9 lời khuyên để nhớ từ mới nhanh hơn
Th.sáu, 23/10/2020, 14:36 Lượt xem: 4209

Thay vì chỉ tra cứu từ để biết nghĩa, bạn cần nghe cách phát âm, viết ra, đưa nó vào câu cụ thể và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Cho dù ngữ pháp tốt đến đâu, nếu không biết từ vựng nào để sử dụng những cấu trúc ngữ pháp đó, bạn sẽ không thể nâng cao được khả năng ngôn ngữ. Từ vựng mở ra những cánh cửa tới thế giới mới và khiến cho việc học trở nên thú vị.

Tuy nhiên, việc mở rộng vốn từ vựng cũng giống như khi bạn thực hiện chế độ ăn kiêng. Bạn không thể trông chờ vào một thủ thuật hay phương pháp nào. Ngoài tìm cách học phù hợp, bạn phải thực sự nỗ lực, kiên nhẫn, thiết lập mục tiêu thực tế, tự khen thưởng khi đạt được. Bạn có thể theo những lời khuyên dưới đây:

1. Sử dụng các kỹ thuật ghi nhớ

Việc sử dụng kỹ thuật ghi nhớ là con đường tắt giúp bạn nhớ khái niệm và từ ngữ phức tạp hơn. Chẳng hạn, bạn có thể tạo ra mối liên hệ giữa các từ. Nếu không biết cách đánh vần các từ về việc ăn ở, chỉ cần nhớ có "twocots" (hai chiếc giường) thì cần "twomattresses" (hai tấm nệm).

Bạn cũng có thể nghĩ tới các từ viết tắt, chẳng hạn cần đi tới "Store" (cửa hàng) để mua "Spaghetti" (mỳ Ý), "Tomatoes" (cà chua), "Olives" (dầu oliu), "Rice" (gạo), "Eggs" (trứng). Các từ đầu của mỗi món đồ bạn muốn mua ghép lại chính là "Store".

Tất nhiên, bạn vẫn phải nhớ các từ viết tắt, bài hát hay nhóm từ. Nhưng với một chút luyện tập, bạn sẽ sớm tiến bộ trong việc tạo ra những sự liên kết đầy sáng tạo và hiệu quả. Và càng nghĩ nhiều tới các từ viết tắt và nhóm từ, bạn càng ghi nhớ tốt hơn những từ đi cùng với nó.

2. Tạo môi trường học tập

Khi du học, bạn sẽ nghe và đọc thấy ngôn ngữ đang học ở mọi nơi và học nhanh hơn nhiều thông qua việc đắm mình vào đó. Nhưng không cần ra nước ngoài để tăng vốn từ, bạn có thể tạo ra môi trường học tập thân thiện và đầy cảm hứng mọi lúc mọi nơi bằng cách mua tạp chí hoặc sách bằng ngôn ngữ mới, xem phim, nấu hoặc ăn các món ăn địa phương.

Ảnh: Shutterstock.

 

Ảnh: Shutterstock.

3. Đặt các từ vào ngữ cảnh

Thay vì viết danh sách từ ngẫu nhiên, hãy cố gắng đặt chúng thành câu. Bằng cách đó, bạn biết từ này được sử dụng như thế nào trong cuộc sống thực. Thêm vào đó, nếu nghĩ ra những câu hài hước, bạn sẽ nhớ dễ dàng hơn. Tùy thuộc vào cách học, bạn cũng có thể vẽ hoặc tìm hình ảnh để bổ sung cho câu và đưa từ mới vào môi trường sống tự nhiên của chúng.

4. Học từ các tình huống thực tế

Nói về bối cảnh phim, chương trình truyền hình, những cuốn sách, podcast hay bài hát sẽ giúp bạn ghi nhớ tờ vựng vì chúng luôn gắn liền với cảnh, con người hay sự kiện đời thực. Vì vậy, hãy cố gắng đọc sách hoặc xem phim bằng ngôn ngữ gốc (có phụ đề) và tìm hiểu nghĩa của từ. Nếu nhìn hoặc nghe thấy một cụm từ hoặc câu mà bạn không hiểu, hãy ghi lại, tra cứu và bắt đầu ghi nhớ.

5. Đưa nó lên cấp độ cao hơn

Nếu bạn muốn nâng cao việc học ngôn ngữ, hãy sắp xếp đủ không gian cho bản đồ tư duy với các từ liên quan, từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa. Nếu muốn tận dụng tối đa quá trình học tập, hãy cố gắng không dịch từ sang ngôn ngữ mẹ đẻ mà giải thích và mô tả nó bằng ngôn ngữ bạn đang học.

6. Tìm các công cụ phù hợp

Cách học của mọi người là khác nhau. Vì vậy, nếu chưa biết cách nào phù hợp với mình, hãy thử nhiều cách hoặc kết hợp chúng, chẳng hạn sử dụng flashcard, học qua các ứng dụng, trò chơi. Tương tự với việc tìm thời gian hợp lý để học, có người muốn đặt ra một khoảng thời gian cụ thể, những người khác học một cách tự phát hơn. Bất kể chọn cách tiếp cận nào, hãy chắc chắn bạn phải nắm bắt được nhịp độ nào đó để việc luyện tập trở nên hoàn hảo hơn.

7. Tạo sự tương tác

Giống như việc phải tìm đúng công cụ phù hợp với mình, điều quan trọng là phải làm cho trải nghiệm học tập của mình trở nên bao trùm nhất có thể. Đừng chỉ đọc các từ mà hãy nghe cách phát âm, tự nói to và viết ra.

8. Tập trung vào những từ hữu ích

Nếu muốn mở rộng vốn từ vựng vì muốn làm việc tại một công ty marketing nước ngoài, bạn có thể không cần phải đọc tiểu thuyết của Shakespeare hay tập trung vào những từ liên quan đến thời Trung cổ. Các từ càng thực tế và phổ biến với nghề nghiệp, sở thích, cuộc trò chuyện trong đời thực thì càng dễ học và bạn sẽ phải sử dụng chúng thường xuyên hơn.

9. Nhắc lại các từ vựng thường xuyên

Hãy nhớ không chỉ lặp lại từ hiện tại mà còn cả những từ cũ mà bạn cho rằng đã thuộc lòng. Bạn không cần xem các từ đã lưu trữ thường xuyên như từ vựng mới nhưng càng sử dụng nhiều, bạn càng nhớ chúng tốt hơn.

Dương Tâm (Theo EF Education First)