Nguồn gốc sự giàu có của tiếng Anh
Th.tư, 18/10/2017, 07:00 Lượt xem: 5361

Các bạn học viên thân mến, trong thời gian qua, chuyên mục Hỏi-Đáp đã cùng các bạn khám phá ra rất nhiều điều bổ ích lý thú có liên quan tới tiếng Anh. Vậy nguồn gốc sự giàu có của tiếng Anh là do đâu? Chúng ta hãy cùng khám phá trong chuyên mục lần này nhé!

Cũng giống như bất kỳ một ngôn ngữ nào khác, tiếng Anh gồm có hai phần: tiếng Anh bản địa và tiếng Anh vay mượn. Một điều đáng ngạc nhiên là lượng từ vay mượn trong tiếng Anh còn lớn hơn rất nhiều so với những từ nguyên gốc.

Nếu xét về vai trò, những từ bản địa tuy chỉ chiếm 30% tổng lượng từ có trong tiếng Anh nhưng chính chúng là nền tảng để hình thành nên phần lớn các từ quen thuộc thường xuyên được sử dụng trong ngôn ngữ nói và viết. Bên cạnh đó, từ bản địa có các cách kết hợp về từ vựng và ngữ pháp vốn rất phong phú, chúng là những từ đa nghĩa và có khả năng cao trong việc hình thành các nhóm từ và các cấu trúc.

Còn những từ vay mượn là những từ có nguồn gốc từ một ngôn ngữ khác và được biến đổi cho phù hợp với những đặc điểm của tiếng Anh bản địa. Thực ra, do đã trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển, rất khó để phân biệt một từ tiếng Anh vay mượn với một từ gốc bản địa nếu không sự phân tích kỹ lưỡng về nguồn gốc và lịch sử của chúng. Chính những giai đoạn phát triển của ngôn ngữ chính thống quyết định số lượng từ vay mượn cũng như vai trò của chúng trong hệ thống từ ngữ của một ngôn ngữ.

Có hai con đường hình thành nên từ vay mượn: vay mượn trực tiếp từ một ngôn ngữ khác nhờ vào những mối tác động qua lại với các quốc gia khác hoặc vay mượn gián tiếp từ một ngôn ngữ thông qua một ngôn ngữ khác. Hai thuật ngữ thường được sử dụng trong quá trình phân tích những từ vay mượn là nguồn vay mượn và gốc vay mượn. Cụm từ “nguồn vay mượn” là muốn nói đến ngôn ngữ được vay mượn một cách trực tiếp còn “gốc vay mượn” lại ám chỉ đến ngôn ngữ được vay mượn một cách gián tiếp. Trên thực tế, nếu hai ngôn ngữ tác động qua lại với nhau càng có sự tương đồng về cấu trúc thì càng dễ dẫn đến hiện tượng giao thoa giữa các từ của chúng.

Để phân loại những từ vay mượn thì có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Thứ nhất, những từ vay mượn có thể được phân loại theo nguồn gốc của bản thân chính từ vay mượn đó: Vay mượn chính xác, dịch sao phỏng, vay mượn về ngữ nghĩa. Trong đó ngoài cách vay mượn chính xác là sử dụng nguyên vẹn cả về từ và nghĩa của từ đó thì:

Dịch sao phỏng là là một cụm từ cũng hình thành do vay mượn nhưng bằng cách dịch từng từ thành phần theo nghĩa đen và ghép lại chúng với nhau.

Vay mượn về ngữ nghĩa là một loại vay mượn nghĩa của một từ đã từng được sử dụng trong tiếng Anh.

Ngoài ra, những từ vay mượn từ tiếng Latin có thể được phân loại thành các nhóm nhỏ theo các thời kỳ:

Thời kỳ đầu. Đây là những từ du nhập vào tiếng Anh thông qua ngôn ngữ của các bộ tộc Anglo-Saxon. Từ rất lâu trước khi cuộc xâm nhập của các giống người Angle, Saxon and Jute, chính những bộ tộc này sau khi tiếp xúc với nền văn minh La mã và đã chấp nhận một số từ gốc Latin để chỉ những đồ vật thuộc về nền văn minh đó, ví dụ như: cup (ly), kitchen (bếp), mill (đơn vị tiền tệ), wine (rượu), port (cảng).

Thời kỳ thứ hai. Nhóm này gồm những từ du nhập vào nước Anh vào thế kỷ thứ sáu và thứ bảy, khi những người Anh chuyển sang theo đạo Cơ đốc, ví dụ: priest (linh mục), bishop (giám mục), nun (ni cô), và candle (cây nến).

Thời kỳ thứ ba: Một số từ lại được sử dụng trong tiếng Anh sau khi xảy ra hai sự kiện lịch sử: cuộc càn quét của người Noóc-măng và thời kỳ Phục Hưng. Có những từ du nhập vào tiếng Anh thông qua tiếng Pháp nhưng một số lại vay mượn từ tiếng Latin như major (lớn), minor (nhỏ), intelligent (thông minh), permanent (cố định).

Thời kỳ cuối cùng: Những từ thuộc thời kỳ này chủ yếu là những từ mang tính chất trừu tượng hoặc khoa học như: nylon, molecular (phân tử) , vaccine (vắc-xin), phenomenon (hiện tượng), và vacuum (chân không).

Tóm lại có thể nói xu hướng vay mượn của tiếng Anh đã có nguồn gốc từ lâu đời và chắc chắn sẽ ngày càng phát triển hơn bao giờ hết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hoá và sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Và càng không thể phủ nhận rằng chúng đã, đang và sẽ là một trong những nguồn quan trọng nhất để hình thành nên một ngôn ngữ tiếng Anh ngày càng đa dạng và phong phú.