Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, phải bắt đầu từ đâu?
Th.hai, 03/12/2018, 09:45 Lượt xem: 16454

Mới đây, trong Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh đề nghị Thủ tướng cần sớm công nhận tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại Việt Nam.

Thực tế vấn đề này đã được đề cập trước đó, khi Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án 2020 về dạy và học ngoại ngữ.

TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa có những chia sẻ về vấn đề này.

- Xét từ điều kiện thực tế hiện nay, Việt Nam có cơ hội để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 như đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thưa bà?

Việc công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ  2, nếu làm được thì rất tốt. Ai cũng biết để hội nhập thì cần có thứ ngôn ngữ toàn cầu là tiếng Anh. Bản thân tôi cũng rất ủng hộ điều này. Nhưng để chính sách phải đi được vào cuộc sống chứ không chỉ là chính sách thì tôi nghĩ rằng không dễ dàng.

Thực tế, những quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, lịch sử đều từng là thuộc địa của Anh, hoặc có một cộng đồng lớn những người sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, họ đã từng thường xuyên sử dụng thứ tiếng này trong các hoạt động hành chính, giáo dục…cho nên khi quốc gia đó độc lập có thể biến ngôn ngữ đó như một lợi thế, Singapore là một ví dụ điển hình.

TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia TP HCM. (Ảnh: KT)  

Nếu không có người bản ngữ thì việc nói tiếng Anh là rất khó. Đây cũng là lý do dù chúng ta đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa thể đưa vào thực tế, hoặc chỉ được nói đến nhưng vẫn chưa có bất kỳ một chính sách nào.

- Trước đây, khi xây dựng Đề án 2020 (đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông giai đoạn 2008-2020) của Bộ GD-ĐT, cũng đã từng bàn đến vấn đề này, song lại chưa thể đưa vào đề án một cách chính thức?

Đề án 2020 lại hơi khác, nếu có chính sách tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, tôi chưa hiểu Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói như thế nào. Nhưng nếu coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, có nghĩa rằng ngôn ngữ này được dùng thành thạo trong đời thường, trong toàn xã hội.

Còn Đề án 2020 thì chỉ là dạy tiếng Anh trong nhà trường. Tôi cũng nghĩ rằng đề án này chỉ dừng lại ở mức sử dụng tiếng Anh như một thứ ngoại ngữ mà người học có thể sử dụng thành thạo.

Nếu có chính sách coi đây là ngôn ngữ thứ 2 thì nó phải được dạy từ rất sớm ở bậc mầm non. Vì sau này, ngoài tiếng mẹ đẻ, thì người dân có thể chuyển sang một ngôn ngữ khác tương tự, giống như các Việt kiều ở Mỹ, họ nói được cả tiếng Việt và tiếng Anh hàng ngày. Điều này cần có thời gian dài để tiếp thu, từ đó tạo thành một thói quen.

Trước đây, khi xây dựng đề án 2020, thời điểm Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới lên chức đã đưa ra mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Nhưng nội dung này mới chỉ được bàn tới chứ chưa đưa vào thành mục tiêu chính thức trong đề án.

Mục tiêu của đề án vẫn là dạy tiếng Anh như ngoại ngữ và kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2025. Để đạt được mục tiêu như đề án này, học hết lớp 12, học sinh có thể sử dụng tiếng Anh một cách độc lập, hoặc đạt được đến trình độ B1 thì cũng đã hết sức khó khăn, khả năng chỉ các thành phố lớn mới đạt được ở mức đại trà, còn những nơi khác không thực hiện được.

Khó khăn lớn nhất là đội ngũ giáo viên. Chúng ta cần có cộng đồng nói thứ ngôn ngữ này, nhưng hiện nay tại các thành phố lớn, số giáo viên thực sự thành thạo tiếng Anh cũng không phải là quá nhiều.

Do đó việc đặt mục tiêu đến năm 2025, người học có thể sử dụng tiếng Anh một cách độc lập cũng không khả thi trên phạm vi toàn quốc.

Tính đến nay, thì đề án ngoại ngữ làm được nhiều thứ, nhưng vẫn chỉ là những yếu tố mang tính điều kiện nền như có giáo trình, giáo viên tốt hơn. Những việc đó làm trong 10 năm không phải quá chậm, song nhìn kết quả thì thấy không thực tế. Mục tiêu ban đầu đặt ra là rất đáng có, nhưng lại không thực tế ngay từ đầu.

Nhiều trẻ ở thành phố đang được tiếp cận với Tiếng Anh từ khá sớm. 

Nếu mỗi tuần chỉ học vài tiết với các thầy cô giáo trên lớp, thi cử trên giấy thì không thể mong đợi kết quả quá lớn.

Cái thiếu lớn nhất hiện nay là có 1 cộng đồng nói tiếng Anh. Chúng ta nên mời giáo viên bản ngữ vào nhiều hơn, điều này tạo ra chi phí rất lớn, tôi cho rằng trong đề án  không tính tới việc này. Ngược lại những nơi không cần đến đề án, như TP HCM, khi có điều kiện, họ làm rất tốt.

- Vậy theo bà, giải pháp nào cho Việt Nam để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thông dụng, sử dụng thành thạo trong cuộc sống, chứ không chỉ là trường học?

Chúng ta nên học Malaysia, họ có lịch sử là cựu thuộc địa của Anh, nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Khi độc lập, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã ra quyết định đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của nước này và được dùng để giảng dạy các môn Toán, khoa học tự nhiên ngay từ bậc tiểu học.

Đến năm 2012, Chính phủ Malaysia lại loại bỏ chính sách này, thời gian sau đó, trình độ tiếng Anh của người dân đi xuống và họ lại phải tiếp tục có chính sách để phục hồi.

Còn tại Singapore, sau khi độc lập, nước này chưa từng loại bỏ tiếng Anh ra khỏi cuộc sống.

Những quốc gia này có thuận lợi hơn chúng ta ở chỗ họ đã có sẵn một cộng đồng nói tiếng Anh. Tất cả các chính sách đã đều được chúng ta thực hiện, nhưng đến nay đây vẫn chỉ là một ngoại ngữ. Chính sách chỉ là một phần, để thực hiện được còn cần rất nhiều yếu tố khác đi kèm.

Nếu làm đại trà thì không khả thi, nhưng nếu làm ở các thành phố lớn, tăng cường đưa giáo viên bản ngữ vào để tạo cộng đồng nói tiếng Anh lại đặt ra bài toán về kinh phí. Trong bối cảnh, ngân sách còn hạn hẹp, cần xem xét có nên ưu tiên cho việc đầu tư để mời giáo viên bản ngữ hay không. Từng ấy số tiền chúng ta còn phải dành cho cải tổ giáo trình, xây trường lớp… nên rất khó để thực hiện.

Tôi vẫn thiên về những chính sách không quá tốn kém và có tác dụng. Tôi cho rằng, nên tập trung vào các thành phố lớn. Những nơi có điều kiện nên dành ngân sách vào dạy tiếng Anh từ bậc mầm non, tiểu học nhiều hơn. Đây là giai đoạn quan trọng để phát triển ngôn ngữ và hình thành cho các em nền tảng về thứ tiếng này.

Nguồn: VOV.VN