Scotland và xứ Wales
Tục xông đất không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở Scotland. Trong suốt lễ Hogmanay (lễ hội mừng năm mới của người Scotland), người Scotland tin rằng, người nào đặt chân vào nhà mình đầu tiên sẽ là người mang theo may mắn vào nhà. Người Scotland cũng đốt lửa. Hầu hết ở những ngôi làng nhỏ đánh cá của Stonehaven, những người đàn ông diễu hành qua các con phố cùng với những quả cầu lửa, biểu tượng cho mặt trời.
Người dân của hai xứ này từ lâu vẫn có tục kiêng phụ nữ và người tóc hung đến xông nhà ngày Tết vì cho rằng họ mang đến điềm dữ. Ngày mồng 1 Tết dương lịch nhà nào nhà nấy đều mở rộng cửa đón mừng mọi người đến chơi.
Khi xông nhà ai, khách thường mang theo những hòn than, bỏ một hòn than vào lò sưởi nhà người đó và nói: “Lửa ơi, lửa cháy cho bền”.
Armenia
Bàn tiệc đón năm mới của người Armenia gồm một số món khai vị bánh kẹo và hoa quả. Thú ẩm thực của người Armenia khác những nơi khác bởi sự phong phú về màu sắc của các món thịt.
Món chính trên bàn tiệc là dăm bông thịt lợn ướp với nhiều loại gia vị đặc trưng như tỏi, lá vang, ớt tiêu cay và ớt đỏ, gà tây nướng với táo đỏ trong lò...
Ba Lan
Tại Ba Lan cũng như ở các nước châu Âu khác, đêm 31/12 rạng sáng 1/1 là thời gian của những cuộc vui, trò chơi, vũ hội và những hội hoá trang. Đàn ông ăn mặc như đàn bà đeo mặt nạ trùm kín đầu, trẻ con vẽ thêm râu, thêm tai dài... để cho mọi người không thể nhận ra.
Trước lúc nửa đêm người ta thường đếm ngược thời gian. Những giây cuối cùng mọi người đều nâng ly champagne, đồng thanh đếm: “mười... chín... tám...". Đúng 12 giờ đêm, mọi người uống cạn ly rượu, ôm hôn, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới.
Brazil
Vào đêm giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng, đặc biệt là ở Rio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Mọi người thường mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới.
Trước kia, tiệc mừng năm mới thường là tiệc về tín ngưỡng, nhưng ngày nay nó đã trở thành một buổi trình diễn lớn dành cho du khách lẫn người dân. Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31/12 của năm cũ và tới giữa đêm, pháo hoa bắt đầu bừng lên.
Bữa tiệc ánh sáng kéo dài khoảng 30 phút và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khoẻ. Nếu ở gần biển, sau lúc nửa đêm, mọi người thường đi nhảy sóng, thường là 7 ngọn sóng và ném hoa ra biển khi ước. Ngoài ra, một số người còn thắp nến trên bờ biển.
Cuba
Đêm giao thừa, ở cửa sổ các nhà, nước được đổ ào ào... để lấy hên. Khi chuông nhà thờ điểm tiếng đầu tiên, người ta bắt đầu nuốt hạt nho, đến khi dứt 12 tiếng chuông phảt nuốt hết 12 hạt nho, như vậy năm mới sẽ được thịnh vượng, may mắn.
Colombia
Đốt "ông năm cũ" là một phong tục đón năm mới ở nhiều thành phố tại Colombia. Nghi lễ này đòi hỏi sự tham gia của toàn thể gia đình. Đây là việc làm rất vui, mọi người thường làm một con búp bê nam đại diện cho năm cũ. Sau đó, họ nhồi búp bê bằng nhiều vật liệu khác nhau. Đôi lúc, họ cho vào đó pháo hoa để khi đốt trông đẹp hơn.
Vào đêm giao thừa, người Colombia sẽ đốt con búp bê. Hành động này biểu trưng cho việc thiêu rụi những gì không mong muốn trong quá khứ và tất cả sẵn sàng đón nhận năm mới vui vẻ.
Đức
Đêm giao thừa, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành. Các củ hành được khoét những lỗ nhỏ và rắc muối vào. Mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm.
Ở các vùng nông thôn Đông Đức cũ, người dân còn có tục lệ đổ chì nóng lên một cái thìa rồi ném xuống nước, sau đó vớt chì lên, căn cứ theo hình dáng màu chì người ta tiên đoán trong năm làm ăn phát đạt hay thất bại.
Gruzia
Người dân Gruzia được đón tết hai lần: từ ngày 31/12 sang ngày 1/1 và từ ngày 13 sang 14/1 theo kiểu cũ. Vì vậy, ngày lễ Giáng sinh của những người Gruzia theo đạo Thiên chúa được tính từ đêm 7/1.
Do những người có đạo ở Gruzia thường giữ nếp ăn kiêng nghiêm ngặt trước ngày lễ Giáng sinh nên bàn tiệc đón năm mới đêm giao thừa được chuẩn bị rất thịnh soạn. Món ăn chính trong bữa tiệc giao thừa là món xaxivi. Đó là một con gà tây quay dội nước sốt quả hạnh nhân.
Người Gruzia đón năm mới với cây thông rất đặc biệt, được gọi là tree tree lucky. Đó là một khúc gỗ được chạm trổ cầu kỳ, trên có treo các loại kẹo ngọt và được ngâm trong một chậu bột, như biểu tượng của may mắn và đầy đủ trong nhà.
Venezuela
Mọi người thường mặc đồ lót màu vàng vào dịp năm mới. Những ai mặc như vậy sẽ được may mắn. Vào đêm giao thừa, hầu hết mọi người đều ăn 12 quả nho để cầu may mắn trong năm tới.
Có một số người viết mong ước vào một bức thư và sau đó đem đốt. ở các gia đình đều có bữa tiệc lớn với champagne.
Đan Mạch: nhảy từ trên ghế xuống để xua đuổi tà ma
Nhiều người Đan Mạch đón năm mới bằng cách vào nửa đêm, họ sẽ đứng lên ghế, sau đó nhảy xuống. Đây được xem là hành động xua đuổi tà ma và mang lại may mắn.
Ngoài ra, trong suốt cả năm người Đan Mạch thường để dành những chiếc đĩa cũ, vỡ để vứt xung quanh nhà hàng xóm, nhà bạn bè vào dịp năm mới. Tìm thấy càng nhiều mảnh vỡ xung quanh nhà, chứng tỏ bạn có rất nhiều người yêu quí.
Estonia: Ăn bảy bữa một ngày
Theo truyền thống, người Estonia sẽ cố gắng ăn bảy bữa trong ngày đầu năm mới. Họ tin rằng, đó là hành động đảm bảo sự no đủ trong năm mới. Nếu một người đàn ông ăn bảy bữa trong ngày đầu năm, thì người ta tin rằng anh ta sẽ có sức khỏe bằng bảy người đàn ông khác trong năm mới.
Bây giờ các bữa tiệc mừng năm mới có thể đã khác đi một chút, đặc biệt là các bữa tiệc ở thủ đô Tallinn – nhà nào cũng bày thật nhiều rượu cùng với nhiều loại thức ăn.
Buổi hòa nhạc đặc biệt tại Vienna, Áo
Để chuẩn bị cho đêm Tất niên, thủ đô Vienna của Áo sẽ tổ chức một buổi nhạc giao hưởng thính phòng lớn chưa từng có tại Nhà hát lớn Goldener Musikvereinsaal của thành phố này.
Iceland
Xé nhỏ bánh mỳ và dùng búa đóng chúng vào tường nhà là phong tục độc đáo của người Iceland vào dịp đầu năm. Người ta tin rằng như thế sẽ hứa hẹn một năm no đủ sung túc và xua đuổi mọi điềm xấu, tà ma.
Source: giadinh.net