Ngày 14/2, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội nghị Sơ kết công tác phối hợp giữa Hội Khuyến học Việt Nam và các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chương trình phối hợp giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự học
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ, việc tăng cường và phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để các cơ quan, ban, ngành và các địa phương thực hiện.
Từ năm 2005 đến nay, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với nhiều cơ quan, Bộ, Ngành để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, trong tất cả quyết định của Thủ tướng Chính phủ đều xác định Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực học tập, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
"Tới nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với hầu hết các tổ chức chính trị xã hội với các Bộ, Ngành có liên quan, một số cơ quan truyền thông lớn và đã mang lại kết quả giai đoạn sau tốt hơn giai đoạn trước", GS Doan thông tin.
Theo bà, hội nghị Sơ kết công tác phối hợp giữa Hội Khuyến học Việt Nam và các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá lại việc phối hợp thông qua các nội dung đã ký kết từ năm 2017 đến nay (giai đoạn trước đã được tổng kết, đánh giá).
Mục tiêu chính của hội nghị là nhìn nhận lại công việc trong văn bản ký kết của từng cơ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tới.
Qua báo cáo tại hội nghị của đại diện các đơn vị mà Hội Khuyến học Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động, GS.TS Nguyễn Thị Doan khẳng định, chúng ta thấy rằng cần thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua học tập và học tập suốt đời, nhất là trong điều kiện của Cách mạng 4.0. Chương trình phối hợp một lần nữa nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự học trong điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, các ý kiến đều xác định, việc thực hiện nội dung ký kết là rất cần thiết để thúc đẩy học tập suốt đời và nâng cao chất lượng đội ngũ trong hệ thống của chúng ta.
Các cơ quan cũng đều triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết thông qua việc lồng ghép giữa công tác chuyên môn, các chuyên đề, chương trình được giao và đều đạt kết quả tốt.
"Tôi đánh giá cao việc các đồng chí đã để ý, lồng ghép những nội dung của công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phối hợp với công tác chuyên môn", GS Doan nói.
Cũng theo GS Doan, qua các ý kiến phát biểu, chúng ta nhận thấy đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, về sáng tạo, nhằm lan tỏa các tấm gương học tập trong các cơ quan, đơn vị.
"Nhờ có cách làm hay, sáng tạo của tất cả các cơ quan đã phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam mà phong trào học tập của công nhân, người lao động, của thanh niên và của cán bộ, công nhân viên trong thời gian vừa qua đều tốt hơn", GS Doan nhận định.
Nhiều đơn vị có cách làm hay, sáng tạo
Tại hội nghị, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã thông tin về một số cách làm hay, sáng tạo của các đơn vị trong triển khai chương trình phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Theo đó, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã xây dựng và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện hàng năm; chỉ đạo các cấp hội cơ sở ký chương trình phối hợp với Hội Khuyến học cùng cấp để đôn đốc triển khai thực hiện. Đồng thời, người cao tuổi đã tham gia giảng dạy tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên về văn hóa dân tộc của mình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã chỉ đạo đến các chi bộ đảng trực thuộc việc lồng ghép nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào các sinh hoạt chi bộ định kỳ. Đồng thời, xây dựng các chuyên đề, đưa vào làm nội dung kế hoạch đào tạo bồi dưỡng các lớp đối tượng đảng, lớp đảng viên mới, các lớp bồi dưỡng chính trị... tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị của Đảng ủy Khối.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Thông tư số 17 ngày 6/9/2022 về nội dung giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động nhằm thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chỉ đạo ký các chương trình phối hợp cấp tỉnh. Hiện nay, đã có gần 40 tỉnh, thành phố cơ quan Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ký chương trình phối hợp công tác với Hội Khuyến học cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch, hướng dẫn cụ thể về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hội Nông dân Việt Nam đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát động phong trào ủng hộ "máy tính cho em" để việc học không bị gián đoạn do đại dịch Covid-19; chỉ đạo Hội Nông dân các cấp phát huy học tập suốt đời trong chính giá đình, dòng họ tại địa phương.
6 nhiệm vụ cần tập trung
TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh tới 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 và những năm tiếp theo các Ban Bộ Ngành cùng Hội Khuyến học Việt Nam cần phối hợp làm tốt.
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền vận động trong lãnh đạo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, đến từng cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tinh thần học tập suốt đời, tăng cường giáo dục người lớn để xây dựng xã hội ta trở thành một xã hội học tập.
Thứ hai, chú trọng chỉ đạo theo ngành dọc, xuống cơ sở việc triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng, trọng tâm là Quyết định 387 phê duyệt chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030" và Quyết định 677 phê duyệt chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030".
Trong đó, chú trọng nội dung về xây dựng các mô hình học tập, xây dựng các tổ chức khuyến học tại cơ quan, đơn vị; lồng ghép hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào các nhiệm vụ chính trị của mỗi bên.
Thứ ba, xác định nội dung cụ thể phối hợp với từng ngành để triển khai thực hiện Quyết định 387, Quyết định 677 của Thủ tướng Chính phủ. Ghi rõ nội dung cốt lõi xây dựng kế hoạch triển khai. Xây dựng cơ quan đơn vị thành đơn vị học tập, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt danh hiệu công dân học tập.
Tổ chức tuyên dương, khen thưởng điển hình nhân tố mới. Phối hợp sơ kết, tổng kết, kiểm tra việc thực hiện nội dung phối hợp. Thống nhất phối hợp tổ chức hoạt động cụ thể về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do 2 đơn vị đứng ra tổ chức.
Thứ tư, tăng cường tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, cập nhật các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì cung cấp tài liệu, hỗ trợ chuyên môn trong việc tập huấn, phổ biến các kiến thức, nội dung, mô hình tốt, cách làm hay trong phong trào thi đua học tập suốt đời.
Thứ năm, tăng cường phối hợp kiểm tra, đánh giá việc triển khai nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các cấp của mỗi bên theo định kỳ hoặc theo chương trình công tác được các bên lựa chọn
Thứ sáu, phối hợp biểu dương, động viên kịp thời, suy tôn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, các tấm gương học tập suốt đời của từng cơ quan.
Hàng năm, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ phối hợp cùng các bên lựa chọn 2 - 3 cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc của mỗi ngành để trao giải thưởng "Học không bao giờ cùng" và các phần thưởng vinh danh cho các tập thể tiêu biểu, xuất sắc vào dịp ngày sinh của Bác 19/5.
Từ năm 2017 đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cùng với 12 Ban, Bộ, Ngành Trung ương. Các Chương trình phối hợp giữa Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan đều được xây dựng theo 6 nhóm nội dung chính, gồm: Công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện; Công tác thông tin tuyên truyền; Việc thành lập các tổ chức khuyến học, xây dựng đơn vị thành đơn vị học tập; Việc xây dựng quỹ khuyến học và tuyên dương điển hình tiên tiến; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; Tham mưu, đề xuất chế độ chính sách.
Nguồn: Dân Trí