Vài lời khuyên khi dạy các học viên lớn tuổi
Th.Bảy, 25/11/2017, 07:00 Lượt xem: 3642

Một là thái độ học tập.

Gần như 100% các học viên lớn tuổi đều rất nghiêm túc và chăm chỉ. "Họ thường mang đến lớp học những kinh nghiệm của cuộc sống và một độ chín chắn nhất định mà trẻ con và thanh niên không có." (Hammond et al, (1992) Nếu mỗi khi giao bài về nhà phải hô hào, nhắc nhở, thậm chí đe dọa đủ kiểu để các học sinh còn đang "tuổi ăn tuổi lớn" nộp bài đầy đủ, thì những học viên lớn tuổi trong lớp luôn luôn nộp bài đúng deadline, thậm chí trước vài ngày.  Nếu các học sinh nhỏ tuổi chỉ "nhăm nhe" có cơ hội là gọi cô giáo trẻ bằng "chị", thậm chí bằng... "bạn", thì các học sinh lớn tuổi ra khỏi lớp vẫn 1 điều "cô giáo", 2 điều "cô giáo".  Các giáo viên hãy biết tận dụng những "tấm gương" này để thúc đẩy tinh thần học tập của cả lớp.

 

Hai là yêu cầu và đòi hỏi đối với chương trình học cũng như giáo viên.

Thông thường, người học lớn tuổi do đã vượt quá "ngưỡng ngôn ngữ" nên khả năng linh động ứng dụng không còn cao. Họ luôn muốn có thật nhiều ví dụ, bài mẫu, hướng dẫn chi tiết cho từng nội dung học. Họ cũng thường phản ứng tích cực và có thiện cảm với những giáo viên chắc chuyên môn và nhiệt tình. Do đó khi đi dạy các lớp có học viên lớn tuổi, giáo viên cần xem xét thật kĩ lưỡng nội dung giảng dạy, có thể chú ý chuẩn bị thêm 1 chút hướng dẫn tỉ mỉ, theo từng bước một cho những học viên đó. Ngoài ra, do tuổi tác, các học viên "cao niên" trong lớp đôi lúc thiếu kiên trì, đặc biệt là với kĩ năng Nói. Một cán bộ văn phòng chưa bao giờ nói tiếng Anh, lại là người miền trong chẳng hạn, việc bắt họ ngay lập tức phát âm chuẩn, ngữ điệu hay gần như là chuyện không tưởng. Với họ, hãy chú tâm đến ý tưởng, cách dùng từ, dùng cấu trúc, hơn là đặt nặng phần phát âm, ngữ điệu. Hãy tận tình chỉ dẫn, thậm chí hạ thấp điểm cho các tiêu chí đánh giá về phát âm, ngữ điệu để khuyến khích cũng như giảm bớt áp lực cho họ.

Ba là "sở thích chuyên môn".

Các học viên lớn tuổi thường yêu thích những chủ đề bài học càng sát với thực tế, càng đi kèm nhiều ngữ cảnh cụ thể càng tốt. Họ đặc biệt sôi nổi khi động đến những vấn đề liên quan đế chuyên môn, công việc. Đôi khi, nếu "lạc" vào 1 lớp toàn các em tuổi teen, chủ đề nói chuyện toàn xoay quanh Hàn Quốc, nhạc trẻ, học viên lớn tuổi có thể thấy lạc lõng và kém nhiệt tình. Lúc đó, hãy khéo léo gợi chuyện họ, vừa giúp họ giải tỏa tâm lý, vừa nhân cơ hội cung cấp cho các học viên nhỏ tuổi những kiến thức xã hội cần thiết thông qua kinh nghiệm của các học viên lớn tuổi.

Bốn là tâm lý dè dặt, ngại phát biểu ý kiến hoặc tham gia hoạt động chung.

Do đã lớn tuổi, các học viên này thường có tâm lý "sợ sai", ít khi dám phát biểu vì sợ "mất mặt" trước các bạn học trẻ tuổi. Nhiều người cũng không thích chơi trò chơi vì cho rằng những hoạt động đó làm mất thời gian, hoặc vì ngại làm việc chung với "trẻ con". Hãy động viên họ phát biểu, nhưng không ép buộc. Nên làm rõ tôn chỉ "Không câu trả lời nào là sai" và chọn cách nhận xét thật tế nhị, vui vẻ để tạo tâm lý thoải mái, dần dần giúp học viên lớn tuổi không còn e ngại khi phát biểu ý kiến. Nếu cho chơi trò chơi, hãy cố gắng tạo sự liên kết chặt chẽ, rõ ràng giữa hoạt động chơi và  học. Một khi hiểu rõ mối liên kết đó cũng như tác dụng của trò chơi cho bài học, học viên lớn tuổi sẽ tự nguyện tham gia và tham gia rất hăng hái.

Trên đây là một vài lời khuyên được đúc kết từ kinh nghiệm bản thân của riêng tôi, có tham khảo qua một số bài phân tích của các giáo viên chuyên dạy ngoại ngữ cho người lớn tuổi. Chúng có thể không hữu dụng trong mọi trường hợp, nhưng ít nhiều có thể giúp các giáo viên nắm bắt được tâm lý và nhu cầu học tập của bộ phận học viên đặc biệt này. Tổng kết lại, theo tôi, khi dạy học viên lớn tuổi người giáo viên cần 3 điều cơ bản,đó là Chuyên Môn, Lòng Kiên Nhẫn và Sự Nhiệt Tình.

 


Source: EQuest