Mục đích của việc thử nghiệm là mong tìm ra giải pháp nhằm cải thiện tình trạng "thất sủng” của các bộ môn sân khấu, văn nghệ diễn xướng dân gian nói chung và cảnh ế ẩm của cải lương nói riêng. Đây là lần thử nghiệm thứ hai của Nhà hát Cải lương Hà Nội sau vở diễn "Mệnh đế vương” được dịch, ghi âm và phát bằng tiếng Anh trong buổi diễn vào cuối năm 2011.
Tiết mục "Dạ cổ hoài lang”
Không dừng lại ở sự đổi mới, nâng cao chất lượng vở diễn, bắt đầu từ cuối năm 2011, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã thử nghiệm biểu diễn cải lương dịch sang tiếng Anh với mục tiêu thu hút được lớp khán giả trẻ trong nước và đặc biệt là khán giả người nước ngoài. Trên sân khấu, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe bản dịch tiếng Anh thông qua tai nghe. Đây là một thử nghiệm độc đáo nhằm đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận với khán giả nước ngoài và dần biến rạp Chuông Vàng thành một địa chỉ "vàng” trong tour du lịch phố cổ.
Chương trình diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, gồm 7 tiết mục ngắn: "Màn trống hội”, bài "Dạ cổ hoài lang”, "Lý ngựa ô”, kịch ngắn "Kẻ trộm đêm giao thừa”, múa Chăm, bài tân cổ "Tình yêu trên dòng sông Quan họ” và múa sáo. Chương trình biểu diễn những trích đoạn ngắn vì qua thử nghiệm lần trước, phần lớn khán giả người nước ngoài đều không thích những vở diễn có thời lượng quá dài. Phần dịch cũng được dịch ra kịch bản và đọc, chứ không dịch "vo” trực tiếp theo từng buổi diễn hay thu vào băng phát, bởi việc phát băng thu âm đôi khi không khớp với vở diễn. Nhà hát cũng đã đầu tư mua tai nghe và hệ thống âm thanh chuẩn để đảm bảo chất lượng vở diễn.
Ông Trần Quang Hùng - Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: "Nhà hát đang định hình phong cách nghệ thuật riêng với nhiều dự án nghệ thuật và điểm nhấn vẫn là thử nghiệm dịch sang tiếng Anh một số trích đoạn, vở diễn ngắn và vở diễn tiêu biểu. Năm 2011, Nhà hát thử nghiệm dịch lời sang tiếng Anh với vở "Mệnh đế vương”, du khách nước ngoài đến xem đã rất ngạc nhiên, thích thú. Họ ngạc nhiên, thích thú bởi lẽ khi so sánh với các loại hình nghệ thuật khác như chèo, tuồng thì chưa có đơn vị nào làm”.
Sau khi thưởng thức 7 tiết mục của chương trình, NSND Mạnh Tưởng đã thốt lên: "Tôi rất sung sướng khi thấy Nhà hát Cải lương Hà Nội làm được điều này. Đây là mơ ước của tôi từ năm 1989 khi tôi ra nước ngoài nghe Opera gốc mà phần lời được dịch ra tiếng Việt”.
Đánh giá cao cách làm mới của Nhà hát Cải lương Hà Nội khi đưa phần dịch sang tiếng Anh vào chương trình phục vụ khách du lịch quốc tế, tuy vậy NSND Thanh Trầm cũng thẳng thắn nhận xét: "Chương trình vẫn chưa thực sự đặc sắc, độc đáo khi đưa quá nhiều các loại hình nghệ thuật khác vào. "Mời trầu” của Quan họ thì khách du lịch nước ngoài đã xem mãi rồi. "Kẻ trộm đêm giao thừa” là vở kịch ngắn hay, cảm động nhưng có thể gây ấn tượng không đẹp cho người nước ngoài. Tiết mục múa Chăm, múa sáo cũng không thật sự ấn tượng. Đây là chương trình của Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát lại tọa lạc ở trung tâm phố cổ Hà Nội, nếu xem chương trình có thể khiến người nước ngoài ngộ nhận Cải lương Việt Nam là như thế. Nên đưa vào chương trình những trích đoạn Cải lương cổ, tận dụng nghệ thuật múa của cải lương như thế mới là phát huy được sở trường của mình”.
Cách làm mới của Nhà hát Cải lương cũng là xu hướng chung của nhiều nước trong khu vực khi quảng bá nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, trước cách làm mới của Cải lương Hà Nội, cần có một sự chuẩn bị thật kỹ càng để khách nước ngoài cảm nhận nghệ thuật truyền thống Việt Nam sẽ không bị... méo mó. Và không làm mất đi sự trong sáng của ngôn từ, ý tứ của lời ca, câu hát trong các sáng tác Việt xưa vốn rất đa dạng, phong phú, với nhiều tầng lớp ý nghĩa.
Source: baomoi.com