10 trường đại học ma quái nhất nước Anh
Th.ba, 09/05/2017, 07:00 Lượt xem: 5572

Vào thời Trung cổ, St Andrews là trung tâm tôn giáo của Scotland và hiện được cho là một trong những nơi ma quái nhất nước Anh.

 

ĐH St Andrews

 

Có lẽ nỗi ám ảnh lớn nhất của ngôi trường này là Người đàn bà trắng – một con ma được nhìn thấy bên trong sân giáo đường của trường đại học này, mặc một chiếc váy dài, trắng, tóc dài đến thắt lưng.

Vào năm 1968, 2 người thợ xây đá đang sửa tháp phòng thủ gần đó đã đột nhập vào một buồng kín – nơi họ phát hiện ra một số quan tài, trong đó có một quan tài mở và có xác một người phụ nữ được bảo quản bên trong. Người phụ nữ mặc một chiếc váy trắng và đeo găng tay da trắng.

 

ĐH Durham

Không mất nhiều thời gian để các tân sinh viên phải dựng tóc gáy khi sống trong khu vực lâu đài 800 tuổi của ĐH Durham. Truyền thuyết kể rằng Lady Grey – bà vợ sống ở thế kỉ 19 của Đức giám mục Van Mildert – người sở hữu lâu đài này trước khi nó trở thành một trường đại học – đã lên xuống khu vực Black Staircase của lâu đài từ khi bà chết. Frederick Copeman – một trong những sinh viên đầu tiên của ĐH Durham cũng là nỗi ám ảnh của khu vực này sau khi nhảy từ tòa tháp của nhà thờ vì thi trượt.

 

ĐH Southampton

 

Được xây dựng trên khu vực nghĩa trang cổ của Ấn Độ, một phần của Avenue Campus thuộc ĐH Southampton bị ám ảnh bởi một bóng ma nữ.

Một giảng viên cho biết đã nhìn thấy đôi bàn tay thò ra từ dưới cánh cửa nhà vệ sinh mà không có phần cơ thể còn lại. Trong khi đó, theo giới truyền thông địa phương, các nhân viên an ninh ca đêm cũng từng nghe thấy tiếng bước chân và sự chuyển động của đồ nội thất trên sàn phòng học trống rỗng.

 

Peterhouse

 

Peterhouse – ngôi trường lâu đời nhất ĐH Cambridge – từng chia sẻ về những sự việc huyền bí của trường, trong đó có câu thần chú ma quỷ từ thế kỉ 18 ở một căn phòng của sinh viên.

Gần đây, hiệu trưởng trường này đã tiến hành một buổi lễ để giải thoát cho sân trường cổ này khỏi ‘sự hiện diện u ám’.

Vào cuối những năm 90, con ma - từng là một thủ quỹ treo cổ hồi thế kỉ 18 - đã được phát hiện nhiều lần và kết quả là một số giảng viên của trường này từ chối bước chân vào căn phòng làm bằng gỗ sồi vào thế kỉ 13 – nơi con mà được phát hiện lần cuối.

 

ĐH St John’s

Những sinh viên từng bước chân vào buổi học đêm ở thư viện ĐH St John’s cho biết đã nhìn thấy cảnh một người đàn ông không đầu cầm nến trong khi chân đá cái đầu khắp nền nhà. Người đàn ông này được cho là bóng ma của Đức Tổng Giám mục William Laud – cựu học giả, cựu hiệu trưởng danh dự của ĐH Oxford, người đã bị chém đầu năm 1645 vì tội phản quốc.

 

ĐH Exeter

Mặc quần áo lao động dính sơn, một tay cầm cây chổi, một tay cầm lọ sơn, bóng ma của ĐH Exeter được cho là công nhân, thường đi lang thang ở hành lang tòa nhà chính kể từ khi người đàn ông này chết vì công việc. Một số người thì cho rằng người công nhân này chết dưới tay một kẻ giết thuê. Dù bất cứ chuyện gì đã xảy ra thì có vẻ như người thợ chăm chỉ này luôn muốn hoàn thành công việc của mình.

 

ĐH York

Một cuộc khảo sát gần đây về những hoạt động ma quái ở York cho thấy 500 con ma đang ám ảnh thành phố có tường vây quanh này, trong khi Hiệp hội Nghiên cứu Ma quỷ quốc tế năm 2002 khẳng định rằng York là “thành phố ma quái nhất Châu Âu”. Người ta đã từng nhìn thấy những cảnh tượng như một đội quân lính lê dương đang diễu hành qua một hầm rượu và tiếng khóc của những đứa trẻ bị chôn dưới ngôi trường từ thiện thời Victoria.

ĐH Brunel

Được xây dựng một phần trên địa điểm của một bệnh viện truyền nhiễm cách ly, ĐH Brunel có lịch sử xảy ra những hiện tượng không thể giải thích được, đặc biệt là trong khuôn viên của St John’s. Một nhà ngoại cảm từng làm việc trong khuôn viên này ở vị trí thư kí đã cho biết bà đã nhìn thấy “một cô gái trẻ mặc áo choàng bệnh viện chạy xuống hành lang”, mặc dù là một nhà ngoại cảm, bà giải thích rằng điều này không có gì lạ đối với bà.

 

ĐH Royal Holloway

Có tin đồn cho rằng người sáng lập ĐH Surrey, doanh nhân thời Victoria Thomas Holloway đang ám ảnh sân trong của ĐH Royal Holloway bằng bóng ma một con mèo đen. Không có gì lạ khi nghe thấy sinh viên của trường này thét lên rằng: “Tôi vừa nhìn thấy con mèo nhưng khi quay lại, nó biến mất”. Trường này còn có tin đồn rằng có một bức tranh treo trong phòng trưng bày của trường – nơi mà các kì thi được tổ chức. Nhưng khi kì thi tới, bức tranh này bị che đi bằng một lá cờ Vương quốc Anh. Điều này làm rộ lên những tin đồn cho rằng một học sinh đã từng bị quấy rối vì những gì cô nhìn thấy và cô đã tự tử trên ghế. Bức tranh này có tên là ‘Man Proposes, God Disposes’ (tạm dịch: Nhân tính không bằng trời tính) của tác giả Sir Edwin Lanseer (1964), mô tả 2 con gấu Bắc cực vồ lấy những người còn lại của chuyến thám hiểm Franklin – một chuyến đi thất bại của Artic.

 

ĐH Wales

Bóng ma của một quả phụ cao gần 2 mét, mặc chiếc áo khoác màu nâu, tóc búi được cho là một cảnh tượng quen thuộc với những người đang sống và làm việc ở ĐH Wales, Newport. Được gọi là Big Bertha, bà được cho là bóng ma của Bertha Ramsey – một góa phụ bị phát hiện chết ở chân cầu thang sau khi ngã từ tầng 2 trong kì nghỉ Giáng sinh năm 1962.