Nhiều kỳ vọng với Luật Nhà giáo
Th.năm, 11/07/2024, 09:22 Lượt xem: 683

GD&TĐ - Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến với một số nội dung chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

 

Phiên họp được tổ chức sáng 10/7 tại Bộ GD&ĐT với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng. Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực; đại diện một số sở cơ sở giáo dục đại học, sở GD&ĐT và các chuyên gia, nhà khoa học.

 

Tạo môi trường làm việc thuận lợi hơn cho nhà giáo

 

Tại phiên họp, các đại biểu đều chung quan điểm về sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo và đóng góp ý kiến về nhiều nội dung: Quản lý nhà nước về nhà giáo; hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo; giấy phép hành nghề dạy học; những vấn đề trong phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; đánh giá về tính cấp thiết, ý nghĩa và các nội dung cần đưa vào Luật...

 

Chia sẻ những vấn đề còn bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ hy vọng, Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được tốt mối quan hệ giữa ngành Giáo dục và ngành Nội vụ từ Trung ương tới địa phương; đặc biệt, giải quyết được 2 việc cơ bản nhất là thu nhập nhà giáo và quyền tự chủ của nhà giáo.

 

Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, việc đầu tiên ông Nguyễn Vinh Hiển nhắc đến là cần quy định rõ khái niệm nhà giáo, đặc biệt là xác định rõ những đặc trưng nổi bật về vai trò, vị trí và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo trong thời đại mới, phù hợp với Việt Nam, xu thế chung của quốc tế.

 

Cần quy định thống nhất các yêu cầu về chức danh nhà giáo, chuẩn nhà giáo và chuẩn nhà giáo đứng đầu cơ sở giáo dục, làm căn cứ để quy định các chuẩn cụ thể tương ứng với từng chức danh nhà giáo, người đứng đầu cơ sở giáo dục của từng cấp học và trình độ đào tạo, áp dụng cho cả nhà giáo công lập và ngoài công lập.

 

Chuẩn cần có những quy định mức độ từ thấp (tối thiểu) đến cao để tạo cơ hội cho nhà giáo phát triển chuyên môn liên tục; làm cơ sở pháp lý cho việc thiết kế đầu ra của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; làm căn cứ pháp lý thống nhất trong đánh giá, tuyển dụng nhà giáo theo vị trí việc làm, công nhận chức danh, quy hoạch, bổ nhiệm nhà giáo, luân chuyển nhà giáo giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

 

hoi dong quoc gia GD2.jpgBộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp.

 

Cùng với đó, Luật cũng cần quy định rõ việc phân công, phân cấp quản lý nhà giáo từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm các cơ quan của ngành Giáo dục (Bộ, Sở, Phòng) được chịu trách nhiệm chính, chủ động tham mưu với Chính phủ, UBND các cấp và tổ chức thực hiện toàn bộ các khâu về công tác quản lý nhà giáo; đồng bộ từ quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng.

 

Quy định rõ nguyên tắc tự chủ trong quản lý nhà giáo của các cơ sở giáo dục như là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Quy định rõ quyền tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cơ sở giáo dục, nhà giáo.

 

Đồng thời, Luật cần quy định về quản lý các hoạt động xã hội hóa việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm nhà giáo ngoài công lập được trả chế độ không thấp hơn nhà giáo công lập có cùng chức danh và tương đương. Quy định các nguyên tắc nhằm khuyến khích hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo trên cơ sở cùng có lợi, giữ vững chủ quyền, bản sắc dân tộc. Nội dung Luật Nhà giáo cần tương thích với các quy định chung về quản lý viên chức.

 

hoi dong quoc gia GD4.jpgNguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đi sâu góp ý dự thảo Luật về vấn đề quản lý nhà nước đối với nhà giáo.

 

Từ góc độ giáo dục nghề nghiệp, GS.TSKH Dương Quý Sỹ, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo đã được xây dựng toàn diện, công phu, bao phủ hết và không có sự xung đột, chồng chéo với Luật Giáo dục nghề nghiệp.

 

Cho rằng Luật Nhà giáo sẽ tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, thể chế hoá cơ chế đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, GS.TSKH Dương Quý Sỹ chia sẻ 7 nội dung cụ thể mà dự thảo Luật sẽ tác động tới phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

 

Đó là, đào tạo liên tục và phát triển nghề nghiệp cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; cơ chế tài chính bảo đảm phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; phát triển đội ngũ theo hướng đổi mới, sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà giáo và tôn vinh; tạo động lực phát triển nghề nghiệp liên tục và năng lực lãnh đạo giáo dục nghề nghiệp; bảo vệ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trước các vấn đề xã hội; tạo điều kiện phát triển môi trường làm việc và học tập tích cực.

 

Theo PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong Tờ trình dự án Luật Nhà giáo cần đưa ra bức tranh tổng thể về số quốc gia đã ban hành Luật Nhà giáo để đảm bảo tính thuyết phục cao hơn.

 

PGS.TS Trương Hồ Hải đề nghị dự thảo nên bổ sung thêm nhà giáo nước ngoài vì đây là xu hướng tất yếu. Đồng thời, cần làm rõ hơn về giảng viên đại học, bởi xu hướng ở nhiều nước chính khách, doanh nhân vẫn có thể làm giảng viên, do đó nên có cơ chế mở tối đa.

 

hoi dong quoc gia GD3.jpgNguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại phiên họp.

 

Báo cáo tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết:

 

Việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo đã được chuẩn bị nghiêm túc tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội khóa XV.

 

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của 59 tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, 14 Bộ, cơ quan; 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đối với khoảng 800.000 nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý và đang tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, các đơn vị còn lại có ý kiến góp ý.

 

Nâng cao vị thế nhà giáo với giấy phép hành nghề dạy học

 

Đánh giá cao Ban soạn thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng, những điểm nghẽn hiện nay như vị thế nhà giáo, tuyển dụng nhà giáo, chính sách tiền lương… đều đã được đưa vào dự thảo Luật.

 

Nêu kỳ vọng giải quyết những vấn đề này trong Luật, cũng như khó khăn, rào cản, bà Nguyễn Thị Doan đồng thời có góp ý liên quan đến hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập – đó là hoạt động tự học, học thường xuyên, học suốt đời của nhà giáo.

 

Về giấy phép hành nghề dạy học, bà Nguyễn Thị Doan khẳng định là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu đánh giá tác động qua lại nhiều chiều; mở rộng xin ý kiến nhiều đối tượng, nhất là đội ngũ nhà giáo với nội dung này; rà soát các điều khoản trong dự thảo Luật để tương thích…

 

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đánh giá: dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng rất bài bản, công phu, trong sự rà soát khối lượng lớn các Luật và văn bản dưới luật liên quan đến nhà giáo. Luật đã phản ánh được những nội dung cơ bản quan trọng đối với nhà giáo và quản lý nhà nước đối với nhà giáo.

 

Liên quan đến chứng chỉ hành nghề dạy học, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng: Luật Nhà giáo còn có một mục đích rất quan trọng: khẳng định dạy học là một nghề. Đã là một nghề thì người hành nghề phải có chứng chỉ nghề nghiệp. Vấn đề cần xin ý kiến là vai trò, tính pháp lý của chứng chỉ hành nghề dạy học trong mối quan hệ với các chứng chỉ văn bằng khác do các Luật khác quy định đối với viên chức, người lao động, trên quan điểm chất lượng, hiệu quả, đơn giản, tránh chồng chéo, gây phiền hà, tốn kém cho nhà giáo và nhà nước.

 

hoi dong quoc gia GD5.jpgCác đại biểu thống nhất cao sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo. Trong ảnh: PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Đồng tình cần thiết có quy định về giấy phép hành nghề dạy học, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, việc ban hành giấy phép hành nghề dạy học để dễ dàng đưa các quy định về chuẩn nhà giáo vào cuộc sống, khắc phục việc lạm dụng danh nghĩa nhà giáo, tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế về nhà giáo. Việc ban hành giấy phép này cần bảo đảm giúp nâng cao vị thế nhà giáo, không phiền hà thêm cho nhà giáo.

 

Cũng từ quan điểm ủng hộ quy định giấy phép hành nghề trong dự thảo Luật Nhà giáo, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa đề xuất nên nghiên cứu để tăng cường ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong cấp giấy phép hành nghề, như vậy sẽ giải quyết được băn khoăn có thể xảy ra tiêu cực khi thực hiện.

 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định sự cần thiết có giấy phép hành nghề dạy học và cho rằng: Luật Nhà giáo đặt ra yêu cầu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới quản lý với lực lượng này. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích Luật đem lại cho nhà giáo, đồng thời yêu cầu đội ngũ phải nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng. Đó là yêu cầu của sự đổi mới, yêu cầu của thời đại.

 

Phát biểu kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn diện, sâu sắc, triệt để các ý kiến góp ý. Trong đó, xem xét gia tăng tính khả thi, những chi tiết, nội dung nếu thấy cần thiết; gia tăng lấy ý kiến và cân nhắc kỹ lưỡng từng nội dung. Một số nội dung được đại biểu đưa ra trong phiên họp cũng được Bộ trưởng chia sẻ, trao đổi lại.

 

hoi dong quoc gia GD1.jpg

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sau một quá trình khá dài thuyết minh, đề xuất, đầu năm 2024, nhiệm vụ xây dựng Luật Nhà giáo được thống nhất đưa vào vào các nhiệm vụ của Chính phủ, Quốc hội. Theo kế hoạch, đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV sẽ trình dự thảo Luật ra Quốc hội lần đầu.

 

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là Luật mới, yêu cầu cao, kỳ vọng lớn, thời gian gấp gáp, nên các công việc phải tiến hành rất khẩn trương. Trong đó, việc phát huy trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, những nhà giáo có kinh nghiệm... là điều quyết định chất lượng khi xây dựng Luật này.

 

Nguồn: GD&TĐ