Trong quan niệm của người dân Trung Quốc, ông Táo là vị sứ giả được Ngọc Hoàng phái xuống dân gian ghi chép những việc thiện ác của từng gia đình. Cuối năm theo định kỳ, Táo Quân lại bay về trời để báo cáo tình hình nơi hạ giới cho Ngọc Hoàng. Vì vậy, mọi người ai nấy đều tôn kính ông.
Có lẽ, tục cúng ông Táo đã sớm bắt nguồn từ khi con người được thiên nhiên ban tặng ngọn lửa thần kỳ. Từ trước thời nhà Tần, những nghi lễ cúng thần Táo đã trở thành một trong bảy nghi lễ toàn quốc. Đến thời Hán, hình ảnh thần Táo lại được hình tượng hóa và đảm nhiệm thêm nhiều chức trách mới. Ông đã trở thành vị thần cai quản, ghi chép việc bếp núc, làm ăn, cư xử của từng người trong mỗi gia đình suốt năm qua và báo cáo cho Ngọc Hoàng vào cuối năm. Như vậy, ông Táo có quyền năng đối với từng sinh mạng mỗi thành viên của từng gia đình, những báo cáo hằng năm của Táo Quân cho Thượng Đế biết sinh hoạt của gia chủ sẽ tác động rất lớn đến thịnh suy của gia chủ. Chính vì thế, người dân Trung Hoa cúng tế Táo Quân hàng năm. Mọi người thường bày ban thờ gần bếp và cúng tiền vàng, rượu nếp, thịt, cá. Vào thời cổ xưa, người ta tin rằng, để được ông Táo tâu với Ngọc Hoàng những lời tốt lành, họ thường lấy kẹo mạch nha để cúng lễ ông. Sau khi ông Táo ăn xong, vị ngọt, dinh dính của kẹo còn đọng lại sẽ khiến ông nhớ đến nhà chủ đã cúng tế và tâu lên Ngọc Hoàng những lời hay, ý đẹp. Quả thật là một nét thú vị, đặc biệt.
Hình ảnh ông Táo và vợ ông – người ngồi bên cạnh xưa kia thường được vẽ lên những tầm bìa cứng đơn sơ và dán trên tường trong nhà để thờ cúng. Ngày nay, những bức tranh Táo Quân như thế cùng dòng câu đối cung chúc tân xuân vẫn được người dân ưa thích, mua về thờ cúng vào dịp lễ. Đó cũng là mong ước của mỗi người về một năm mới an khang, thịnh vượng.
Source: caudulich