Chủ động phương án tuyển sinh bằng kỳ thi riêng
Th.sáu, 10/05/2024, 08:30 Lượt xem: 570

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT khuyến cáo, từ năm 2025 khi bắt đầu có thí sinh tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018, cơ sở giáo dục đại học cần chủ động phương án tuyển sinh.

 

Sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: Trọng Hoàn

Sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: Trọng Hoàn

 

Có thể tổ chức hoặc kết hợp tổ chức kỳ thi riêng làm căn cứ xét tuyển đầu vào.

 

Kỳ thi riêng cho các trường quân đội

 

Trung tướng Nguyễn Văn Oanh - Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) cho biết, Ban Tuyển sinh quân sự đang xây dựng đề án tuyển sinh giai đoạn 2023 - 2030, trong đó tính đến phương án thí điểm tổ chức kỳ thi riêng vào năm 2025 để tuyển sinh đầu vào hệ đại học chính quy cho cơ sở giáo dục đại học trực thuộc.

 

Cục Nhà trường sẽ phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng theo phương thức tương tự như kỳ thi đánh giá năng lực mà đơn vị đã và đang tổ chức. Dự kiến, bài thi đánh giá năng lực gồm nội dung: Toán, Ngữ văn, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên...

 

Đề thi theo hình thức trắc nghiệm và thí sinh làm bài trên máy tính. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng dự kiến dành 30% chỉ tiêu năm 2025 để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi riêng. Tỷ lệ này có thể điều chỉnh để phù hợp thực tế từng trường.

 

Ấp ủ ước mơ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, Nguyễn Hùng Mạnh – học sinh lớp 11 Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) phấn khởi khi biết sẽ có một kỳ thi riêng dành cho các trường quân đội. “Mong Bộ Quốc phòng sớm công bố Đề án của kỳ thi để chúng em có thông tin đầy đủ; từ đó lên kế hoạch học tập, “ứng thí””, Hùng Mạnh bộc bạch và cho biết chỉ tập trung vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi riêng của Bộ Quốc phòng (nếu có).

 

Hiện, có hơn 10 đơn vị thông báo tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Theo thầy Bùi Hữu Tuấn – giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định), tổ chức kỳ thi riêng có thể là xu hướng trong tương lai, nhất là khi các trường đại học được quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh. Điều đó không có nghĩa mỗi trường tổ chức 1 kỳ thi theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Các trường có thể kết hợp với nhau hoặc sử dụng kết quả kỳ thi riêng đã được một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức.

 

Thí sinh tham dự vòng thi kiến thức trên máy - Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Thí sinh tham dự vòng thi kiến thức trên máy - Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

 

Chú trọng khâu tổ chức

 

Theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh; do đó, trên phương diện pháp luật, các cơ sở đào tạo được phép tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận.

 

Quan trọng nhất là xây dựng ngân hàng đề thi và khâu tổ chức. Nếu không làm tốt hai khâu này có thể dẫn đến “lợi bất cập hại”. Muốn vậy, ngoài đề án tổ chức kỳ thi riêng, các đơn vị tổ chức cần xây dựng quy chế thi rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả kỳ thi.

 

Nhấn mạnh công tác hậu kiểm của kỳ thi riêng, TS Lê Viết Khuyến đặt vấn đề, ngoài yếu tố học thuật, nên xem xét tính công bằng của kỳ thi. Ngoài ra, cần có kiểm chứng về chuyên môn để đảm bảo tính khả dụng và phù hợp. Kỳ thi nào không đáp ứng được yêu cầu cần loại trừ khỏi hệ thống xét tuyển, tránh biến tướng, gây áp lực không đáng có.

 

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, mỗi khối ngành, cơ sở đào tạo có đặc thù nên sẽ hướng đến đòi hỏi kỹ năng riêng ở sinh viên. Tổ chức kỳ thi riêng là hướng đến mục đích đó. Tổ chức kỳ thi riêng là cơ hội thêm cho thí sinh, nhất là với những trường có mức độ cạnh tranh lớn, yêu cầu mức độ phân loại cao. Tuy nhiên, thí sinh không cần tham dự nhiều kỳ thi riêng. Thay vào đó, các em nên lựa chọn 1 kỳ thi phù hợp nhất; tập trung kiến thức cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT để bảo đảm có giấy “thông hành” vào đại học.

 

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024. Theo văn bản này, cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về đề án tuyển sinh với Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định, yêu cầu.

 

Cơ sở đào tạo cũng chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác các nội dung trong đề án tuyển sinh. Đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo phải đăng trên trang thông tin điện tử (tại trang chủ), đồng thời gửi về Bộ GD&ĐT ngay sau khi đăng để phục vụ công tác hậu kiểm.

 

Bộ GD&ĐT đề nghị, trước và trong thời gian tuyển sinh, cơ sở đào tạo tiếp tục rà soát lại đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh bao gồm: Chỉ tiêu, ngành, phương thức, tổ hợp xét tuyển; bài thi/môn thi được nhân hệ số khi xét tuyển, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp so với tổ hợp gốc, tiêu chí phụ, môn năng khiếu, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có); các phương thức, điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu có).

 

Việc điều chỉnh đề án tuyển sinh phải bảo đảm đúng quy định và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào cơ sở đào tạo.

 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường dành hơn 30 nghìn chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức. Năm 2023, tỷ lệ thí sinh nhập học theo phương thức này là 2,57%.

 

Nguồn: GD&TĐ