quy chế, kế hoạch, đồng thời linh hoạt, chủ động, đảm bảo Cuộc thi đạt được mục đích, yêu cầu.

 

Thứ trưởng Bộ GDĐT mong muốn, Ban Giám khảo làm việc khách quan, công tâm, trên tinh thần tất cả vì học sinh để lựa chọn được những dự án xứng đáng trao giải, xứng đáng để dự thi quốc tế tại Hoa Kỳ.

 

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cùng đại biểu thăm quan gian hàng dự án tại Cuộc thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cùng đại biểu thăm quan gian hàng dự án tại Cuộc thi.

 

Ghi nhận những nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học của các em học sinh suốt thời gian qua để đề xuất, tiến hành thực hiện các dự án mang đến Cuộc thi, Thứ trưởng mong các em sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ Cuộc thi các cấp trước đó để tiếp tục tự tin, chủ động, phát huy hết năng lực của mình trong Cuộc thi cấp quốc gia.

 

Khẳng định 283 học sinh với 149 dự án tham gia Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024 đều là người chiến thắng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng gửi gắm tới các em câu nói nổi tiếng của nhà Vật lý học Albert Einstein “đừng phấn đấu trở thành người thành công, hãy trở thành người có giá trị”.

 

"Tất cả các thầy cô, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, cán bộ phục vụ Cuộc thi đang tạo cho các em một sân chơi để các em từng bước hình thành phẩm chất, năng lực và trở nên những con người có giá trị...", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

 

Cơ hội trao đổi kinh nghiệm giáo dục

 

Phát biểu khai mạc, ông Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm qua tỉnh Bắc Giang đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp GDĐT. Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách và dành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học.

 

Ông Lê Ô Pích Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu.

Ông Lê Ô Pích Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu.

 

Theo ông Lê Ô Pích, tính từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, có 331 giải học sinh giỏi (HSG) văn hóa cấp quốc gia với 9 giải Nhất, 85 giải Nhì, 131 giải Ba, 106 giải Khuyến khích. Riêng năm học 2023 - 2024, Bắc Giang có 86 giải, trong đó có 4 giải Nhất, 25 giải Nhì, 38 giải Ba và 19 giải khuyến khích, xếp thứ 7 trong cả nước về số lượng giải; có 3 học sinh đạt 4 giải quốc tế…

 

Tại các cuộc thi quốc gia khác như: KHKT dành cho học sinh trung học, học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, thi các môn năng khiếu, thể dục, thể thao… Bắc Giang luôn là địa phương ghi dấu ấn với nhiều thành tích, được Bộ GDĐT đánh giá cao.

 

Cô trò thăm gian hàng trưng bày của TP Bắc Giang.

Cô trò thăm gian hàng trưng bày của TP Bắc Giang.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích nhấn mạnh, Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024 được tổ chức tại Bắc Giang chính là cơ hội để học sinh, giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục tỉnh Bắc Giang giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm giáo dục với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

 

Ông Lê Ô Pích mong muốn, qua Cuộc thi sẽ khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

 

Đồng thời tin tưởng rằng, với sự nỗ lực và tinh thần quyết tâm của các em học sinh, sự hỗ trợ và khích lệ từ các thầy cô giáo, các nhà khoa học và quý vị phụ huynh, Cuộc thi sẽ đem lại những giá trị to lớn và ý nghĩa sâu sắc; tìm ra và nuôi dưỡng những tài năng trẻ, thúc đẩy khả năng sáng tạo và khám phá khoa học; góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Vinh dự đại diện cho 283 thí sinh dự Cuộc thi phát biểu, em Nguyễn Hồng Hoàng (Trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, tỉnh Kiên Giang) cho biết, phong trào nghiên cứu KHKT được phát triển sâu rộng ở các trường trung học, nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Đồng thời tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương.

 

Em Nguyễn Hồng Hoàng phát biểu.

Em Nguyễn Hồng Hoàng phát biểu.

 

Cuộc thi là dịp để học sinh trình bày và phát triển ý tưởng mới mẻ, kiểm chứng, những giải pháp được đề xuất, những sáng tạo dẫu còn nhỏ bé được ghi nhận. Đồng thời thỏa trí tò mò khi nhìn thế giới tự nhiên và xã hội, kết giữa lí thuyết trên trang sách và thực tiễn cuộc sống... Từ đó ước mơ, niềm đam mê khoa học cũng lớn mãi lên.

 

"Nhờ cuộc thi mà chúng em đã có cơ hội phát triển bản thân. Em hi vọng rằng cuộc thi này sẽ tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho những khát vọng sáng tạo và khơi dậy tình yêu khoa học trong thế hệ trẻ...", Nguyễn Hồng Hoàng nói.

 

Cuộc thi KHKT lần thứ 12, năm học 2023 - 2024 diễn ra trong 3 ngày (20, 21, 22/3/2024) với sự tham gia của 74 đơn vị dự thi, trong đó có 62/63 Sở GD&ĐT và 12 đơn vị thuộc các đại học, trường đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Năm nay, Cuộc thi có tổng số 149 dự án dự thi, thuộc 21 lĩnh vực bao gồm: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa sinh, Y sinh và khoa học sức khỏe, Kỹ thuật Y sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng hóa học, Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học thực vật, Rô bốt và máy tính, phần mềm hệ thống, Y học dịch chuyển.

 

Nguồn: GD&TĐ