Từ ngày xửa ngày xưa, các ông đồ chẳng hề dùng bài giảng Powerpoint, máy chiếu, hay thậm chí là bảng trắng để dạy học. Họ chỉ đơn giản chia sẻ với học trò những câu chuyện trong cuộc sống.
Nhớ lại hồi lớp 6 tôi còn ngô nghê trên ghế nhà trường, giờ địa lý luôn là giờ học tôi mong chờ nhất với đôi mắt đầy háo hức và đôi tai dỏng lên sẵn sàng ngấu nghiến từng lời cô nói. Câu chuyện về chuyến phiêu lưu khám phá các đại dương trên thế giới của nhà thám hiểm hàng hải người Bồ Đào Nha, Magellan (Ferdinan Magellan) và nguồn gốc cái tên “biển Bình Yên” (the Pacific Ocean), hay là Thái Bình Dương như chúng ta vẫn gọi, sống mãi trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ. Tôi nhận ra một điều thú vị rằng trí nhớ của chúng ta sẽ khắc sâu những câu chuyện, chứ không phải giả thuyết, định nghĩa, hay một ngày tháng lịch sử. Tất nhiên kể chuyện trong giờ học cần phải gắn với sự khám phá thông tin chính của bài. Nhưng không phải lúc nào tầm quan trọng của những thông tin đó cũng khiến cho nó được nhớ mãi. Chính cách truyền tài thông tin mới khiến nó trở nên thú vị đến mức không thể quên được.
Tôi đã thử áp dụng phương pháp này trong các giờ dạy của mình nhằm mục đích cung cấp kiến thức đầu vào cho học sinh (input knowledge) hoặc giải thích một vấn đề theo một cách dễ hiểu. Cách đây không lâu tôi có một giờ dạy nói với chủ đề thiên văn học (astronomy), tôi kể cho học trò của mình câu chuyện cổ tích về hệ mặt trời trong đó lý giải tại sao chỉ duy nhất trái đất của chúng ta (the Earth) trong số 10 hành tinh của hệ mặt trời có sự sống.
Quan sát sự chăm chú của học trò mình và sự thích thú hiển hiện trên gương mặt của các em, tôi càng nhận ra rằng những câu chuyện kể thực sự có ma lực và hữu ích cho công việc giảng dạy của mình. Chúng ta trước khi đến trường học kiến thức chính quy thì đã được học rất nhiều giá trị nhân văn cũng như sự hình thành của vạn vật từ những chuyện cổ tích hay thần thoại. Bất cứ một chuyện nào cũng đều là một phương thức truyền tải thông tin mới mẻ giúp bài học sôi động và đáng nhớ hơn.
Source: EQuest