Giải nhất tiếng Anh quốc gia tự phê bệnh thành tích
CN, 09/10/2016, 07:00 Lượt xem: 10958

Thủ khoa nói không với học thêm

Sau khi theo ba lên TP.HCM (ba chuyển công tác) - Bảo Trân học ở một ngôi trường tiểu học và trung học rất bình thường ở quận Tân Bình.

“Từ nhỏ đến lớn, em hầu như không đi học thêm mà tự học ở nhà là chủ yếu. Hồi lớp 9, em có đăng ký thử một khóa học thêm ở Trung tâm Thăng Long, nhưng học vài buổi thấy nóng bức và chật chội, chịu không nổi nên từ đó không muốn đi học thêm nữa. Hơn nữa các bạn đi học thêm thì 9-10h tối mới về đến nhà, học như vậy em không chịu được” - Trân cho biết.

Trân bật mí: “Ba mẹ em không bao giờ ép em đi học thêm, một phần vì rất tin tưởng vào em. Từ trước tới giờ em toàn tự học và vươn lên, năm nào cũng là học sinh giỏi.”

Hồi thi tuyển vào cấp 3, Trân cũng học thêm một khóa ngắn hạn về tiếng Anh của thầy Hoàng Ngọc Hùng ở Trường phổ thông năng khiếu (ĐHQG TP.HCM). Vì thầy dạy hay nên Trân mơ ước đậu vào lớp chuyên Anh trường này. Do vậy, sau khi đậu cả chuyên Lê Hồng Phong và Trường phổ thông năng khiếu (PTNK), Bảo Trân đã chọn PTNK.

Vì có hai bạn có điểm cao đầu vào PTNK cao nhất đã lựa chọn đi du học nên Bảo Trân đã trở thành thủ khoa đầu vào lớp 10 PTNK.

Bí quyết giỏi tiếng Anh

Trong kỳ thi chọn HS giỏi Anh văn quốc gia, Trân khá bất ngờ vì có thêm phần thi nói, phần thi viết cũng có thêm nét mới là viết tóm tắt một đoạn văn bản. Trong thời gian luyện thi ở trường, đến giữa giai đoạn ôn thi mới có thông báo chính thức về việc sẽ có phần thi nói trong kỳ thi học sinh giỏi.

“Tuy nhiên, em toàn chuẩn bị những bài nói đơn giản thôi, đến khi vào thi gặp ngay câu hỏi (bốc thăm) hay mà khó: giáo dục giới tính, bảo vệ động vật sắp tuyệt chủng. Choáng một lúc nhưng sau đó em vẫn xoay xở được”, Trân cho biết.

Trong khi nhiều bạn HS đi học tiếng Anh với người nước ngoài ở các trung tâm và khá tốn tiền thì Trân tâm sự, nhà em không có khả năng kinh tế để đi học tại các trung tâm này. Từ lớp 5, em chỉ được ba mẹ cho đi học bằng A, B, C thôi.

Bí quyết học tập của Bảo Trân nằm ở hai từ “say mê” và “thực hành nhiều”. Trân thích thú với tiếng Anh vì với ngôn ngữ này, bạn sẽ thu được nhiều kiến thức hơn vì có nhiều xuất bản phẩm trên thế giới phần lớn xuất bản bằng tiếng Anh, đọc tiểu thuyết trực tiếp bằng tiếng Anh hay hơn tác phẩm dịch. Và rất thú vị khi xem phim nổi tiếng bằng tiếng Anh.

Nói chung với tiếng Anh thì theo Trân càng luyện tập nhiều thì càng giỏi. Xem phim, nghe các bài hát tiếng Anh, học hát tiếng Anh là cách tốt nhất để học giỏi ngoại ngữ này.

“Với em thì đi học các trung tâm ngoại ngữ tốn tiền mà không hiệu quả”, Trân cho biết.

Hỏi về việc làm thế nào để nói tiếng Anh tốt, Trân chia sẻ: Theo em thì không nhất thiết phải nói giống hệt giọng người bản xứ mà quan trọng là nói thế nào để người nước ngoài hiểu được là tốt rồi. Hồi đi Úc hai tuần, em gặp các bạn đến từ khắp nơi, mỗi bạn nói tiếng Anh một kiểu nhưng vẫn làm cho nhau hiểu được.

 

Bảo Trân nói em từng thích điểm cao, nhồi nhét kiến thức chỉ vì điểm rồi sau lại quên hết. Nhưng giờ đây, Trân muốn phát triển hài hòa hơn như tham gia các hoạt động ngoại khóa, chơi đàn.

 

Bệnh khoái điểm số

Điều thú vị ở Bảo Trân là cô trò này đã tự hạ bớt tham vọng đạt điểm số cao sau khi vào trường chuyên PTNK.

Hồi học cấp một và cấp hai, Trân rất khó chịu khi bị điểm 8 mà chăm chỉ học để đạt điểm 9 và 10. Thế nhưng khi vào cấp ba, thấy các bạn xung quanh ngoài học ra còn biết chơi đàn, chơi thể thao rất giỏi nên Trân đã quyết định từ bỏ bệnh “khoái điểm số” của mình. Bây giờ thì cô bạn đang học đàn và “ước gì trước đây em cũng chú trọng đến điều này thì giờ đã chơi giỏi rồi”, Trân cười cho biết.

Vì “bức xúc” với bản thân mình như vậy nên hồi lớp 11, Bảo Trân đã đoạt giải nhất trong cuộc thi tiếng Anh của IDP (chủ đề: Nếu gặp một người nổi tiếng em sẽ nói với người đó về vấn đề gì), được học bổng sang Úc học hè tiếng Anh hai tuần.

Lúc đó Trân viết bài dự thi là bức thư gửi cho thầy Huỳnh Công Minh (lúc đó là Giám đốc Sở giáo dục TP.HCM) về việc quá coi trọng điểm số ở VN.

Trân viết đại ý rằng học sinh VN quá chú trọng điểm số và quên mất kiến thức. Khi em học Sử, Địa, em nhồi nhét kiến thức để kiếm điểm tốt cho bài kiểm tra, nhưng kiểm tra xong thì không nhớ gì hết. Cách dạy và cách học không đi chung với nhau. Dạy mà cuối cùng HS không nhớ được gì hết. HS đua nhau đi học thêm, cóp bài nhau chỉ để có điểm số cao.

Điều này dẫn đến nhiều người học chỉ vì điểm, và chán nản. Nền giáo dục VN chỉ đào tạo ra những người có điểm số rỗng tuếch. Điểm số trở thành nỗi ám ảnh với mỗi HS. Giáo dục chưa tạo ra môi trường cho học sinh có thực tiễn.

Em cũng có so sánh với giáo dục Mỹ. Ở VN thì học xong lớp 12, sau đó chỉ quyết định quá trình học này bằng một kỳ thi ĐH với điểm số 3 môn. Trong khi đó, nếu ở Mỹ, để vào ĐH thì không chỉ có điểm số mà phải chứng minh được mình có tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Giáo dục Việt Nam chẳng giống nước nào

Giải pháp Trân đề ra cho giáo dục VN là: tăng thêm hoạt động ngoại khóa, một số môn không nên chấm điểm mà chỉ chấm đạt hay không đạt, chẳng hạn như môn thể dục mà nhiều bạn còn phấn đấu điểm cao để có điểm trung bình cao, lẽ ra môn này không nên cho điểm. Ngay đến môn thể dục mà còn bị áp lực nữa.
Khi trò chuyện với các bạn HS đến từ các nước châu Á khi tham gia khóa học hè ở Úc, các bạn đều lắc đầu lè lưỡi khi HS Việt Nam học quá nhiều môn mỗi học kỳ (11 đến 12 môn).

“Khi trao đổi với các bạn HS bên Úc và một số nước châu Á, em thấy giáo dục VN chẳng giống ai. Các bạn ấy chỉ học khoảng 5 môn mỗi học kỳ, được đi chơi và hoạt động ngoại khóa rất nhiều. Thậm chí các nước châu Á như Thái Lan hay Malaysia cũng học theo giáo dục Mỹ hoặc Anh còn giáo dục VN thì em không biết dựa theo tiêu chuẩn gì”, Trân cười.

Theo Trân, mỗi học kỳ HS chỉ học 5 môn thôi để HS có thời gian đầu tư vào môn đó, còn hiện nay mỗi kỳ học tới 11, 12 môn mỗi kỳ, cho nên cứ học môn này thì quên môn kia. Ví dụ môn Sử có thể học hết luôn từ năm lớp 10, chứ chia ra ba năm, mỗi năm học ít một thì sau đó lại quên hết!

Hiện nay, mong muốn của Bảo Trân là đi du học ở Singapore. Với điểm SAT là 2140/2400, điểm TOEFL thi trên máy tính là 107/220, có lẽ ước mơ này không khó để trở thành hiện thực.