GD&TĐ - Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung; hiệu lực từ 5/1/2025.
Cô trò Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông (GDPT); tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT ban hành kèm theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐTngày 6/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, điều 5 về xây dựng chương trình GDPT được sửa đổi như sau:
Ban chỉ đạo, Tổ thư kí giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển chương trình GDPT. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển chương trình GDPT và Tổ thư kí giúp việc Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc xây dựng và phát triển chương trình GDPT. Thành phần Ban chỉ đạo gồm: Trưởng ban là Lãnh đạo Bộ GD&ĐT; các Phó Trưởng ban và các ủy viên là Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT. Tổ thư kí giúp việc Ban chỉ đạo gồm Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.
Ban xây dựng chương trình GDPT do Trưởng Ban chỉ đạo quyết định thành lập; chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về chất lượng của chương trình GDPT. Ban gồm tiểu ban xây dựng chương trình tổng thể và các tiểu ban xây dựng chương trình môn học. Mỗi tiểu ban xây dựng chương trình môn học gồm Trưởng tiểu ban và các thành viên, mỗi tiểu ban có ít nhất 5 người.
Tiểu ban xây dựng chương trình tổng thể gồm Trưởng tiểu ban và các thành viên là Trưởng tiểu ban xây dựng chương trình môn học. Ban xây dựng chương trình GDPT gồm các thành viên là nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, giảng viên và giáo viên...
Quy chế hoạt động của Ban xây dựng chương trình GDPT do Trưởng Ban chỉ đạo ban hành.
Quy trình xây dựng chương trình GDPT được quy định như sau: Xây dựng dự thảo chương trình tổng thể và dự thảo các chương trình môn học. Lấy ý kiến góp ý dự thảo chương trình tổng thể và dự thảo các chương trình môn học. Hoàn thiện dự thảo chương trình tổng thể và dự thảo các chương trình môn học.
Sau đó, tổ chức thực nghiệm dự thảo chương trình, tập trung vào những điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và điều kiện thực hiện chương trình. Việc triển khai thực nghiệm dự thảo chương trình GDPT theo kế hoạch được Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt.
Bước tiếp theo là tổ chức thẩm định chương trình tổng thể và các chương trình môn học theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này; lấy ý kiến góp ý về dự thảo chương trình GDPT sau thẩm định; tiếp tục thẩm định, hoàn thiện dự thảo chương trình sau thẩm định và ban hành chương trình GDPT.
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung điều 6 về chỉnh sửa chương trình GDPT như sau:
Trong quá trình thực hiện chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT tổ chức đánh giá chương trình GDPT, xem xét việc chỉnh sửa chương trình GDPT.
Trưởng Ban chỉ đạo quyết định thành lập Ban chỉnh sửa chương trình GDPT. Thành phần Ban chỉnh sửa chương trình GDPT gồm các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, giảng viên và giáo viên. Ban chỉnh sửa chương trình GDPT có nhiệm vụ chỉnh sửa chương trình tổng thể hoặc chương trình môn học theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Ban chỉnh sửa chương trình GDPT chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về chất lượng của chương trình GDPT được chỉnh sửa; báo cáo Ban chỉ đạo kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến của các tổ chức, cá nhân và ý kiến của Hội đồng thẩm định về nội dung chỉnh sửa; hoàn thiện dự thảo chương trình GDPT được chỉnh sửa.
Quy chế hoạt động của Ban chỉnh sửa chương trình GDPT do Trưởng Ban chỉ đạo ban hành.
Quy trình chỉnh sửa chương trình GDPT như sau: Xây dựng dự thảo chương trình tổng thể chỉnh sửa hoặc chương trình môn học chỉnh sửa; lấy ý kiến góp ý dự thảo chương trình chỉnh sửa; hoàn thiện dự thảo chương trình chỉnh sửa; tổ chức thực nghiệm dự thảo chương trình chỉnh sửa nếu là chương trình môn học mới; tổ chức thẩm định dự thảo chương trình chỉnh sửa, theo quy định; hoàn thiện dự thảo chương trình chỉnh sửa sau thẩm định và ban hành chương trình chỉnh sửa.
Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn thành viên các Hội đồng thẩm định; nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thẩm định; quy trình thẩm định chương trình; đơn vị tổ chức thẩm định chương trình.
Nguồn: GD&ĐT