Kiên trì từng bước
Th.năm, 26/10/2023, 15:26 Lượt xem: 707

GD&TĐ - Triển khai Chương trình GDPT 2018, dạy học các môn KHTN; Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS là điểm mới, đòi hỏi thay đổi trong tổ chức tại cơ sở GD.

 

Ảnh minh họa ITN.

 

Đây cũng là môn học mà việc thực hiện tại nhà trường gặp nhiều vướng mắc; trong đó điểm khó căn bản là chưa có giáo viên đảm nhận toàn bộ các phân môn trong môn học. Việc có từ 2 - 3 giáo viên cùng giảng dạy 1 môn dẫn đến bất cập khi phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu. Những chia sẻ về việc thường xuyên thay đổi thời khóa biểu; giáo viên có thời điểm dạy quá nhiều, lúc lại ít tiết… được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông.

 

Cũng vì tính đặc thù nên Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là hai môn học được Bộ GD&ĐT lưu ý các nhà trường trong nhiều văn bản chuyên môn, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học mỗi năm.

 

Đơn cử, ngay khi triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 6 năm học 2021 - 2022, tổ chức kế hoạch giáo dục môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Nội dung giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được Bộ GD&ĐT lưu ý ở Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ban hành tháng 6/2021 và Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ban hành tháng 4/2022, với hướng dẫn cụ thể về phân công giáo viên, xây dựng kế hoạch dạy học môn học, kiểm tra, đánh giá.

 

Mới đây nhất, tiếp tục gỡ khó cho nhà trường, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 5636/BGDĐT-GDTrH, lưu ý về phân công giáo viên; xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Về cơ bản, những nội dung hướng dẫn trong văn bản này không mới, tuy nhiên cụ thể, chi tiết hơn; đặc biệt có kèm theo gợi ý kế hoạch dạy học - công việc được cho là còn lúng túng khi triển khai dạy học tích hợp.

 

Nhiều cán bộ quản lý trường THCS, cán bộ sở/phòng GD&ĐT đánh giá cao 3 bản kế hoạch dạy học gợi ý này và cho rằng đây là tham khảo hữu ích với mỗi nhà trường. Tuy nhiên, cần lưu ý, với môn Khoa học tự nhiên, nhà trường chỉ tham khảo gợi ý của Bộ để xây dựng kế hoạch dạy học, thời khóa biểu khi gặp khó khăn trong phân công giáo viên theo thứ tự mạch nội dung trong chương trình môn học.

 

Với môn Lịch sử và Địa lý, phân chia số tiết cho các nội dung dạy học của hai phân môn là gợi ý chung; nhà trường có thể điều chỉnh linh hoạt để phù hợp điều kiện tổ chức, trình độ nhận thức học sinh.

 

Dạy học tích hợp là xu hướng chung của nhiều nền giáo dục trên thế giới. Nghiên cứu về khảo sát chương trình khoảng 20 nước của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy, 100% xây dựng chương trình theo hướng tích hợp. Với Việt Nam, những khó khăn khi triển khai dạy học tích hợp được nhìn thấy trước và khắc phục từng bước.

 

Thực tế cũng chỉ ra, việc triển khai ở các trường đang tốt lên. Dù vậy, công tác tuyên truyền, quán triệt về mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới, trong đó có dạy học tích hợp cần thực hiện triệt để, sâu rộng và hiệu quả hơn; tạo sự thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai; tạo sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

 

Tiếp tục rà soát, tháo gỡ về cơ chế, chính sách để giải quyết tình trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên là việc vô cùng quan trọng cần làm để bảo đảm triển khai hiệu quả dạy học tích hợp lâu dài.

 

Nguồn: GD&TĐ