Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Hướng tới nền giáo dục tiên tiến, đổi mới và hội nhập
Th.năm, 10/10/2024, 17:17 Lượt xem: 1121

GD&TĐ - Tháng 10/1954, khi Thủ đô được giải phóng cũng là lúc đánh dấu sự ra đời của ngành GD-ĐT Hà Nội.

 


Ngành GD-ĐT Hà Nội luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả. (Trong ảnh: Cô trò Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long BiênQ, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

 

Sự kiện đã mở ra trang sử mới, đưa sự nghiệp GD-ĐT của Thủ đô ngày một lớn mạnh và phát triển.

 

Những mốc son lịch sử

 

Ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội quyết định thành lập bộ máy, trong đó có sở GD&ĐT. Đây là dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành GD-ĐT Thủ đô trong thời kỳ cách mạng.

 

Dù bộn bề khó khăn, nhưng chỉ 10 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình. Ngày 18/12/1954, khi đến thăm một số trường phổ thông của Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: “Ngày nay đất nước ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thực sự là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng với vai trò của người chủ thì phải học tập”.

 

Khi mới thành lập, ngành GD-ĐT Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp nghèo nàn của thực dân, chẳng những không đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân mà còn kìm hãm sự phát triển của xã hội, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

 

Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. Giáo dục mầm non còn “non nớt” chỉ có 3 trường với 254 trẻ. Giáo dục chuyên nghiệp vỏn vẹn 1 trường kỹ nghệ thực hành và một số lớp trung học chuyên nghiệp dân lập đào tạo chủ yếu là các nghề thủ công.

 

Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm sóc các thế hệ tương lai. Nhiều nhà giáo xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, tham gia công tác giáo dục ở miền Nam. Trong số đó, không ít người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Giai đoạn đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, ngành GD-ĐT Hà Nội luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Ngành GD-ĐT Thủ đô luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục.

 

Đặc biệt, từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tuy sau hợp nhất gặp nhiều khó khăn song chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Với vị trí Thủ đô của cả nước, ngành GD-ĐT Hà Nội không ngừng nỗ lực, phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh để đáp ứng những yêu cầu phát triển mới.

 

huong-toi-nen-giao-duc-tien-tien-doi-moi-va-hoi-nhap-4-7605.jpg

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa và giấy khen chúc mừng đoàn học sinh Hà Nội đoạt thành tích xuất sắc tại Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế năm 2024. Ảnh: Vân Anh

 

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hữu Độ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội giai đoạn 2008 - 2017 nhớ lại: Sau hợp nhất, ngành Giáo dục Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển của Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính.

 

Cùng với sự phát triển của Thành phố, quy mô ngành học được mở rộng với nhiều cơ sở đào tạo ở vùng sâu, xa, tuy nhiên chất lượng giáo dục vẫn giữ ổn định và đồng đều. Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc được quan tâm. Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục chú trọng.

 

Nhiều năm gắn bó với ngành GD Thủ đô, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định: Trải qua 70 năm, giáo dục Thành phố đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, khẳng định những công lao to lớn của các thế hệ thầy và trò, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng Hà Nội thành một thành phố văn minh và giàu đẹp, xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam ngàn năm văn hiến.

 

Cùng với sự phát triển của giáo dục Thủ đô, giáo dục huyện miền núi Ba Vì cũng thay đổi, phát triển rõ rệt cả về “lượng và chất”. Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết: Toàn huyện có 120 trường từ cấp mầm non đến THPT với 2.358 lớp và 76.359 học sinh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.

 

Cơ sở vật chất trường học ngày càng được quan tâm, đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên dần phù hợp với trình độ đào tạo, vị trí việc làm, cơ bản đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

 

huong-toi-nen-giao-duc-tien-tien-doi-moi-va-hoi-nhap-1-1295.jpg

Công tác giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục thẩm mỹ luôn được ngành GD-ĐT Thủ đô đặc biệt quan tâm. (Trong ảnh: Tiết mục văn nghệ của học sinh quận Hoàn Kiếm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam). Ảnh: Vân Anh

 

Quy mô giáo dục lớn nhất cả nước

 

Trải qua 70 năm phát triển, đến nay, ngành GD-ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước. Mạng lưới trường, lớp mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

 

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố đạt gần 80%. Mô hình trường chất lượng cao xây dựng theo Luật Thủ đô hoạt động ngày càng hiệu quả.

 

Chất lượng giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; nhiều em đoạt giải cao tại kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia, Olympic quốc tế. Chất lượng giáo dục đại trà của Hà Nội được quan tâm với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chung toàn Thành phố đạt 99,81%.

 

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nâng lên. Thành phố đã tổ chức công khai, minh bạch kỳ tuyển dụng viên chức làm việc tại các trường, cơ sở giáo dục thuộc thành phố quản lý. Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp được tổ chức hằng năm là nơi trao đổi kinh nghiệm, lan tỏa các bài giảng hay, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

 

Thời gian qua, ngành GD-ĐT Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội như: “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025; “Tiếng trống học bài”. Cùng đó là câu lạc bộ của các hiệu trưởng, giáo viên, nhóm chuyên môn, nhà trường... đang hoạt động hiệu quả.

 

Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học được quan tâm thực hiện. Ngành đã triển khai đồng bộ để thực hiện lời nhắn nhủ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về 3 chữ “An” trong nhà trường: “Học trò đến trường phải được an toàn - Thầy cô giáo phải được an lành - Phụ huynh đưa con đến trường được an tâm”.

 

Trong những năm qua, ngành GD-ĐT Thủ đô chủ động, tích cực trong việc tiếp cận, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong đổi mới phương thức quản trị cơ sở giáo dục cũng như quản lý Nhà nước về giáo dục. Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM ngành GD-ĐT Hà Nội được tổ chức thành công, qua đó lan tỏa nhiều mô hình sáng tạo. Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai Học bạ số cấp tiểu học; địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành giáo dục thông minh.

 

Hợp tác về GD-ĐT của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và tỉnh, thành phố trên thế giới được tăng cường như với Fukuoka, Tokyo (Nhật Bản); Chiết Giang (Trung Quốc), Tasmania (Úc), New Zealand, Chungcheongbuck, Gyeongsangbuk (Hàn Quốc), Singapore, Viêng Chăn, Champasak (Lào)...

 

Đồng thời, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp cho công tác phổ cập giáo dục nhằm duy trì, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học và được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

 

Việc đổi mới hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Mô hình dạy học được đổi mới theo hướng mở, chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Hình thức, phương pháp dạy học, được đổi mới theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học.

 

huong-toi-nen-giao-duc-tien-tien-doi-moi-va-hoi-nhap-3-7628.jpg

Chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao, khoảng cách giáo dục giữa nội thành và ngoại thành dần rút ngắn. (Trong ảnh: Thầy trò Trường THPT Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

 

Hướng đến nền giáo dục hiện đại

 

Bước sang kỷ nguyên công nghiệp 4.0 với sự đổi mới và sáng tạo, nơi giao thoa của con người và thế giới số, trước những cơ hội và thách thức khi hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và quốc tế, ngành Giáo dục Thủ đô đã có định hướng phát triển cho thời cuộc mới, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Theo ông Trần Thế Cương, lãnh đạo Thành phố Hà Nội luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu được xác định theo hướng: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện hiệu quả chủ trương GD&ĐT cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển Thủ đô và đất nước”.

 

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT Hà Nội đã biên soạn và đưa vào giảng dạy cho học sinh Thủ đô những giá trị chân, thiện, mỹ về nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch rất riêng, đáng tự hào của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, chất văn hóa ngấm sâu vào tâm thức của mỗi cá nhân, truyền từ đời này sang đời khác.

 

Mục tiêu mà ngành GD-ĐT Thủ đô đặt ra là giáo dục Hà Nội trong thời kỳ hội nhập phải đảm bảo phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới.

 

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh; mở rộng quy mô giáo dục hợp lý, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời.

 

Tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý Nhà nước đối với GD-ĐT; sắp xếp lại hệ thống các trường học về đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

 

Chú trọng đổi mới chương trình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục; tập trung đầu tư cho các địa phương còn khó khăn, từng bước giảm chênh lệch về phát triển giáo dục của Thủ đô. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về GD-ĐT.

 

Ngành GD-ĐT Hà Nội hướng tới làm tốt việc dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo hướng khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện; gắn học lý thuyết với thực hành, học kiến thức với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trau dồi đạo đức, lối sống.

 

Bên cạnh tranh thủ ngoại lực để tăng cường cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, ngành đã chủ động phát huy nội lực, trách nhiệm, tiềm năng, khả năng lao động sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy và học một cách thực chất, đúng với định hướng giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện.

 

“70 năm sau ngày Thủ đô giải phóng, trải qua bao thăng trầm lịch sử, thầy trò ngành GD-ĐT Thủ đô luôn vững vàng hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tiếp lửa truyền thống mạch nguồn tri thức cho đất nước. Hào khí Thăng Long sẽ mãi tỏa sáng, soi rọi cho sự nỗ lực không ngừng cho định hướng phát triển bền vững và hội nhập của hơn 2,3 triệu thầy trò ngành GD-ĐT Thủ đô”. - Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội


Nguồn: GD&TĐ