Bí quyết khi luyện nói tiếng Anh
Th.tư, 15/11/2017, 07:00 Lượt xem: 6852

1. Tránh tuyệt đối hóa tầm quan trọng của văn phạm (hay ngữ pháp)

Trong giao tiếp chúng ta có thể xem khả năng truyền thông là mục đích chính và văn phạm chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho mục đích này. Quá chú ý đến văn phạm sẽ cản trở phản xạ ngôn ngữ, khiến chúng ta ngại nói tiếng Anh, sợ sai khi nói.

Chúng ta hãy chú tâm vào việc giao tiếp; các cấu trúc văn phạm sẽ được dễ dàng ghi nhớ khi học qua một loạt các ngữ cảnh, hơn là chỉ chú tâm học theo các quy tắc. Dần dần, chúng ta sẽ thấy các lỗi văn phạm càng lúc càng ít đi.


2. Nói tiếng Anh – suy nghĩ bằng tiếng Anh

Một trong những sai lầm nghiêm trọng thường gặp là chúng ta có khuynh hướng "dịch" (từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh) trước khi nói. Việc này ngay lập tức tạo ra một rào cản ngôn ngữ.

Ví dụ, khi chúng ta muốn bỏ một cuộc hẹn, chúng ta sẽ nghĩ trong đầu câu:

 

''Tôi muốn hủy cuộc hẹn đó". Sau đó chúng ta dịch câu đó sang tiếng Anh. Chúng ta sẽ gặp vấn đề vì chúng ta có thể không nhớ, hoặc không biết các từ "cancel'' và “appointment” để hình thành câu ''I would like to cancel the appointment".

Nếu chúng ta nghĩ bằng tiếng Anh, chứ không phải là dịch trước khi nói, chúng ta sẽ không gặp phải vấn đề này, vì có nhiều cách diễn đạt tình huống này bằng tiếng Anh, ví dụ: "I'm sorry. I'm not free tomorrow" hay "I’m afraid I can't come tomorrow", v.v...

3. Tránh sử dụng các từ đệm “um”, “ah” quá nhiều

Một cách vô thức, khi nói chúng ta thường sử dụng những từ như “um”, “ahh”, “so”, “like” hay “you know”, những từ dùng để lấp khoảng thời gian tạm ngừng trong khi đang nói.

Những từ đệm này chẳng những không làm nổi bật thông điệp bạn muốn nói mà còn khiến bạn trông có vẻ nhút nhát hơn, vì khi bạn sử dụng chúng quá nhiều, người đối diện sẽ nhận thấy bạn dường như không tự tin về bản thân và không chắc chắn về câu trả lời của chính mình. Đôi khi những từ này còn khiến chính người nói mất tập trung và không rõ mình đang nói gì.

Cách tốt nhất để sửa đổi đó là giảm tốc độ nói, nhận thức và kiểm soát thói quen sử dụng từ đệm. Khi biết bản thân sắp “phát ra“ từ đệm, hãy dừng một chút. Chúng ta gọi đó là “chiến lược tạm dừng”. Việc này sẽ giúp bạn có thêm thời gian để suy nghĩ điều bạn muốn nói, sau đó, hãy tiếp tục nói mà không thêm vào bất kỳ từ đệm nào. “Chiến lược tạm dừng” không chỉ giúp bạn có thêm thời gian suy nghĩ, mà còn tạo thêm sức ảnh hưởng cho lời nói của bạn.

4. Nghe và hiểu

Chúng ta cần phải nghe một khoảng thời gian (nhanh hay chậm tùy theo mỗi người). Và vì thế, việc luyện nghe rất quan trọng: Hãy nghe bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu. Chúng ta có thể nhớ hàng trăm câu trong đầu, nhưng nếu chúng ta không nghe được thì tất cả đều vô nghĩa, giống như một khách du lịch cầm quyển sách học tiếng, hỏi đường và không thể đến nơi được vì không thể hiểu người chỉ đường nói gì.
Khi khả năng hiểu tiếng Anh của chúng ta tiến bộ thì cách tự nhiên, chúng ta cũng sẽ thấy tự tin và tiến bộ trong khả năng nói.

5. Chủ động: Trách nhiệm thuộc về chúng ta

Học giao tiếp tiếng Anh không phải là việc tiếp thu một kiến thức, mà là việc thực hành và thể hiện (performance). Chúng ta phải thực sự nhận lấy "trách nhiệm học'' này, không thể ngả lưng ra ghế, nghe giảng viên nói và hy vọng sẽ giao tiếp tốt được. Chúng ta phải chủ động, thành quả của chúng ta sẽ là những gì chúng ta đã bỏ ra. Kỹ năng tốt là sản phẩm của thực hành và sự nỗ lực.

 

 

Source: EQuest