Những nguyên nhân khiến HS tiểu học dốt môn Tập làm văn
Th.hai, 29/01/2018, 08:28 Lượt xem: 2368

Theo tôi là vì chúng ta chưa chỉ rõ nguyên nhân đích xác của việc tại sao trẻ ngày càng dốt văn nên chưa tìm ra giải pháp thích đáng. Qua trải nghiệm thực tế của bản thân: vừa là phụ huynh, vừa là giáo viên dạy văn, vừa là gia sư cho học sinh tiểu học, tôi tự đúc kết ra những nguyên nhân khiến trẻ khó viết được một bài văn hay như sau:

1. Vốn từ nghèo nàn do lười đọc sách

Thủ phạm đầu tiên dẫn đến lười đọc sách là thời gian học chiếm quá nhiều, khiến bọn trẻ tối tăm mặt mũi. Giờ chơi chẳng có lấy đâu ra giờ đọc sách.

Ngoài ra, các phương tiện nghe nhìn có tính chớp nhoáng như truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử cũng là thủ phạm chính tạo cho trẻ thói quen “mì ăn liền”, không có hứng thú kiên trì với sách vở chữ nghĩa.

Bản thân những người lớn xung quanh thì hiếm thấy ai thích sách, bầu bạn với sách, cứ rảnh lúc nào là ôm lấy cái điện thoại lúc đó. Vậy trách sao trẻ lại không đọc sách.

2. Khả năng quan sát yếu và thiếu

Do không được cha mẹ, thầy cô khơi gợi thói quen quan sát mọi lúc mọi nơi nên ngay cả những điều gần gũi, bình thường nhất như tả về một người thân trong gia đình, một người hàng xóm mà em yêu quý cũng thấy khó khăn.

Do hiếm khi được tiếp xúc với môi trường tự nhiên nên cỏ cây, hoa lá, chim muông, vật nuôi ra sao đều không biết. Chỉ khi nào đề văn yêu câu tả cái gì thì mới xem hình ảnh về cái đó qua mạng. Tất nhiên khi viết không nhất thiết phải sờ tận tay, nhìn tận mắt mọi vật. Nhưng chí ít trẻ phải được cảm nhận một chút không gian sống của đối tượng thì bài viết mới mong có hồn được. Khổ nỗi bố mẹ không có thời gian dành cho điều đó, giờ học ngoại khóa trên lớp lại càng không.

3. Rập khuôn máy móc văn mẫu và lời giảng của cô

Bởi đã mắc vào hai nguyên nhân trên nên trẻ chẳng có gì trong đầu mà viết, vớ được bài văn mẫu cô đọc cho khác nào phao cứu sinh, cứ thế làm theo khỏi cần nghĩ.

Thêm nữa là sự áp đặt có thật từ phía giáo viên. Mỗi khi bố mẹ gợi ý con làm khác đi thường được nghe câu nói quen thuộc này: “Cô giáo con không cho!”. Sở dĩ như vậy là vì lớp đông, kiến thức nhiều, cô mệt, yêu cầu học sinh viết theo một khuôn sẽ dễ hướng dẫn hơn.

4. Thiếu tính tưởng tượng và thừa sự bịa đặt

Tưởng tượng là con người dựng lên trong óc mình những hình ảnh sự vật, sự việc mới chưa từng được trực tiếp tri giác hoặc chưa có trong hiện thực. Còn bịa đặt là trong cuộc sống không hề tồn tại người, vật hoặc việc nào đó mà lại nói thành có. Tưởng tượng giúp tâm hồn bay bổng, phong phú, kì diệu hơn, còn bịa đặt làm người ta chẳng mấy chốc biến thành kẻ nói dối quen miệng.

Với cách viết văn như trẻ con hiện nay thì rõ ràng đang tiệm cận đến sự bịa đặt chứ không phải tưởng tượng. Ví dụ nhà không hề có sân vườn nhưng vì tả một cây hoa nên chẳng ngần ngại gì vẽ thêm vào đó, quê không có sông Hồng chảy qua vẫn cứ viết là có như thường, nơi ở chật chội, ẩm thấp lại viết là rộng rãi, thoáng mát... Chính vì giaó viên không tôn trọng, đề cao sự chân thực của trẻ nên mới tạo những sự bịa đặt như vậy.

Tôi lấy làm lạ là trẻ thơ vốn có nhiều suy nghĩ ngộ nghĩnh, đáng yêu hơn người lớn rất nhiều, tại sao người thầy cứ phải áp đặt theo trật tự lôgich thực tế làm gì. Nếu trò tả một con mèo thì nhất định phải là bắt được chuột mới quý mà không chịu hiểu rằng có những chú mèo lười vẫn rất đáng yêu. Bộ lông thì cứ phải mềm mịn như nhung là sao, mèo lông xù trông càng hay mà…vv. Vì áp đặt, vì thiếu khả năng khơi gợi như thế nên tính tưởng tượng trong bài viết của trẻ nhanh chóng bị triệt tiêu, thay vào đó là sự nhai lại văn mẫu, thụ động, xơ cứng. Tôi tin, nếu được thỏa sức tưởng tượng, viết theo những gì mình nghĩ chắc chắn trẻ sẽ hào hứng hơn rất nhiều.

4. Chương trình SGK nôn nóng cho học sinh viết đoạn văn, bài văn

Ngay từ học kì 1 lớp 2 đã yêu cầu học sinh tập viết đoạn, ví dụ như tả 1 người thân trong nhà,1 người bạn trong lớp, 1 con vật em thích. Sau đó đến lớp 3 vẫn viết lại đề ấy nhưng thành bài hoàn chỉnh. Tôi thấy để đến lớp 4, 5 vẫn chưa muộn. Bởi muốn viết được đoạn văn hay thì trước hết phải viết câu văn hay, mà câu văn hay thì bắt nguồn từ từ ngữ chính xác, gợi cảm. Trò chưa có vốn từ mà cứ phải viết cả bài văn sớm thì hay làm sao được.

Theo thiển ý của tôi, lớp 1, 2, 3 cứ tập trung rèn cho học sinh phần luyện từ và câu, đọc sách càng nhiều càng tốt để tăng cường khả năng từ vựng và cảm nhận được chất văn trong mỗi câu viết đã.

Quả thực có quá nhiều nguyên nhân khiến trẻ dốt môn Tập làm văn mà hầu hết đều đến từ những yếu tố khách qua. Thế nên bao giờ thay đổi được những điều này mới mong trẻ học tốt hơn được.

Hà Đông (ST)