Muôn màu muôn vẻ tục lì xì đầu năm
Th.ba, 26/09/2017, 07:00 Lượt xem: 5084

Năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến, bên cạnh việc đi sắm Tết, xem pháo hoa, chúng ta lại háo hức được nhận tiền lì xì đầu năm mới. Là một phong tục truyền thống từ lâu đời, lì xì thực sự là một nét đẹp trong văn hóa của người phương Đông.

Nguồn gốc xuất xứ của nó là từ Trung Quốc. Tương truyền xa xưa, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm Giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình. 
 
Có một gia đình nhà nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà biết rằng chú bé này sẽ gặp họa với yêu quái nên biến thành 8 đồng tiền đồng, cha mẹ chú đem gói vào một mảnh giấy đỏ, đặt bên cạnh gối đứa bé. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên làm nó thất kinh phải bỏ chạy. 
 
Câu chuyện được lan truyền và từ đó, cứ mỗi dịp Tết đến người ta lại đem tiền bỏ vào một phong bì đỏ để đem tặng trẻ nhỏ. Dần dần trở thành phong tục mừng tuổi đầu năm.

Theo một tryền thuyết khác, tục mừng tuổi bắt nguồn từ thời nhà Đường ở Trung Quốc. Năm đó, Dương Quý Phi hạ sinh được hoàng tử. Biết tin mừng, vua Đường Huyền Tôn đích thân đến thăm và ban cho nàng một số vàng bạc gói trong giấy đỏ.
 
Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng vừa là chiếc bùa vua ban để trừ tà ma, yêu quái. Tin này đồn ra ngoài dân gian, nhiều người dân bắt chước làm theo, tặng tiền mừng và cũng coi như là món lộc trừ tai họa, mang lại may mắn cho trẻ nhỏ.

Xưa kia, tiền mừng tuổi là các đồng tiền được xâu vào sợi chỉ đỏ, gói trong mảnh vải đỏ còn gọi là “áp thuế tiền”. Ngày nay, tiền mừng tuổi đầu năm, tương trưng cho may mắn, thành đạt được cho vào những chiếc phong bì màu đỏ, in hoa văn đẹp mắt gọi là bao lì xì. Người Hoa chọn màu đỏ vì họ đặc biệt ưa thích nó, màu đỏ tượng trưng cho sức sống, hạnh phúc và may mắn.
 
Chữ “lì xì” của Việt Nam có xuất xứ từ chữ “lợi thị” của tiếng Quảng Đông, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Trong khi ở Hồng Kông, Macao cũng gọi là lì xì thì người Trung Quốc, Đài Loan gọi là hồng bao (bao đỏ).
 
Sự đa dạng trong văn hóa các nước
 
Chúng ta cũng bắt gặp phong tục lì xì này ở các nước Châu Á và có những thay đổi tùy theo văn hóa của mỗi nước.
Nhật Bản cũng có phong tục này gọi là “otoshidama” và phong bao được dùng phổ biến là màu trắng có in hoa văn hoặc là các hình trang trí ngộ nghĩnh. Trẻ em được nhận otoshidama cho đến khi chúng học xong cấp 3 sau đó thì hầu như không được cho nữa.
Đa dạng về mẫu mã
Những người Malaysia cũng bị ảnh hưởng bởi truyền thống mừng tuổi của người Trung Quốc nhưng họ lại dùng những bao lì xì có màu xanh lá cây. Họ chọn màu xanh vì nó gắn liền với tín ngưỡng đạo Hồi. Ý tưởng về chiếc phong bì màu xanh dựa trên tư tưởng lâu đời của đạo Hồi về việc làm từ thiện, theo đó mỗi người theo đạo phải đem 2.5% thu nhập của mình cho những người nghèo khó.
Ngày nay, những chiếc phong bì có sự đa dạng về kích cỡ cũng như màu sắc không bắt buộc phải là màu xanh. Chúng được dành tặng cho những đứa trẻ dưới 12 tuổi trong suốt lễ hội Hari Raya Aidilfitri của họ.

Người Hồng Kông quan niệm năm mới cái gì cũng mới nên tiền trong bao lì xì cũng vậy. Năm nào cũng có hàng dòng người đổ xô đi chờ đổi tiền mới. 
 
Macao cũng có cùng quan điểm như vậy nên mỗi năm các ngân hàng ở đây đều in tiền mới để phục vụ cho dịp Tết. Năm 2006, chính phủ Macao còn phải khuyến nghị dùng tiền cũ bỏ vào bao lì xì để giảm bớt chi phí.
 
Ở Đài Loan thì số tiền trong bao lì xì nhất định phải là số chẵn, kỵ số lẻ với ý nghĩa cát tường. Tiền được người lớn trong gia đình phát sau khi ăn cơm giao thừa.
Cả nhà cùng vui
Source: Suutam