Những chuyến xe lửa London
Th.sáu, 16/12/2016, 07:00 Lượt xem: 6266

Ngày xưa hành khách dùng xe lửa để đi làm thường đem theo một tập báo hoặc một quyển sách để đọc, hoặc hút thuốc.

Nay thì đã có báo miễn phí, đầu lắc lư theo tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy MP3, gửi tin nhắn cho bạn, chơi games hay coi TV trên các thiết bị kỹ thuật số, tranh thủ ngủ... và vô cùng ít hành khách tận dụng thời gian để nhìn ra ngoài cửa sổ.

 

 

Chúng ta sống trong một môi trường ngày càng đông người, cứ thường phải nghe đĩa nhạc mới này, đọc quyển sách kia, hay xem một loạt chương trình truyền hình mới ̣(và thỉnh thoảng lại cảm thấy thiếu văn hóa nếu bị lỡ một chương trình nào đó).

Thời gian không nối kết vào nền văn hóa toàn cầu đang đi với tốc độ chóng mặt thường bị coi là thời gian lãng phí.

Trên một chuyến xe lửa vào London trong ngày thứ Tư, giờ cao điểm bắt đầu hết nhưng trên xe vẫn còn đầy công nhân, sinh viên và người đi mua sắm.

Trên một chuyến xe lửa chạy ngang qua ga Clapham Junction, đa số khách đọc tờ Metro hoặc xem một quyển sách bìa mềm nào đó.

Có vẻ như cứ hai người thì có một người đeo headphones, một số người khác gửi tin nhắn qua điện thoại cầm tay hay gọi điện cho ai đó.

Lúc chuyến tàu băng qua sông Thames, chỉ có một ít người thoáng ngẩng lên nhìn con sông xám xịt. Tin tức nóng hổi về các nhân vật nổi tiếng rõ ràng là hấp dẫn hơn.

Bà Ann Johnson, năm nay 63, là một trong số ít những hành khách không làm gì cả. Bà có một tờ nhật báo Daily Express để bên cạnh, nhưng đó là mua cho bà chị đang nằm trong bệnh viện.

 

Bà Johnson thường ít đọc báo

 

"Thường tôi không có báo, cũng không có iPod và mấy cái thứ cắm vào tai", bà cười. "Tôi nhìn xem chuyện gì đang diễn ra, món đồ nào lên giá từ sau chuyến đi trước".

Ví dụ như hôm nay thì bà nghĩ tới chị mình đang nằm viện. Nếu bà đi xe lửa để sắm đồ thì sẽ tính coi sẽ mua những món gì.

Vậy bà có để ý tới chuyện các hành khách khác cư xử giống như đã tách khỏi thế giới xung quanh?

"Thì tất cả đều như muốn nói chuyện điện thoại. Tôi không cưỡng lại được thói tò mò lắng nghe câu chuyện của họ. Tôi nghĩ ngày xưa người ta nói chuyện nhiều hơn. Nếu bạn đi một chuyến tàu xa và có người ngồi đối diện thì bạn sẽ bắt chuyện với người đó".

Trên chuyến tàu này còn có cô Laura Jenner, năm nay 30 tuổi, làm việc cho ủy ban quận Lewisham, chuyên giúp thanh niên phát triển sự nghiệp.

Cô đem xe đạp lên tàu, và để ba lô trên đùi.

"Thường thì tôi đọc sách hoặc nghe iPod", cô nói, và giải thích hôm nay hơi mệt vì quãng đường đạp xe và chỉ muốn nghỉ ngơi.

Cô đang nghĩ tới một quĩ từ thiện mà cô muốn tham gia, để nhớ tới người cha qua đời vì ung thư hai năm trước.

 

Cô Jenner đang nghĩ đến quĩ từ thiện

 

"Tôi nghĩ xem làm sao để gặp thêm nhiều người sẽ tài trợ cho minh, và tôi cũng đang tính chuyện mở trang trên Facebook, nhưng chưa có tính toán nào cụ thể và rõ ràng cả."

"Ngày thường tôi hay lái xe đi làm và đi kiểu này thì thư giãn hơn, có lẽ tôi sẽ chuyển sang dùng xe lửa"

 

Hành khách OK

Steve Bamigboye là sinh viên, năm nay 34, đi từ Mitcham, cho biết thường ngày vẫn đọc báo nhưng chuyến tàu từ London Bridge về Earlsfield này là chuyến thứ hai trong buổi sáng, và anh đã đọc hết tờ báo miễn phí trong chuyến trước rồi.

"Tôi không muốn đọc tờ Metro hai lần", anh chia sẻ. "Tôi đang nghĩ về rất nhiều thứ", anh nói nhưng không cho biết thêm.

 

Anh Bamigboye đã đi chuyến tàu thứ hai trong ngày

 

Trong khi bản thân thỉnh thoảng cũng nghe nhạc bằng điện thoại, anh nghĩ thật chán khi có rất nhiều người tách ra khỏi thế giới xung quanh. "Nếu người ta nghe nhạc thì bạn không thể bắt chuyện với họ được".

Một giờ đồng hồ sau đó, trên chuyến tàu đi Epsom, nhà địa chất người Nga 24 tuổi Julia Malykh đã đi một chặng đường rất dài.

So với 18 giờ đồng hồ ngồi xe lửa về Mátxcơva trong chuyến về thăm nhà bên Nga, chuyến tàu ngắn này thật chả thấm vào đâu.

 

Cô Malykh nói tàu London chưa ăn nhằm gì so với ở Nga

 

Cho nên cô ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, "nghĩ về bạn bề, về những người bạn tôi mới quen ở Anh".

"Bên Nga xe lửa đông hơn và chật chội hơn nhiều. Thực sự không tiện để đọc báo".

Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp chúng ta chỉ ngồi mà nhìn thế giới thường xuyên hơn thì có lợi gì không?

TS Angela Carter, chuyên gia về tâm lý nghề nghiệp ở Đại học Sheffield nói có một vài nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy cần gắn mình với thế giới ngôn từ, games hay âm nhạc.

Thứ nhất là nó giúp bảo vệ cho không gian và thời gian riêng, thông qua hoạt động mà đưa bản thân mình ra khỏi khung cảnh thực của một toa tàu đông người.

Điều đó tạo ra một khoảng đệm cho giấc mơ ngày thường, ví dụ như là nằm thoải mái trên bãi biển và không làm gì cả.

"Con người dùng thời gian riêng theo cách rất khác nhau", TS Carter nói. "Một số người dùng để đọc báo, một số suy nghĩ, và số khác chỉ đơn giản là cần thời gian để dùng các vật dụng của mình".

Một chuyến tàu từ nhà tới chỗ làm với một số người nay có thể kéo dài đến ba giờ đồng hồ, mà với suy nghĩ của con người hiện đại thì có vẻ như không thể lãng phí chừng ấy thời gian mà không có gì kích thích.

"Nếu bạn có chuyện gì làm để chiếm thời gian thì quãng thời gian đó sẽ trôi qua khá nhanh", TS Carter nói.

Nhưng bạn cũng cần phải chọn phương tiện chiếm thời gian một cách cẩn thận, vì nếu không có chỗ ngồi thì laptop là bất lợi.

"Nếu bạn bị kẹt cứng trong một toa tàu đẫm mồ hôi, thì âm nhạc là phương tiện tuyệt vời để trải nghiệm.

 

Thời gian riêng

Thỉnh thoảng khả năng xử lý thời gian ch́ết phụ thuộc vào trình độ và công việc của mỗi người.

"Nếu bạn là con một, thì tức là bạn quen với cảnh chơi một mình và sẽ biết cách quản lý thời gian riêng".

"Bạn sẽ thích có thời gian cho riêng mình, hoặc ngược lại. Với một số người thì ba giờ đồng hồ trên xe lửa cũng giống như một cuộc ly dị vậy".

Nhưng TS Carter nói trong nhiều trường hợp cũng nên tắt iPod, bỏ sách xuống, và tạo điều kiện cho não của bạn hồi phục bằng quãng thời gian nghỉ.

"Đây chỉ là quan điểm riêng thôi, nhưng tôi nghĩ cũng nên có thời gian riêng, để mình có thể hiện quả hơn. Chúng ta cũng phải cho bản thân mình nghỉ ngơi".

Vội vã đi làm về, xem phim hành động trên thiết bị số rồi vội vã đi đến một nơi nào đó thì theo tôi là không có gì ngơi nghỉ cả."

"Chúng ta vẫn thường nói về những ngày nghỉ ngơi cho tinh thần, thì thời gian đi trên xe lửa là hoàn hảo cho việc đó. Tại sao phải chờ đến khi nào có hai tuần nghỉ trong khi có thể sử dụng ngay một ít từ bây giờ rồi?".

 

 Source: Stephen Dowling, BBC News