Ngôi trường 'học mà chơi' phá bỏ khái niệm cũ về giáo dục
Th.hai, 09/10/2017, 13:52 Lượt xem: 3005

Sal Khan (người Mỹ gốc Bangladesh) nổi tiếng thế giới khi thành lập Học viện Khan (Khan Academy), trang web phi lợi nhuận cung cấp mọi kiến thức từ nghệ thuật, lịch sử cho đến lập trình máy tính. Không chỉ thế, Khan đi đầu trong đổi mới giáo dục với ngôi trường Khan Lab ở Mountain View, California (Mỹ).

Được thành lập năm 2014, đây là nơi học sinh 5-14 tuổi cùng học tập, không phân lớp. Năm học 2017-2018, Khan mở rộng cho học sinh trung học.

Danish Kurani, nhà sáng lập công ty kiến trúc Kurani - đơn vị thiết kế và xây dựng Khan Lab, trả lời trên Business Insiderngày 6/10 rằng ý tưởng của ngôi trường này là kết hợp thí nghiệm với giáo dục, do đó bạn có thể cảm nhận rõ sự pha trộn giữa trường học với phòng thí nghiệm.

Trường có những cửa sổ để theo dõi các thí nghiệm đang diễn ra, phòng họp nhỏ, không gian chung và khu vực cà phê.

Học sinh có thể tụ tập trong những không gian thoải mái, cùng nhau thảo luận hoặc giải đố. Tại Khan Lab, học sinh được chia nhóm không theo độ tuổi mà theo cấp độ kỹ năng trong các lĩnh vực.

Gần đây, một nghiên cứu trên 36.000 học sinh cho thấy phương pháp học tập cá nhân hóa giúp cải thiện điểm số các bài kiểm tra chuẩn hóa môn Toán và Đọc hiểu so với cách học truyền thống. Phương pháp này giáo viên đóng vai trò giảng bài, trong khi học sinh tự quản lý việc học và hệ thống nội dung với sự trợ giúp của công nghệ.

Các em cũng có thể leo lên ngồi trên giá sách trong thư viện để tập trung đọc mà không sợ bị ai làm phiền.

Quan điểm giáo dục ở Khan Lab là mặc dù sự hợp tác rất quan trọng, mỗi học sinh cũng cần xây dựng tính độc lập.

Trường có rất nhiều "phòng thí nghiệm" (lab) dựa vào hoạt động mà học sinh tham gia. Make Lab là nơi học sinh thiết kế, xây dựng và thử nghiệm; Ideate Lab để "luyện não", Chat Lab là nơi thảo luận các ý tưởng và giải quyết vấn đề.

Với vai trò của công nghệ trong quá trình học tập, thiết kế của Khan Lab không nặng nề và gò bó. "Hiện học sinh sử dụng iPad, Chromebook, màn hình kỹ thuật số. Khi công nghệ thay đổi, cơ sở hạ tầng cũng phải phù hợp", Kurani nói.

Phương châm của Khan Lab là "Mọi người đều là giáo viên. Mọi người đều là học sinh". Hàng trăm giáo viên ghé thăm trường mỗi năm và ấn tượng với nguồn cảm hứng tích cực. Họ được khuyến khích chia sẻ phát hiện về đổi mới giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu thực sự của học sinh.

Không gian dành cho giáo viên tạo cảm giác thoải mái như đang ở nhà.

Dù chỉ đang phục vụ khoảng 100 em, mô hình trường Khan Lab này có thể áp dụng cho số lượng học sinh lớn hơn rất nhiều.

Nhiều người nhận xét việc các trường học ở Mỹ đi theo xu hướng này chỉ còn là vấn đề thời gian.

(Sưu tầm)