GD&TĐ - Thời gian qua, một số vụ việc xảy ra trong các cơ sở giáo dục khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò quản lý của lãnh đạo nhà trường.
Một lớp học của Trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình
Từ đây cho thấy, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là việc không thể xem nhẹ.
Vụ việc học sinh dồn cô giáo vào góc lớp, ném dép vào người xảy ra tại Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) tháng 11/2023 khiến dư luận bức xúc. Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương đã ký quyết định kỷ luật đối với cô Phan Thị Hằng - giáo viên Trường THCS Văn Phú bằng hình thức cảnh cáo. Đây cũng là hình thức kỷ luật dành cho thầy Nguyễn Duy Sáng - Hiệu trưởng trường này và điều chuyển công tác, nhận nhiệm vụ mới.
Ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội nhìn nhận, đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có vai trò quan trọng trong phát triển nhà trường. Trường nào có đội ngũ cán bộ quản lý tốt thì ổn định và phát triển. Trường nào đội ngũ cán bộ quản lý hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ dẫn đến các vi phạm, gây mất dân chủ, đoàn kết nội bộ…, làm ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành Giáo dục.
Từ thực tế trên, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý và không thể buông nhẹ. Nhận thức điều đó, thời gian qua, việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản trị của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được UBND TP Hà Nội đặc biệt coi trọng.
Theo đó, nhiều cán bộ quản lý các trường được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tham dự hội nghị, hội thảo và trao đổi kinh nghiệm về quản lý trong và ngoài nước. Đến nay, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các trường của Hà Nội ngày càng nâng cao, đi vào nền nếp, giúp ngành Giáo dục Thủ đô phát triển cả về chất và lượng.
Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Ảnh: TG
Từng tham gia tập huấn, bồi dưỡng dành cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cô Bùi Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai, Lào Cai) chia sẻ, các khóa học có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản trị nhà trường. “Thông qua khóa tập huấn, bồi dưỡng, tôi lĩnh hội nhiều kiến thức mới, trên hết là đổi mới công tác quản lý trường học và chính mình để “xắn tay” cùng cán bộ, giáo viên, nhân viên xây dựng thương hiệu, uy tín nhà trường”, cô Bùi Thị Kim Chi bộc bạch.
Nhờ đó nhiều năm nay, Trường Tiểu học Lê Văn Tám luôn đoàn kết, dân chủ, không xảy ra hiện tượng bạo lực học đường hay “sự cố” khác. Đây là ngôi trường thân thiện, học sinh tích cực và hạnh phúc dành cho thầy – trò. Từ thực tiễn, cô Bùi Thị Kim Chi rút ra bài học kinh nghiệm: Hiệu trưởng phải chắc chuyên môn, vững nghiệp vụ quản lý và có phương pháp quản trị. Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch, quản trị hoạt động giáo dục cần hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; xây dựng các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường theo hướng chủ động, tích cực, thân thiện.
Ngoài việc được đào tạo, tự học, tự nghiên cứu, cán bộ quản lý cần được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ, bởi đây là hoạt động nhằm phát triển nguồn nhân lực quản lý giáo dục cho ngành.
Theo ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), quá trình phát triển nhà trường, nhiệm vụ then chốt, chủ yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, năng lực chuyên môn, quản lý giỏi.
ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cần kế hoạch hóa và cập nhật vấn đề mới. Theo đó, xây dựng nền nếp, lựa chọn nội dung và phương pháp bồi dưỡng phù hợp. Ngoài ra, hoạt động bồi dưỡng cần tiến hành theo quy trình khoa học, phù hợp thực tế.
Một lớp học của khóa bồi dưỡng hiệu trưởng, hiệu phó các trường THCS của Hà Nội. Ảnh: TG
Để bồi dưỡng mang lại hiệu quả, vấn đề then chốt là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức sát với yêu cầu, thực tế hoạt động chuyên môn, quản lý. Các cơ quan quản lý, nhà trường cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; đồng thời tạo điều kiện làm việc, chế độ chính sách để họ yên tâm làm việc, cống hiến tài năng cho giáo dục.
Khẳng định, các khóa tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có ý nghĩa quan trọng, PGS.TS Trần Xuân Bách – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, việc này càng thiết thực khi toàn ngành đang triển khai Chương trình GDPT 2018.
“Bồi dưỡng giúp nâng cao chất lượng cán bộ quản lý. Đây là vấn đề vừa cấp thiết, vừa mang tính lâu dài”, PGS.TS Trần Xuân Bách nhấn mạnh và nhìn nhận, công tác quản lý là khâu đột phá trong việc đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển giáo dục. Theo đó, quản lý hoạt động bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục là biểu hiện cụ thể của nâng cao chất lượng đội ngũ.
Lớp học ảo của khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TG
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018”, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi, ngoài chương trình bồi dưỡng theo chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cần bồi dưỡng theo nhu cầu từng địa phương một cách hệ thống, linh hoạt và phù hợp thực tế.
Theo ông Vũ Minh Đức, căn cứ trên 9 mô-đun thuộc Chương trình ETEP, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng như: Học viện Quản lý giáo dục và các trường sư phạm sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu; thẩm định tài liệu bồi dưỡng trên cơ sở có sự tham gia, thẩm định, giám sát của các vụ chức năng.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục là đầu mối nắm bắt thông tin, nhu cầu bồi dưỡng từ địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhằm đáp ứng các nội dung mang tính trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Từ thực tiễn khách quan, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục kiến nghị, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, ban hành chuẩn các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, thực hiện giao chỉ tiêu bồi dưỡng cho các cơ sở đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, phù hợp năng lực đào tạo, bồi dưỡng;
Mặt khác, tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên chủ chốt của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Cùng đó, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, chương trình bồi dưỡng theo Chuẩn hiệu trưởng; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; từ đó thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục theo lộ trình.
PGS.TS Trần Hữu Hoan đồng thời đề xuất, những năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ kế hoạch bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo từng năm để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Đối với các địa phương, sở/phòng GD&ĐT, PGS.TS Trần Hữu Hoan khuyến nghị, cần chủ động cụ thể hóa các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng kế hoạch của đơn vị; đồng thời, có biện pháp giải quyết đối với cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.
Bên cạnh đó, địa phương cần đánh giá chính xác cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo Chuẩn hiệu trưởng. Chủ động phối hợp, liên kết với cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý. Mặt khác, đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ quản lý khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cơ sở giáo dục phổ thông theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục lưu ý: Các địa phương, đơn vị triển khai tốt Chuẩn hiệu trưởng; từ đó lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán hợp lý về số lượng, cơ cấu, chất lượng để cử đi bồi dưỡng tập trung và thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp... trong quá trình triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý đại trà ở địa phương.
Tiếp đó, tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống phục vụ tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Căn cứ lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018, xác định đối tượng và số lượng cán bộ quản lý cần bồi dưỡng từng năm để tổ chức bồi dưỡng đại trà ở địa phương. Chủ động phối hợp và đặt hàng với các đơn vị bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Nguồn: GD&TĐ