Thời gian học càng kéo dài, bạn càng cảm thấy nản, mất tập trung và không tiếp thu được nhiều. Vậy thay vì học 1-2 tiếng một ngày, bạn hãy chia nhỏ mỗi lần học khoảng 20 – 30 phút và những gì bạn cần làm là tập trung hết mức có thể trong khoảng thời gian này.
Chắc chắn bạn học sẽ không hiệu quả khi cảm thấy mệt mỏi, thiếu tỉnh táo. Rất đơn giản, bạn hãy hỏi mình: “Thời điểm nào trong ngày bạn học được tốt nhất?” và sắp xếp mọi công việc để dành thời gian học tiếng Anh. Các nhà khoa học gợi ý rằng, khoảng thời gian tốt nhất để học ngoại ngữ là vào buổi sáng, bởi sau một đêm nghỉ ngơi, bộ não của bạn có thể “hấp thụ” được lượng kiến thức hiệu quả nhất.
Trước hết, bạn hãy tìm cho mình một địa điểm học yên tĩnh. Tiếng ồn là yếu tố gây mất tập trung khi học nhất. Bạn cũng sẽ không thể tập trung cao độ khi trên bàn học là điện thoại, máy tính đang mở facebook, máy nghe nhạc, truyện,… nếu những thứ đó không có ích cho bạn học tiếng Anh. Hãy tưởng tượng, bạn đang học được khoảng 10 phút thì có tin nhắn đến, hay chợt nhìn thấy bài đăng trên facebook và muốn vào bình luận, lướt tin,.. thì chắc chắn bạn sẽ không thể tập trung học được.
Các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã chỉ ra rằng: “Chỉ 2% số người trên thế giới có thể tập trung vào 2 việc cùng lúc”. Trừ khi bạn cho rằng mình nằm trong số 2% này, nếu không, bạn chỉ có thể tập trung 100% khi làm một việc duy nhất. Do vậy, bạn đừng vừa học tiếng Anh vừa giải quyết công việc văn phòng hay ăn uống, giải trí,…
Ngồi vào bàn làm bài tập bạn chợt nhớ ra mình quên quyển từ điển, thiếu cây bút để viết,… và bạn phải chạy ra ngoài lấy. Như vậy vô hình chung việc học đã bị gián đoạn. Tốt nhất là bạn nên chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng và không rời bàn trong suốt thời gian học.
Bạn cảm thấy bài này khó hiểu, từ vựng khó phát âm, hay học mãi mà vẫn không nhớ,… Đó là những suy nghĩ tiêu cực dễ đánh gục bạn nhất. Hay đang học thì trong não bạn xuất hiện những hình ảnh về bạn bè, công việc, … Những ý nghĩ này thật không dễ để loại bỏ, tuy nhiên bạn có thể thử những cách sau đây: thay thế suy nghĩ tiêu cực của bạn bằng suy nghĩ tích cực, ví dụ như: Mình nhất định sẽ làm được, bài học này rất thú vị,… Bạn cũng có thể để kế bên mình một quyển sổ ghi chú. Nếu có bất kỳ ý tưởng ngoài luồng nào nảy sinh thì bạn chỉ cần ghi vào cuốn sổ này và quay lại giải quyết sau khi đã học xong.
(Sưu tầm)